Đối với Điện Kremlin, các trừng phạt đã trở thành một nhân tố thường trực trong việc hoạch định chính sách, và khiến các vấn đề trong nước và quốc tế càng trầm trọng hơn. Câu hỏi được đặt ra là liệu Nga có các đồng minh trung thành có thể giúp đỡ họ không?

Kỳ 1: Điện Kremlin liệu có lung lay?

Rõ ràng là các đối tác kinh doanh của Nga ở châu Âu không thể hỗ trợ Moscow đối phó với các lệnh trừng phạt. Trong khi Đức có ý định tiếp tục thực thi dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” nhưng họ vẫn muốn duy trì các lệnh trừng phạt. Còn Italy, vốn bị "bó tay” vì thiếu khí đốt từ “Dòng chảy phương Nam” sau cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga - phương Tây từ năm 2014, nên đã thất vọng với hành động của Đức, nhưng cũng không làm được gì.

Trong khi đó, chưa rõ Moscow có thể nhận được hỗ trợ lớn chừng nào từ phía Bắc Kinh. Chắc chắn Trung Quốc có thể cần dầu mỏ và khí đốt của Nga, nhưng sự hợp tác này có thể đi xa tới mức nào?

{keywords}
Ảnh minh họa: nuocnga.net

Để mở rộng đối tượng là khách hàng năng lượng của Nga, Moscow cũng cần phải đa dạng hóa đối tác của mình tại châu Á bởi nếu Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất trong khu vực khi hợp tác với châu Âu sụt giảm mạnh, chắc chắn Bắc Kinh sẽ có tiếng nói quyết định trong quan hệ hợp tác với Moscow.

Về chính sách đối nội, các trừng phạt của phương Tây cũng gia tăng sức ép buộc Điện Kremlin phải hành động trên nhiều mặt trận. Nhiều năm nay, các doanh nhân, quan chức và chuyên gia của Nga đã thảo luận về những khoản đầu tư cần thiết để hiện đại hóa lĩnh vực năng lượng nước nhà. Nhưng khi giá dầu cao ngất ngưởng, chẳng có động lực nào để tiến hành hiện đại hóa. Giờ đây, không chỉ vì giá dầu đang “lao dốc”, mà các trừng phạt của phương Tây ở mức lớn chưa từng thấy.

Tháng 11/2014, sau khi các trừng phạt được áp đặt, Chính phủ Nga đã phê chuẩn một kế hoạch gồm các biện pháp giảm sự phụ thuộc của lĩnh vực năng lượng vào nhập khẩu. Liệu các biện pháp này có được thực thi nếu không có các lệnh trừng phạt? Đến tháng 12/2015, các biện pháp mới, cần để hỗ trợ sản xuất trang thiết bị trong nước cho hoạt động khai thác ngoài khơi, vẫn đang được thảo luận.

Mỹ và EU có thể mở rộng danh sách trừng phạt sang lĩnh vực dịch vụ, trang thiết bị và công nghệ bất cứ lúc nào. Vì vậy, các công ty của Nga, vốn dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ, cần hành động nhanh chóng để có trong tay các công nghệ cần thiết (có thể thông qua hợp tác với các nước châu Á) và sử dụng các công nghệ này để hiện đại hóa lĩnh vực năng lượng.

Hơn nữa, đa số các lĩnh vực mà Nga cần để phát triển và tăng trưởng nền kinh tế đều đang là “con mồi” của các trừng phạt. Các lĩnh vực này đã sẵn sàng để chống chọi lại các sức ép kiểu đó hay chưa? Liệu các công ty của Nga trong các lĩnh vực này có đủ đối tác tại châu Á, trong trường hợp họ cần tiếp cận với kinh nghiệm hay các dịch vụ quốc tế nếu trở thành mục tiêu trừng phạt của phương Tây?

Có một câu hỏi lớn hơn: nền kinh tế Nga đã chín muồi đến mức nào để đối phó với các phản ứng tiếp theo của phương Tây trước một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn của Kremlin?

Trong thế kỷ 21, khó có thể xây dựng một nền kinh tế mạnh có thể mang lại các điều kiện sống sung túc cho người dân khi bị quốc tế cô lập. Điện Kremlin hiểu thực tế này. Trong một cuộc gặp với các chủ doanh nghiệp ngày 24/12/2015, Tổng thống Putin nói rằng: “Để tăng cường các năng lực kinh doanh quốc tế, chúng tôi muốn phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác và tham gia tiến trình hội nhập”. Nhưng nhiệm vụ này sẽ khó thực hiện được trong bối cảnh sức ép của các lệnh trừng phạt vốn chưa từng được áp dụng ở bất cứ nước nào khác.

Những người thạo về lịch sử và quan hệ quốc tế có thể vẫn tự hỏi đâu là lý do của các trừng phạt này: bất đồng về Ukraine, hay phương Tây lo ngại về chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Nga và khả năng Nga trở thành một trung tâm quyền lực về mọi mặt trong quan hệ quốc tế? Thực tế là cả hai lý do đó đều không tồn tại: việc Nga mong muốn được phương Tây công nhận quan điểm của mình về Ukraine cho thấy một nước Nga quyết đoán hơn đã tồn tại.

Sau khi Nga khẳng định quyền thực thi chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, nền kinh tế nước này đã tự thấy mình nằm trong một môi trường quốc tế nhiều thách thức hơn.

Đến nay, nền kinh tế không những không đổ vỡ hoàn toàn mà xã hội Nga dường như đã sẵn sàng hứng chịu những điều kiện kinh tế khắc nghiệt hơn, vì lợi ích của một chính sách đối ngoại tham vọng hơn: ít nhất 59% người Nga ủng hộ chính sách đối ngoại hiện nay của đất nước.

Nhưng thách thức này sẽ kéo dài ít nhất trong năm 2016. Điện Kremlin không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi các biện pháp cần thiết để xây dựng một nền kinh tế phù hợp với một đất nước có tham vọng trở thành trung tâm quyền lực thực sự trong quan hệ quốc tế hiện nay./.

Linh Thảo