Tôi đã từng đặt câu hỏi với không ít người làm việc trong các lĩnh vực khác nhau rằng trong tuần qua, tháng qua hay năm vừa qua có sự kiện văn hóa nào đọng lại trong đời sống tinh thần của chúng ta?
Tôi đã nhận được câu trả lời hoặc là sự lúng túng hoặc là im lặng. Quả thực đây là một câu hỏi rất đơn giản nhưng lại khó trả lời. Nó cho thấy đời sống tinh thần của chúng ta thật nghèo nàn.
Có một câu chuyện nghe có vẻ rất vu vơ nhưng lại vô cùng ám ảnh khi chính tôi nghe một người bà nói với đứa cháu của mình: “Học giỏi rồi bà cho đi siêu thị”. Hiện thực đúng là như thế. Chúng ta không có một nơi chốn nào đáng kể cho những đứa trẻ. Khi Hà Đông còn là thủ phủ của tỉnh Hà Tây, tôi đã không tìm ra một địa chỉ nào đàng hoàng dành riêng cho những đứa trẻ.
Có những ngày nghỉ cuối tuần, tôi đã đưa con gái ra công viên Hà Đông chỉ rộng chừng 3000 mét vuông với một cái cầu trượt xi măng đã lở lói và mấy con voi, hổ, ngựa...con thì gãy chân, con thì gãy cổ. Cả Hà Nội chỉ có một nơi gọi là vườn thú nhưng nó hoang vắng, nghèo nàn với những con thú phờ phạc. Trong khi đó, người ta giành quá nhiều đất đai để xây siêu thị, chung cư, khách sạn. Chỉ mới mấy năm về trước thôi, người ta định xây một khách sạn 5 sao khổng lồ ngay trong công viên Thống Nhất. Như vậy, siêu thị đương nhiên trở thành nơi mà những bậc ông bà, cha mẹ sẽ đưa con cháu mình đến đó để “hưởng thụ”.
Không thể không nói nhan sắc của phụ nữ là một tài sản của nhân loại. |
Vừa rồi đi Nha Trang, tôi đã nhìn thấy một vùng đất rộng lớn chạy dọc bờ biển rất đẹp vẫn còn lại dấu vết của một trung tâm để thi hoa hậu bị bỏ dở vì những lý do nào đó. Ngay cả diện tích trên rất nhiều tờ báo, đặc biệt là báo điện tử, luôn giành phần không gian lớn nhất và liên tục cho những cuộc thi hoa hậu hay các sự kiện liên quan đến hot girl.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi mình rằng nước ta có bao nhiêu bảo tàng văn hóa, nghệ thuật? Có bao nhiêu khu vườn với một thảm thực vật phong phú? Hay sáng Chủ nhật này có buổi hòa nhạc nào ở quảng trường chúng ta hay không? Chiều mai có buổi khai mạc triển lãm hội họa đương đại Việt Nam ở Bảo tàng... Tháng tới sẽ khánh thành khu vườn mang tên “Vương quốc hoa”. Những con số đã thể hiện cho sự “khiêm tốn văn hóa” của chúng ta.
Những thông tin được trao đổi hàng ngày như trên đối với người Việt Nam giống như những truyện cổ tích. Nhưng đó là hiện thực ở hầu hết các nước trên thế giới. Mà không phải danh từ “thế giới” chung chung. Nó ở ngay các quốc gia rất gần chúng ta như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản....Chúng ta có tất cả điều kiện để làm ra những sự kiện văn hóa nói trên.
Một “Vương quốc hoa” là một khu vườn mà chúng ta có thể giới thiệu tất cả các loài hoa trên thế giới mà có thể phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Việt Nam. Nếu những đứa trẻ và những người lớn chúng ta có những ngày đi qua “Vương quốc hoa”, đi qua một ngày của âm nhạc, đi qua một ngày của màu sắc ấy, chúng ta sẽ có những thay đổi quan trọng trong tâm hồn mình. Nhưng chúng ta đã không đến được những “Vương quốc” của cái đẹp ấy.
Thay vào đó, những đứa trẻ đi ngơ ngác trong một thế giới của những đồ gia dụng, thực phẩm...ở siêu thị và người lớn chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, thì dán mắt vào màn hình tivi, máy tính, điện thoại hay các thiết bị công nghệ khác...để cuốn theo những hình ảnh thi hoa hậu trong nước và thế giới, để chìm đắm vào mọi câu chuyện của các hot girl, để khóc cười hoặc thất vọng trong đau khổ khi một cô gái Việt Nam không ở trong Top 10 hay 15 hay 30 cũng được trong các cuộc thi hoa hậu thế giới hay hoàn vũ hay gì gì đấy.
Không thể không nói nhan sắc của phụ nữ là một tài sản của nhân loại. Nhưng việc đắm chìm vào chuyện thi hoa hậu hay hot girl của những người tổ chức sự kiện văn hóa và của dân chúng thì đã đẩy câu chuyện nhan sắc này sang một căn phòng khác của đời sống tinh thần. Khi đời sống tinh thần của những đứa trẻ sinh ra từ thế giới “siêu thị” và thế giới “ chân dài” thì cũng chính là lúc những hồi chuông cảnh báo cho một đời sống văn hóa bắt đầu gấp gáp vang lên.
Mỗi lần đến thành phố Boston, Mỹ, tôi thường hay đọc phần thông tin về các sự kiện diễn ra trong tuần đó ở thành phố này để xem người dân ở đây đang sống một đời sống tinh thần như thế nào. Và tôi thấy có quá nhiều các sự kiện diễn ra hàng tuần như đọc thơ, hòa nhạc, khai mạc triển lãm, thuyết trình về nhiều lĩnh vực như giáo dục, môi trường, điện ảnh, kiến trúc, thiên nhiên....Tuần nào cũng vậy, tháng nào cũng vậy và năm nào cũng vậy. Và bây giờ, các bạn hãy thử mở các trang báo của chúng ta xem có những gì?!
Những sự kiện như tôi vừa nói quá lẻ loi và ít ỏi và bị nhấn chìm trong những thông tin khác. Ngay cả những tờ báo hay trang điện tử chuyên về văn hóa hay văn học nghệ thuật thì những sự kiện kia cũng hiếm hoi như bóng dáng của những chú “voi ma mút” trong những cánh rừng hiện nay.
Người Việt Nam có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Câu đó nói lên tầm quan trọng của môi trường sống, đặc biệt là môi trường văn hóa để tạo nên tâm hồn và nhân cách của mỗi con người và cộng đồng của họ. Nhưng môi trường văn hóa của chúng ta đang ngày càng trở nên cằn cỗi.
Và lúc này, cho dù chúng ta nhắm mắt lại và hồi tưởng lại 12 tháng đã đi qua của năm 2015, chúng ta cũng vẫn vô cùng khó khăn có được một cơn gió hay một ngọn sóng nào đó của những sự kiện văn hóa trong suốt năm qua dội vào lòng chúng ta mà thay vào đó chỉ là những câu chuyện về các cuộc thi hoa hậu, những chuyện liên quan đến các hot girl, những cuốn hồi ký hoặc tự truyện toàn chuyện “giường chiếu” với trùng trùng những lời bàn luận và những khóc cười vô cớ. Còn có vài sự kiện liên quan đến văn hóa, văn học nghệ thuật lại là những chuyện thật đau lòng. Đó là những chuyện đạo văn, đạo thơ, đạo ảnh....
Cuối năm, một vài nơi có mời tôi đến nói chuyện chuyên đề về những vẻ đẹp của đời sống văn hóa Việt năm 2015. Nhưng tôi đã không dám nhận lời. Bởi tôi biết nói thế nào khi mà tôi đã cố gắng nhưng không tìm ra những vẻ đẹp đáng nói trong một đời sống mà hai sản phẩm tinh thần chính lại là siêu thị dành cho trẻ em còn hoa hậu thì dành cho người lớn.
Nguyễn Quang Thiều