Năm 2015, người Việt uống 3,4 tỷ lít bia, theo thống kê của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam. Chúng ta đang hành xử như quốc gia giàu có nhất thế giới. Và đứng trước nguy cơ mãi “thấp còi”.
Bò cái hay bò đực?
Đó là chiều tối ngày 9/5/2015, tại xã Bình Gĩa, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu, một người đàn ông giơ một lon bò húc lên giữa bàn nhậu. Anh ta ra một câu đố; con bò trên lon nước là bò cái hay bò đực.
Cuộc tranh luận bắt đầu. Gay cấn lên cao. Lời qua tiếng lại. Người đàn ông ra câu đố bị giết ngay trên bàn nhậu.
Chuyện vô lý như thế đã thực sự diễn ra. Người bị giết là anh Mai Xuân Tân, và thủ phạm là Đào Văn Thắng. Họ không phải là những tay giang hồ. Cả hai chỉ là những người phụ hồ, đang cùng nhau trong một cuộc nhậu lai rai ở nhà anh Tân.
Nguyên nhân của câu chuyện ấy không phải là câu đố của anh Tân. Sẽ có nhiều người thắc mắc điều tương tự. Nguyên nhân tất nhiên cũng không phải là trình độ tiếng Anh của Việt Nam. Không thể trách những người phụ hồ trên bàn nhậu vì họ không biết rằng tên tiếng Anh của nhãn ‘bò húc’ đó – Red Bull – vốn đã hàm ý đây là con bò đực. Bull trong tiếng Anh là con bò đực.
Vụ giết người có lẽ đã không được thực hiện nếu đó là một quán cà phê, quán nước mía, hay là một buổi ăn lẩu với Coca-Cola. Nhưng đây là một cuộc nhậu. Một cuộc nhậu nơi những người uống pha rượu với bò húc, tạo thành một thứ đồ khiến người uống nhanh say hơn nhiều. Mọi chuyện trở nên dễ hiểu hơn.
Khi nâng một chén rượu lên, hãy nghĩ rằng bạn đang tổ chức SEAGames. Thậm chí là bạn có thể tổ chức được 4 năm một kỳ World Cup. |
Năm 2015, người Việt uống 3,4 tỷ lít bia, theo thống kê của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam. Nếu quy đổi tương đương theo độ cồn, trung bình mỗi lít bia chứa khoảng 5% cồn, 3,4 tỷ lít bia này tương đương với 425 triệu lít rượu có độ cồn 40%. Cộng thêm với khoảng 270 triệu lít rượu, bao gồm sản xuất công nghiệp và nấu lậu (theo ước tính), thì mỗi năm chúng ta tiêu thụ một lượng đồ uống có cồn tương đương với 700 triệu lít rượu.
Một bác sỹ ở học viện Quân Y 103 từng phân tích, với một người nặng 60kg, chỉ cần uống 21 gam cồn, tương đương với 65ml rượu 40 độ, bằng đúng một chén, thì sau 30 phút, nồng độ cồn trong máu có thể đã đạt 50mg/100ml máu.
Con số 50mg/100ml máu là ngưỡng được Uỷ ban ATGTQG yêu cầu xử phạt khi tham gia giao thông. Đây là ngưỡng mà hệ thần kinh bắt đầu bị suy giảm khả năng điều phối chính xác.
700 triệu lít rượu một năm nếu được rót ra chén uống vodka thông thường, con số sẽ rơi vào trên dưới 10 tỷ chén. Tức là số lượng bia rượu mà chúng ta tiêu thụ mỗi năm hoàn toàn có khả năng gây ra hơn hàng tỷ trường hợp mất kiểm soát hệ thần kinh. Con số tất nhiên thấp hơn, bởi người Việt nhậu rất giỏi, khả năng hấp thụ cồn của họ có thể cao siêu hơn những tính toán thuần tuý. Những người có thể uống nửa lít hay cả lít rượu mà chưa bị ngộ độc vẫn cao. Nhưng kể cả chia con số này cho 10, hay 100 lần, thì nó vẫn là một số lượng khủng khiếp các trường hợp “bò cái hay bò đực”.
Người Việt “thấp còi”
Cách đây không lâu, Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra một nhận xét đáng quan ngại về thể trạng người Việt. Do uống ít sữa, chỉ bằng 1/3 lượng bia tiêu thụ, nên người Việt thiếu canxi trầm trọng so với khuyến nghị. Điều này dẫn tới thể trạng thấp còi, và khả năng mắc ung thư cao hơn.
Đó tất nhiên là một thực tế đáng ngại. Nhưng có một vấn đề khác của sức khoẻ. Sức khoẻ theo định nghĩa của WHO bao gồm 3 mặt, thể chất, tinh thần và xã hội. Thì cái đang bị huỷ hoại bởi bia rượu không chỉ có thể chất.
Để uống trung bình một chén rượu hoặc bia, bao gồm cả nâng ly lên chúc tụng, quãng thời gian nghỉ gắp đồ nhắm, hãy “hà tiện” cho vào 5-7 phút, tức là chỉ hơn nửa tiếng 2 người đã uống hết một chai 750ml, một cuộc marathon uống rượu. 11 tỷ cốc bia và 5,4 tỷ chén rượu. Mỗi năm chúng ta tiêu một khoảng thời gian khoảng 200 triệu ngày công cho phép tính tối thiểu này. Nhân với 150 nghìn đồng/ngày (tức là bằng ngày công của đồng bào M’Nông đi hái cà phê) thì con số đã là hơn 1 tỷ USD.
Ước tính này rất tối thiểu, bởi thời gian phung phí còn bao gồm thời gian say, thời gian tỉnh rượu, và thậm chí là hầu toà vì tai nạn giao thông hay cố ý gây thương tích.
Giải trí thì tốn kém một chút cũng không sao. Nước Anh mỗi kỳ World Cup mất đến 7 tỷ USD năng suất lao động để uống bia xem bóng đá cũng không “xi nhê” gì. Nhưng với điều kiện ở nước ta, hãy tưởng tượng rằng thời gian và công sức để cho hoạt động giải trí này tương đương với công sức tổ chức 6 kỳ SEAGames mỗi năm.
Nếu phải hỏi ai đó rằng chúng ta có nên tổ chức 6 kỳ SEAGames mỗi năm hay không, câu trả lời chắc chắn là không. Câu trả lời nhận được sẽ là chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta vẫn “thấp còi”, cả các mối quan hệ xã hội và kinh tế cần được bồi đắp. Trong khi đó, quãng thời gian ngồi trên bàn nhậu, hệ thần kinh của chúng ta hoạt động hoàn toàn không chính xác.
Thuế bia rượu, các biện pháp xử phạt hành chính chưa thể nào đủ để ngăn chặn 16 tỷ lần nâng ly. Đất nước chỉ có thể trông vào sự “uống có ý thức” của mỗi con người.
Khi nâng một chén rượu lên, hãy nghĩ rằng bạn đang tổ chức SEAGames. Thậm chí là bạn có thể tổ chức được 4 năm một kỳ World Cup. Chúng ta đang hành xử như quốc gia giàu có nhất thế giới. Và đứng trước nguy cơ mãi “thấp còi”.
Đức Hoàng