“Những gì tôi có được là nhờ sự giáo dục của Đảng. Tôi đã tự đưa vào khuôn khổ đạo đức, trên tinh thần giáo dục đảng viên. Người ta cần đảng, vào đảng cũng nhờ đảng giúp mình sống tốt hơn…”, ông Huỳnh Văn Niềm chia sẻ.

LTS: Góp ý cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, Tuần Việt Nam vừa có cuộc tọa đàm với PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên trưởng Ban Văn hóa tư tưởng Thành ủy TP.HCM, hiện là Ủy viên Hội đồng lý luận TƯ, phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam và ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương …

Thưa các vị khách mời, trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới, dự thảo báo cáo chính trị và Hội nghị Trung ương đã nêu ra khá toàn diện mọi lĩnh vực, vấn đề cấp thiết cũng như định hướng cho giai đoạn tới. Trong ngồn ngộn nhiệm vụ, công việc cấp bách đó, theo ông, cần phải xác định “điểm nhấn” là gì?

Ông Huỳnh Văn Niềm: Tôi suy nghĩ và băn khoăn rất nhiều, muốn viết những trăn trở, lo lắng của mình gửi cho Trung ương. Nhưng nghĩ các đồng chỉ ở trên đã suy nghĩ và thông qua nhiều lần rồi… Tuy nhiên, tôi vẫn còn vài trăn trở.

Ví dụ tôi muốn vấn đề xây dựng đảng phải nêu ra cho được những vấn đề cấp bách nhất. Đó là vấn đề gì? Theo tôi, có hai chuyện đáng quan tâm nhất. Thứ nhất là làm sao tăng cường đoàn kết nhất trí trong đảng. Thứ hai tăng cường vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên. Ở đây, phải nói rõ là tình trạng tham nhũng và chống tham nhũng ra sao, hiệu quả như thế nào.

{keywords}
Ông Huỳnh Văn Niềm (bên trái) trò chuyện với nhà báo Đặng Ngọc Chính.

Đảng ta hiện nay đang phải đối diện với tình hình sắp tới rất phức tạp từ trong nước đến thế giới bên ngoài. Cho nên nhiệm vụ phía trước có nhiều khó khăn thách thức.

Vấn đề đặt ra là đảng phải mạnh lên. Mạnh trước hết là phải đoàn kết nhất trí, đảm bảo rằng tất cả chủ trương, đường lối được quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện được một cách rất tốt. Trong đó vai trò đầu tàu gương mẫu của người đảng viên được xác định là quan trọng vào cùng. Tất nhiên nói như vậy là bao hàm cả công tác tư tưởng và tổ chức. Ngay cả vấn đề cán bộ và kỷ luật trong đảng.

Tiếp theo là vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên, liên quan vấn đề xây dựng đảng. Phải làm sao cho mỗi đảng viên là tấm gương sáng cho quần chúng nhân dân tin tưởng, noi theo.

PGS.TS Phan Xuân Biên: Tôi nhất trí hoàn toàn việc đặt vấn đề xây dựng đảng là trên hết. Thực tế cách mạng nước ta 80 năm qua đã chứng minh rõ ràng rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tiếp theo là vấn đề cán bộ suy thoái liên quan với tham nhũng, tham ô. Lenin đã dạy rằng, cán bộ suy thoái biến chất là nguy cơ vô cùng nguy hiểm cho một đảng lãnh đạo. Đặc biệt đối với Phương Đông. Bởi vì cán bộ đảng viên của chúng ta  theo triết lý của Phương Đông là phải làm gương. Cho nên Bác Hồ mới nói cán bộ là phụng sự nhân dân, làm đày tớ cho nhân dân.

Trước đây, luật của chúng ta đâu được bao nhiêu, quy định cũng được bao nhiêu nhưng tấm gương của Bác, lời dạy của Bác có tác động ghê gớm. Còn bây giờ, như trong NQ 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải thích rõ: Có những cái luật không cấm, nhưng đạo đức cấm, không nên làm. Vậy cái nào hơn? Cái này rõ ràng liên quan đến nhiều chuyện.

Lãnh đạo ở phương Tây và người dân quan hệ với nhau chủ yếu theo luật. Cho nên làm gương hay không làm gương không quan trọng, không có vấn đề gì. Miễn là làm đúng luật, đừng vi phạm luật. Anh làm sai luật anh phải chịu trách nhiệm và bị xử lý bằng hành vi. Còn người dân được trang bị đầy đủ luật pháp đến tận răng, có hệ thống luật sư hổ trợ, cho nên cứ quan hệ theo luật.

Còn ta thì khác, lãnh đạo của ta phải làm gương, nên phải có “phê và tự phê”. Nhưng cái gương của ta đang ngày càng nhòa đi. Thì sao sao lòng tin của người dân không giảm? Bởi vậy cán bộ là gốc của vấn đề là vậy.

Chúng ta đang phải đối diện với thực tế hết sức đau lòng và nghiệt ngã. Đó là sự biến chất, suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Công cuộc phòng và chống tham nhũng bấy lâu nay dường như chưa đủ sức ngăn chặn, triệt tiêu mối họa này có đúng không?

Ông Huỳnh Văn Niềm: Tôi thấy như thế này, chúng ta đề cao vấn đề răn đe, trừng phạt trong chống tham nhũng là chưa đủ. Răn đe không hiệu nghiệm gì đâu. Bởi  khi đã muốn quá trời, muốn cho bằng được thì có hăm nó cũng không sợ. Nó sẵn sàng chết để có cái đó mà. Ví dụ như ghiền xì ke, anh nói gì nói nó cũng không sợ, răn gì răn nó cũng tìm xì ke mà chích.

Hoặc lấy ví dụ từ thế hệ chúng tôi. Tại sao chúng tôi dám tham gia chống địch, dám hy sinh và chịu hy sinh. Răn đe của địch là vô cùng. Ngày nào máy bay cũng kêu gọi: “Chiêu hồi hay tử thần” rồi bom đạn nổ sát bên, sống chết trong gang tấc cũng không lay chuyển. Răn đe đó không có ý nghĩa gì hết với đường Trường Sơn, đường mòn trên biển.

Vì sao như vậy? Bởi chúng tôi được đảng giác ngộ, có lý tưởng sống, sẵn sàng hy sinh tính mạng phục vụ lý tưởng. Lý tưởng đó rất gần gũi, thiết thực. Đó là giải phóng quê hương, xóm làng; phục vụ nhân dân, bà con mình v.v…

Bản thân tôi thấy những gì tôi có được là nhờ sự giáo dục của đảng. Từ sự hiểu biết, đạo đức, lối sống v.v… Từ ngày vào Đảng, phải chấp hành kỷ luật đảng một cách tự giác, nghe qua tưởng xa với nhưng tôi đã tự mình nhận thức và phấn đấu, tự mình đưa vào khuôn khổ đạo đức, trên tinh thần giáo dục đảng viên.

Người ta cần đảng, vào đảng cũng nhờ đảng giúp mình sống tốt hơn…

Theo tôi, chống tham nhũng là phải triệt để, phải dùng nhiều biện pháp đảng, chính quyền. Đảng phải kiên trì và coi những đảng viên cán bộ tham nhũng là trách nhiệm của đảng. Đảng phải trả lời câu hỏi đảng thế nào mà đảng viên của mình ra như vậy. Đó là trách nhiệm mà đảng phải giải quyết. Tôi rất muốn Tổng bí thư với tư cách đứng đầu chống tham nhũng phải có chủ trương và biện pháp làm sao cho đảng viên giác ngộ được lý tưởng và chấp hành kỷ luật về vấn đề đó.

Tôi nhớ thời Pháp thuộc tôi còn nhỏ, đi học, vào trường xếp hàng, hô khẩu hiệu “Tuổi trẻ” và “Phục vụ” “Sẵn sàng”.

So ra thấy rằng chúng ta để có lỗ hổng lớn trong giáo dục nhân cách, trách nhiệm cho thanh niên và cán bộ đảng viên.

Đi sâu phân tích, đảng là do dân vì dân, thì rõ ràng chủ trương, nghị quyết sẽ chi phối đất nước trong 5 năm tới. Nhưng trong hàng loạt vấn đề phải có điểm nhấn, dư luận XH nhìn chung vẫn cho rằng làm sao công tác chống tham nhũng có hiệu quả, Từ những kỳ ĐH trước đã đặt ra công tác chống tham những song song với xây dựng Đảng, nhưng hiệu quả chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cứ lớn mạnh lên? Qua các kỳ đại hội, tham nhũng không hề bị ngăn chặn mà còn phát triển hơn? Tham nhũng ngày càng tăng? Vậy phải làm như thế nào nhận diện và đẩy lui tệ nạn này?

Tôi thấy nghị quyết 4 của TW đề ra nhiệm vụ chống tham nhũng rất đúng đắn, tạo ra được cái mới. Tuy nhiên, tôi thấy nhiệm vụ này phải gắn với công việc hàng ngày và phải hết sức kiên trì. Quyết liệt là một chuyện và phải kiên trì, xuất phát từ tự giác của đảng viên, phải chuyển biến đó mới được. Nếu như chúng ta không xây dựng, trang bị cho người đảng viên về nhân sinh quan cách mạng thì rất khó thay đổi. Tôi thấy cái này có thể làm được.

Hồi trước chúng tôi vào Đảng, nhân sinh quan đặt ra cho chúng tôi là trước quân thù không khuất phục, trước giàu sang không bị mua chuộc. Trong mọi hoàn cảnh phải giữ gìn khí tiết cách mạng. Bao nhiêu tấm gương trong tù giữ khí tiết, biết rằng sẽ chết, nhưng vẫn làm cách mạng. Như vậy, tôi tin rằng người đảng viên được rèn luyện, giáo dục đúng đắn sẽ có niềm tin điều này dù hoàn cảnh hiện nay khác trước kia rất nhiều.

PGS.TS Phan Xuân Biên: Trước hai nguy cơ về sai lầm đường lối và cán bộ thoái hóa, biến chất như Lenin đã chỉ ra, công tác xây dựng đảng phải nhắm vào cái cơ bản, cái quan trọng cực kỳ là cán bộ. Phải nói rõ thế này, chống tham nhũng bây giờ có cái khó. Chiến tranh ác liệt, khốc liệt, chết sống nhưng rõ ràng. Dù sao quy luật của nó đơn giản hơn.

{keywords}
Ông Phan Xuân Biên.

Ngay cả thời bao cấp cũng thế, đơn giản hơn. Hồi đó ít tiền lắm nhưng có ai mơ nhiều tiền đâu. Vì mơ cũng không được! Cho nên dường như không ai đặt vấn đề nhiều tiền cả. Ai cũng bằng lòng với thực tại dù nghèo khổ. Ai cũng cố gắng cho đất nước đi lên thì cuộc sống của mình cũng đi lên.

Còn bây giờ bây giờ kinh tế thị trường, đất nước không lên nhưng cá nhân vẫn lên. Cho nên nó chạy vạy, tìm đủ thứ cách để đi lên. Có tiền nhiều rồi vẫn muốn có nhiều hơn nữa! Vô tận không có điểm dừng. Phải nói đồng tiền ghê gớm thật. Ta phải nhận ra như vậy. Cho nên nói học nó không học đâu. Vậy anh phải khống chế bằng cái gì? Vừa luật pháp, vừa đạo đức.

Tôi cho rằng, phải giáo dục lý tưởng. Con người sống không có lý tưởng, không có mục tiêu thì rất vô bổ, không biết đường đi nước bước. Lý tưởng cao nhất là phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng ta sinh ra là do nhu cầu giải phóng dân tộc, cho dân nghèo. Cho nên ngoài lợi ích của giai cấp, lợi ích dân tộc đảng ta không có lợi ích nào khác. Điều này là nguyên lý.

Vậy mà bây giờ lợi ích của tổ quốc, đất nước, tài nguyên quý giá được phe này phái nọ chia ra, gọi là lợi ích nhóm. Điều này trái với lý tưởng của đảng rồi. Cho nên phải tiếp tục giáo dục lý tưởng, coi sự tha hóa, tham nhũng tham ô, quan liêu, lợi ích nhóm là sự phản bội Tổ quốc, sự vi phạm nhân cách con người. Đảng phải giáo dục như thế nào đó để người cán bộ đảng viên thấm nhuần lý tưởng, mang khát vọng đưa lý tưởng vào phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc.

Nhưng lý tưởng không thì cũng chưa đủ, phải kết hợp với luật pháp. Phải nói luật pháp hiện nay ở VN là một rừng luật nhưng đây đó có tình trạng cái này đạp lên cái kia, một hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn chỉnh tiếp. Có những điều luật ta học hỏi áp dụng của nơi này, nơi khác, giờ không còn phù hợp với thực tiễn.

Ví dụ, đây đó vẫn còn tư duy quản lý theo kiểu sở hữu làng. “Đất của vua, chùa của làng”, vua là tối cao. Vì chung chung cho nên tỉnh, quận, huyện, thậm chí xã cũng có quyền bán đất, bán rừng cho người nước ngoài, cho nước ngoài thuê. Hậu quả tai hại ghê gớm vô cùng!

Còn tiếp…

Duy Chiến – Đặng Ngọc Chính