Năm 2015 đã đi qua, những ngày đầu tiên của năm 2016 đã bắt đầu, Tuần Việt Nam cùng các chuyên gia nhìn lại hành trình năm qua, và hướng đi cho năm tới.

Các “nhà thầu” VN sẽ phải cạnh tranh hơn!

Ông Nguyễn Thanh Sơn (Tổng giám đốc T&A Ogilvy): Nhìn lại năm 2015, thấy như một công trình xây dựng dở dang dịp cuối năm: chủ đầu tư (xã hội) thì sốt ruột muốn nhìn thấy kết quả, còn nhà thầu (nền kinh tế) thì chưa được thanh toán tiền nên làm việc cầm chừng, công nhân thời vụ (các công ty) thì làm mãi mà không nhận lương nên cũng chán, câu chuyện lúc rảnh rỗi chỉ xoay quanh chuyện làm sao chạy được tiền về quê ăn Tết rồi năm sau có làm gì mới làm. Mọi thứ đều thấy dở dang và ngổn ngang, cho dù cũng có đôi chút đường nét của một ngôi nhà chưa biết xấu đẹp đang hình thành.

Rồi cũng phải cố gắng nỗ lực thôi! Nhà thầu nội sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với nhà thầu nước ngoài trong năm 2016, và khi không cạnh tranh được về vốn, về công nghệ, thì chí ít cũng phải cạnh tranh bằng sự cần cù và “nâng bậc” cho đội ngũ thợ thuyền của mình: không phải chỉ có tay nghề và sự chăm chỉ, mà còn phải “nâng bậc” về uy tín, về sự quan tâm và tương tác với chủ đầu tư, hiểu cái họ muốn và cố gắng thỏa mãn những yêu cầu nhiều khi thiếu thực tế của họ. Làm được thì sẽ còn có việc, không làm được, có lẽ lại phải về quê kéo cày theo sau con trâu thôi.

Tiền đề hy vọng “toàn dân tham chính”

Ông Nguyễn Ngọc Long (Sáng lập viên CLB Truyền thông Trăng Đen): Để điểm lại những sự kiện xã hội nổi bật 2015, mỗi người có một góc nhìn. Nếu trong năm 2013 và 2014, các sự kiện nóng chủ yếu xoay quanh một số "chủ đề" chung như Quốc hội thông qua nhiều dự luật quan trọng; thành công về điều hành kinh tế vĩ mô, chủ quyền biển đảo, hội nhập kinh tế; làn sóng đầu tư nước ngoài hay cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước… thì năm 2015, chúng ta có một bảng xếp hạng đời thường hơn.

{keywords}

Sự kiện chặt cây xanh ở Hà Nội dẫn đến sự phản ứng của nhiều người dân

Rất nhiều sự kiện trở thành tâm điểm như kỳ án con ruồi của Tân Hiệp Phát, việc Hà Nội chặt hạ 1800 cây xanh, tượng đài nghìn tỷ, cháy lớn ở nhiều chung cư, thực phẩm bẩn, tệ nạn đa cấp biến tướng, vụ các luật sư bị đánh vì "bụi bẩn", việc cô giáo bị phạt vì "nút thích" trên facebook hay sự ra mắt hoành tráng để rồi thất bại thảm hại của BPhone...

Nói ngắn gọn thì, ai cũng có thể thấy sự quan tâm của mình trong danh sách sự kiện nổi bật này. Hay chính người dân đã tạo ra những "điểm nóng" cho cuộc sống xung quanh họ.

Phân tích kỹ hơn sẽ thấy, có những khi sức mạnh của đám đông mang lại sự thay đổi tích cực như quyết định dừng chặt cây khẩn cấp ở Hà Nội, cô giáo "bấm like" được minh oan và xin lỗi... rồi cũng có khi đám đông bất lực đứng nhìn anh nông dân Võ Văn Minh phải vào tù. Nhưng ít nhất, người dân đã cất lên tiếng nói và tìm cách này hay cách khác để thực thi quyền làm chủ của chính mình.

Đấy chính là dấu hiệu rõ ràng nhất của văn minh, tiến bộ và dân chủ. Sự dân chủ không giáo điều, sách vở, không cần phải bất cứ một giấy tờ điều luật hay "quốc gia văn minh" nào vỗ tay hoan hô, công nhận.

Như vậy, năm 2015 có thể được coi như một năm bản lề với sự thay đổi rõ nét và mang tính đột phá về dân trí. Và điều này cho chúng ta dự cảm tốt đẹp về năm 2016, năm của phong trào "toàn dân tham chính".

Nhiều chuyển động chính sách hướng tới hội nhập

Ông Nguyễn Thế Trung, (CEO Công ty Công nghệ DTT): Năm 2015 khép lại với nhiều tín hiệu của những gặp gỡ giữa các lãnh đạo đất nước và các nhóm hoạt động xã hội.

Thứ nhất, CP tích cực triển khai dịch vụ công mức 4 - mức tương tác hoàn toàn trực tuyến với doanh nghiệp và công dân tại Bộ Y Tế, Bộ Giao Thông, Bộ Tài Chính... cuộc gặp gỡ trực tuyến này đã tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và đặc biệt nâng cao niềm tin của doanh nghiệp với chính phủ. Thứ hai, Diễn đàn chính sách Nông nghiệp và Liên minh nông nghiệp được thiết lập và đã hoạt động tích cực, góp phần lấp đầy các khoảng cách từ chính sách đến thực tế trong phát triển nông nghiệp. Thứ ba, là việc gặp gỡ của lãnh đạo chính phủ với cộng đồng khởi nghiệp, cùng nhau xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho đầu tư khởi nghiệp. Thứ tư, Giáo dục STEM, một phương thức giáo dục tiên tiến hiện đại đã được chính phủ và các tổ chức xã hội chung tay đưa vào VN.

Cuối cùng là thành công lan tỏa của phong trào Sách hóa nông thôn và Tủ sách phụ huynh khi Bộ Giáo Dục vào cuộc gặp gỡ tìm hiểu và phát động phong trào phát triển văn hóa đọc với một loạt văn bản và hành động cụ thể và hiệu quả.

Các cuộc gặp gỡ này là chỉ số quan trọng của sự thay đổi hướng tới xã hội dân sự, hội nhập toàn cầu và kinh tế tri thức, những từ khóa thể hiện mong muốn đã lâu của chúng ta. Đây là điều ước của tôi cho năm 2016.

Đại học “hỗn loạn đầu vào, hoang mang đầu ra”

Bà Nguyễn Hoàng Ánh (Giảng viên trường Đại học Ngoại thương - Hà Nội): Sự kiện lớn nhất về giáo dục trong năm 2015 chắc chắn là việc lần đầu tiên tổ chức kỳ thi chung để tuyển sinh vào ĐH. Một ý tưởng hoàn toàn tiến bộ ban đầu của Bộ GD – ĐT đã kết thúc bằng sự hỗn loạn chưa từng thấy.

Trong vòng 30 năm, những nhà quản lý đã đưa ĐH của VN từ giáo dục tinh hoa thành giáo dục đại trà, ai cũng có thể vào được. Nhưng nhu cầu của xã hội với người có bằng ĐH chỉ có hạn nên giấc mơ khi thành hiện thực này lại không được ngọt ngào.

Theo số liệu thống kê của  Bộ LĐ-TB&XH, người có bằng ĐH chiếm tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, hơn 20%,  nhóm lao động học nghề dưới 3 tháng, trung cấp và cao đẳng nghề thất nghiệp ít nhất.

{keywords}
Cảnh tuyển sinh đại học tại hội trường Đại học Kinh tế Quốc dân chiều 20/8. Ảnh: Phạm Đức Minh/VTC

Từ ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN chính thức có hiệu lực. Để thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối chung, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Điều đó sẽ là một thử thách khó khăn vì khi lao động các nước AEC được tự do di chuyển, làm việc, định cư và được đối xử bình đẳng tại các nước thành viên, sức ép cạnh tranh đối với lao động của nước sở tại sẽ là rất lớn.

Mặc dù thời gian đầu Việt Nam chỉ cho phép luân chuyển lao động trong 8 ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. So với toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, lao động nhóm này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) tổng số lực lượng lao động nên chưa có tác động rõ rệt. Nhưng về lâu dài, nếu chính người lao động trong nước không ý thức rõ “mối nguy” này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC, không kể không thể tận dụng cơ hội đi làm việc ở nước ngoài.

Báo cáo của Công ty Navigos Search, công bố mới đây cho rằng điểm mạnh của người Việt Nam là sự chăm chỉ và sẵn sàng học hỏi. Điểm yếu là tiếng Anh, các kỹ năng lãnh đạo, tính sáng tạo và tính trung thành, khó hợp tác và khả năng thích ứng với thay đổi thấp, làm lao động VN kém tính cạnh tranh so với khu vực.

Tuần Việt Nam