Trung Quốc hiểu rằng, Mỹ, Nhật và các cường quốc khác thừa hiểu Bắc Kinh đang toan tính gì ở Biển Đông.

Bản chất của tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông

Chủ quyền của một quốc gia (souvereignty) có thể được hiểu theo hai nghĩa chính[1]: (1) Theo sự công nhận của cộng đồng quốc tế, và đi kèm theo đó là các công ước quốc tế về chủ quyền. (2) 

Theo khả năng của nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền của quốc gia, mà cơ bản nhất là đảm bảo an ninh quốc phòng;  bảo vệ quyền của người dân khai thác tài nguyên và sinh sống trên nơi mà cha ông họ đã sinh sống, dù là trên đất liền, hay trên biển đảo.

Khi hai đòi hỏi này không tương thích nhau, tức là khả năng đảm bảo về an ninh quốc gia không cân xứng với quyền được công nhận bởi công ước quốc tế, thì sự tranh chấp về chủ quyền dễ nổ ra.

Như vậy, chủ quyền quốc gia không phải là một khái niệm tuyệt đối, có tính vĩnh hằng, mà mang tính tương đối. Với sự bất cân xứng vốn có về sức mạnh kinh tế và quân sự giữa các quốc gia, thì các quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự giữa các quốc gia khác nhau, chia sẻ cùng một lợi ích chiến lược, mà nó phù hợp với công ước và luật pháp quốc tế, sẽ tạo ra khối liên minh chính thức hay phi chính thức.

{keywords}

Chẳng hạn như việc Mỹ thúc đẩy việc lập ra khối ASEAN trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Sức mạnh của khối hay liên minh, tạo ra một sự răn đe hữu hiệu đối với sự chèn ép hay xâm lấn của bất kỳ quốc gia nào mạnh hơn với một quốc gia nhỏ, thuộc liên minh. Một khi liên minh bị suy yếu đi, thì sự cân bằng về trật tự quốc tế và khu vực bị đảo lộn, do xuất hiện những vùng trống về quyền lực. Tuy nhiên, sự thay đổi về trật tự khu vực đó có trở thành một xu thế hay không, phụ thuộc rất nhiều vào tính chính nghĩa của tiến trình như vậy. Tức là nó có phù hợp với chuẩn mực về trật tự quốc tế, được hầu hết các quốc gia trên Thế giới công nhận hay không.

Những năm 2008 – 2010 chứng kiến cuộc khủng hoảng toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ, lan dần sang các nước Tây Âu. Điều đó kéo theo hai hệ lụy:

Thứ nhất, Nước Mỹ, do áp lực nợ chồng chất sau 2 cuộc chiến ở Iraq và Afganistan và khủng hoảng kinh tế, đã bị yếu đi rất nhiều về khả năng triển khai sức mạnh cứng để duy trì trật tự quốc tế tại các vùng biển có tính chiến lược.

Thứ hai, sự suy yếu đi của kinh tế Mỹ sau khủng hoảng, cộng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã làm thay đổi các dòng thương mại, vốn đầu tư quốc tế theo hướng biến các nước thuộc vùng ngoại biên (periphery) xích lại gần hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh kinh tế và quyền lực mềm của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng về kinh tế, thương mại sang các nước thuộc Đông nam Á, Châu Phi, và cả Mỹ Latinh, thể hiện xu thế này. Nói khác đi, trật tự hiện hữu bị yếu đi. Cùng với nó là khả năng bảo vệ chủ quyền của các quốc gia thành viên thuộc liên minh, như Nhật – Mỹ, hay khối hợp tác, như ASEAN, bị thách thức.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đứng trước hai lựa chọn: Thứ nhất, phối hợp với các cường quốc trên thế giới, đứng đầu là Mỹ, nhằm duy trì trật tự khu vực; củng cố sự ổn định và phát triển phồn thịnh, dựa trên hợp tác và thương mại toàn cầu. Thứ hai, thay thế Mỹ, hình thành trật tự thế giới mới và lập liên minh quân sự mới do Trung Quốc đứng đầu, nhằm cưỡng chế sự tuân thủ trật tự mới đó[2].

Trên thực tế, Trung Quốc đã lựa chọn con đường thứ hai làm mục tiêu dài hạn của mình. Tiến trình này bắt đầu bằng việc vi phạm công ước quốc tế về phân chia lãnh hải (UNCLOS) trên Biển Đông, nhằm từng bước biến nó thành vùng biển thuộc Trung Quốc.

Điểm cốt lõi ở đây là có sự khác biệt rất rõ ràng giữa tuyến hàng hải quốc tế với tuyến hàng hải thuộc địa phận Trung Quốc. Khi nảy sinh mâu thuẫn chính trị hay xung đột về lợi ích, Trung Quốc có thể dùng quyền kiểm soát để cấm quốc gia có liên quan thông thương trên vùng Biển Đông, mặc dù về nguyên tắc, Trung Quốc cam kết duy trì tự do hàng hải.

Sự chèn ép ở quy mô quốc tế này không thể xảy ra, nếu Trung Quốc không thể áp đặt được quyền kiểm soát trên thực tế (de facto control rights) về vùng biển bị bao quang bởi đường chữ U. Như vậy, xung đột chủ quyền tại Biển Đông hiện nay không phải chỉ là vấn đề song phương, mà là vấn đề về an ninh khu vực và thương mại toàn cầu.

Trung Quốc hiểu rất rõ điều đó, và Trung Quốc cùng hiểu rằng, Mỹ, Nhật và các cường quốc khác thừa hiểu Bắc Kinh đang toan tính gì trên Biển Đông. Cuộc chơi chèn ép (holdup problem) trên bình diện quốc tế này thể hiện tham vọng mà Trung Quốc đang theo đuổi trong dài hạn.

Việc phân tích kỹ ván bài đó sẽ tạo nên sự đồng thuận quốc tế nhằm giải quyết xung đột hiện thời, được Trung Quốc tô điểm thành xung đột song phương với các nước lân bang về chủ quyền “không thể tranh cãi”, mà Trung Quốc là bên bị xâm hại.

Còn tiếp

Lê Hồng Nhật

Về tác giả: Lê Hồng Nhật tốt nghiệp Tiến Sĩ kinh tế học tại Đại học Stanford (Mỹ), hiện công tác tại Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG HCM và là nghiên cứu viên không thường trú (Non-Resident Senior Fellow) tại  Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM.

Bài nghiên cứu được xuất bản lần đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM.

Tuần Việt Nam đăng tải bài viết theo chương trình hợp tác với trang Nghiên cứu Quốc tế (Nghiencuuquocte.org)

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại

———————

[1] According to Stephen D. Krasner (1999), the term “souvereignty” could be understood in two main ways: (1) domestic sovereignty – actual control over a state exercised by an authority organized within this state. (2) international legal sovereignty – formal recognition by other sovereign states.

[2] Theo Viện nghiên cứu của Trung Quốc, Unirule (2011)

[3] Hiện tại 80% dầu của Trung Quốc vận chuyển qua con đường biển quốc tế này.  Khối lượng chuyên trở dầu sẽ tăng từ 10 triệu thùng (10 millions barrels) một ngày vào năm 2002 lên 20 triệu thùng một ngày vào năm 2020.

[4] Điều này ngược với suy nghĩ của nhiều chính sách gia tại Việt Nam cho rằng lợi thế lao động rẻ và suất thuế thấp đánh vào việc sử dụng tài nguyên, như đất đai, là cái thu hút FDI. Nếu không có sự tiến bộ về tổ chức và công nghệ, thì khả năng thu hút FDI ngày càng có xu hướng chậm lại, khi tỷ lệ FDI/GDP ngày càng cao.

[5] Trong Sơ đồ 2, cuộc chơi chèn ép song phương được viết gọn lại là kết cục Việt Nam “không phản ứng”. Và bên cạnh đó, Việt Nam có lựa chọn là gia nhập TPP.

[6] Theo dự đoán của các chuyên gia và các tổ chức có uy tín, tới năm 2050, Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại có thể chiếm đến 50% GDP toàn cầu. Vì vậy, giá trị thông thương trên đường biển quốc tế qua Biển Đông sẽ là vô cùng lớn trong tương lai.