Không ít cuộc kiểm điểm đã bị biến tướng thành buổi tuyên dương công trạng, thành tích nổi bật, sự hy sinh vô bờ bến của ai đó.

Với bất cứ viên chức, công chức nào, công tác kiểm điểm toàn diện hàng năm là một quy định đã quá đỗi quen thuộc. Khách quan mà nói, đây là một việc cần làm, bởi nó giúp người ta cùng nhau nhìn lại một năm làm việc, xem cái gì được, cái gì chưa được để làm bài học cho một năm mới.

Tuy nhiên quá trình triển khai công tác này ở một số nơi đã đem lại những “kỷ lục” mà người ta bấm bụng vẫn không thể không cười và cười buồn…

Khi kiểm điểm biến thành… tuyên dương

Về bản chất, kiểm điểm là việc chỉ ra cả điểm tốt và chưa tốt của cá nhân, tập thể nào đó với những bằng chứng cụ thể với mục đích giúp họ rút ra bài học, biện pháp khắc phục, sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Vậy nhưng ở không ít cuộc kiểm điểm, người ta biến nó thành buổi tuyên dương công trạng, thành tích nổi bật, sự hy sinh vô bờ bến của ai đó.

Ấy có thể là khi người ta phải/được kiểm điểm sếp. Về mặt hình thức, đây là biểu hiện của tính dân chủ khi nhân viên được quyền nói ra những gì mình hài lòng, chưa hài lòng với lãnh đạo, giúp trên dưới hiểu nhau hơn, đồng thuận hơn.

Có điều, chả mấy khi “sếp” nghe được nhân viên nói rõ cái sự không hài lòng. Đa phần là im lặng suy tư trăn trở giữa lựa chọn nói dối hay là nói thật. Nói dối thì được lòng cấp trên nhưng hổ thẹn với mình, còn nói thật thì sướng cái bụng mà ưu tư, đau đáu tương lai…

{keywords}
Kiểm điểm cuối năm không phải là nơi để "nâng" hay "hạ" người khác. Ảnh minh họa

“Một bộ phận không nhỏ” thì năm nào cũng thế, cứ cần mẫn một thông điệp ghi công trời biển của lãnh đạo, cứ như thể họ “là một, là riêng, là duy nhất”, cứ như thể chỉ cần tài lèo lái của lãnh đạo thì “có một cây thì sẽ có rừng”. Người ta đứng dậy, cố tỏ ra chau mày, trầm bổng những lời vàng ngọc về sếp. Họa hoằn lắm mới có vị dũng cảm “phê bình” cái sự thờ ơ, vô trách nhiệm, thiếu quan tâm đến bản thân chỉ vì quá mải mê công việc, chăm lo cho quyền lợi của anh em trong cơ quan.

Tôi từng chứng kiến không ít vị được khen đỏ mặt, bối rối vì ngượng, vì biết rõ mình không xứng đáng như thế.

Ấy cũng có thể là khi người ta kiểm điểm người của “phe mình” với việc nêu cao công trạng, ca ngợi nỗ lực, biểu dương tinh thần vượt khó, ghi nhận thành tích.

Khi kiểm điểm là lúc “thanh toán” tư thù

Cũng có những giọt nước mắt rơi trong hoặc sau các cuộc kiểm điểm. Người ta khóc có thể bởi khuyết điểm vô tình của mình bị đào sâu, trì chiết, nhấn nhá trong khi thành tích nổi bật thì bị bỏ quên hay cố tình không thừa nhận.

Người ta khóc cũng có thể vì đau về cái sự đòn thù từ ai đó. Cái lỗi cỏn con từ đầu năm mà cộng sự không thể góp ý “luôn và ngay” thẳng thắn, chỉ vì “không thuộc về nhau” mà họ ngấm ngầm chờ đợi vài trăm ngày có lẻ, đến khi kiểm điểm ném ra trước mắt quần hùng, hả hê theo kiểu “quân tử báo thù chưa bao giờ là muộn”.

Những giọt nước mắt cũng có thể bắt nguồn từ sự cô đơn khi người ta cảm thấy tiếng nói của mình trở nên yếu đuối, lạc lõng.

Cũng một cái lỗi đến muộn về sớm, kẻ bị yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm hay cảnh cáo, người thì được xuê xoa “do hoàn cảnh khách quan”. Cũng bảng thành tích như nhau, người lên lương trước thời hạn, kẻ được mong mỏi cần tiếp tục phấn đấu. Cũng sở hữu ngừng ấy khuyết điểm mà người ta hồn nhiên không tự phê mình. trong khi nhiệt tình “ném đá” người khác dưới cái vỏ tinh thần xây dựng.

Người có lòng tự trọng, hỏi sao không buồn, hỏi sao không khóc?

Kiểm điểm duy lý và bao biện vị tình

Mục đích của kiểm điểm tuyệt nhiên không phải là để hạ bệ nhau mà phải giúp nhau cùng thay đổi theo hướng tốt hơn. Đáng buồn là nguyên lý này bị không ít người cố tình không hiểu.

Người ta không thể chăm chăm áp đặt cái lý cứng nhắc, cách ứng xử thiếu công bằng, những kết luận mang tính quy chụp lên kẻ mình không ưa, trong khi ban phát ân tình cho những người chưa bao giờ mệt mỏi phê bình họ thiếu quan tâm bản thân vì quá mải mê sống vì… người khác. Người ta càng không thể coi đây là cơ hội để nâng ai đó lên để rồi hạ uy tín của kẻ khác.

Việc kiểm điểm cần tối đa dựa trên những tiêu chí rõ ràng, cụ thể, có thể lượng hóa được để tránh cái sự nặng chỗ này mà nhẹ bên kia. Kết quả đánh giá kiểm điểm cũng cần phải công khai cho tất cả cá nhân trong cơ quan để họ được góp ý, phản hồi, bảo vệ hay phản biện.

Việc kiểm điểm cũng tuyệt đối không thể làm xuê xoa theo kiểu “cả nhà cùng vui”, bởi nếu như thế hãy dành thời gian vàng ngọc ấy cho những việc bổ ích khác.

Nguyễn Công Thảo