Năm này rồi năm khác, tháng này rồi tháng khác, tuần này rồi tuần khác…điều đó cứ diễn ra. Báo chí, dư luận ca thán. Cơ quan chức năng lên tiếng. Người nọ to nhỏ người kia. Nhưng cuối cùng vẫn là chuyện “đông vui xong tất cả lại về”...

Vào đúng ngày giỗ Tổ Hùng vương (10 tháng ba âm lịch), ngày phát ấn Đền Trần (giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng Giêng) hay buổi chiều chủ nhật hàng tuần, buổi chiều kết thúc các kỳ nghỉ lễ trong năm tại điểm thu phí cuối cùng quốc lộ 1A đến thủ đô Hà Nội hay trước trận đấu bóng đá lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai hay mọi nhẽ…nếu có mặt ở đó, đúng “ngày cao điểm-giờ cao điểm” đó, một điều chắc chắn là bạn sẽ bị “nêm” chặt ních giữa biển người, thực là tiến thoái lưỡng nan!

Cũng chắc chắn sẽ diễn ra cảnh có người ngất xỉu, tím tái, rồi trẻ con khóc thét, la hét. Lực lượng chức năng cứ gọi là bở hơi tai để vãn hồi trật tự…

Năm này rồi năm khác, tháng này rồi tháng khác, tuần này rồi tuần khác…điều đó cứ diễn ra. Báo chí, dư luận ca thán. Cơ quan chức năng lên tiếng. Người nọ to nhỏ người kia. Nhưng cuối cùng vẫn là chuyện “đông vui xong tất cả lại về”, hay tựa chuyện mùa hè nắng nóng 40 độ tỉnh nọ hôm nay công bố hạn ngày mai trời bỗng đổ cơn …mưa rào! Hết chuyện?

Tôi có người bạn thướng có kiểu ăn cơm mới nói chuyện cũ, lại ra vẻ là kẻ “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”, rất chi là rắc rối, phức tạp! Chẳng hạn nhác thấy cảnh cả vạn người tràn lên núi Nghĩa Lĩnh, trẻ con khóc thét, nhiều người ngất xỉu…hôm mồng mười tháng Ba ta mới đây, ngay lập tức hắn hiến kế giải quyết tình hình, quyết không kê cao gối ngủ bao giờ!

Trước hết, hắn đồng ý 100 % với ông bà nào đó vừa viết thư “gửi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ của một người luôn hướng về Đền Hùng”* và xin phép nói thêm vài ba ý mọn.

Rằng, ngày chính lễ đúng vào thứ bảy, bà con về dự đông đúc là chí phải. Có cả người già và trẻ con…cũng chí phải, thế mới là hội, là giỗ tổ, quốc giỗ. Đừng bao giờ trách cứ hay làm một điều gì động tới tâm linh, tới truyền thống hướng về đất tổ của đồng bào mình.

{keywords}
Giây phút thót tim khi biển người tràn lên núi Nghĩa Lĩnh.

Vấn đề là phải tổ chức, thực thi chu đáo, vẹn toàn, có tình, có nghĩa với dân. Phải mời người dân vào lễ, tất tất cả đều được vào, nhưng lại phải làm sao cho văn minh, trật tự, người đến trước vào trước, người đến sau vào sau, ưu tiên người già, em bé…

Muốn vậy, ngày chính lễ đông người, phải tổ chức phân luồng từ xa, đi theo hàng lối hay nói như ông bà nào đó là đi theo hàng rào dọc phân luồng. Hình dung một cách đơn giản như việc bà con xếp hàng chờ check-in trong sân bay hay vào sân xem bóng đá thường đi qua cái hàng rào zic-zac. Rất đông nhưng vẫn đảm bảo thứ tự, không thể chen lấn, chậm mà chắc. Thậm chí, làm như thế còn tránh được cả việc đám đông tràn lên xô đổ cổng vào như thường thấy (vừa rồi có tình trạng ban tổ chức phải mở-đóng cổng mấy lần tùy theo “sóng” người!), vì hệ thống hàng rào zic-zac không cho phép!

Cứ thế điều tiết lượng người đến hành lễ vào-ra, ra-vào hợp lý. Ngày chính lễ dự báo có đông người  thì dàn lực lượng và hàng rào kỹ thuật như vừa nói ra, ngày thường cất kho, gọn ghẽ.

(Ông cựu giám đốc Sở TDTT Nghệ An có lần tự hào là nhờ đi tham quan nước ngoài để về sân Vinh làm được mấy cái hàng rào zic-zac, đảm bảo an toàn tất cả các trận đấu bóng đá ở “chảo lửa” Vinh mấy chục năm nay)

Sao không áp dụng cách làm đã thành công như thế vào chuyện đón tiếp bà con hành hương dự lễ nhỉ?

Rồi đây, hẳn là chiều chủ nhật hay cuối kỳ nghỉ lễ nào trạm thu phí gần Hà Nội cũng ùn ứ nghẹt thở nên người ta đã có cách “phân luồng” khá chủ động. Tớ vừa lên chiều qua, dọc đường cứ lo ngay ngáy kiểu gì qua trạm cũng nhích từng cen-ti-met cả tiếng như lâu nay. Vậy mà cuối cùng đi qua đó đã đỡ hơn trước rất nhiều. Người ta mở hẳn trạm phụ bên cạnh, có 4-5 cửa đi như bình thường. Giờ cao điểm phân công đủ lực lượng ra hiện trường, phân luồng hợp lý cho xe vào cả lối chính và giãn ra lối phụ. Thu tiền hay vé không chỉ trong ô quy định mà có thể bố trí cả bên ngoài cho thông thoáng, nhanh gọn.

Rõ là đúng kiểu Việt Nam, thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả chuyện thu phí giao thông giờ cao điểm. Chẳng phải ngày nào cũng thế nhưng hễ cứ vướng vào đó là bao nhiêu người cằn nhằn, bực bội, tăng huyết áp.

Ông bạn bỗng nghiêm nghị hẳn lên: tai sao không thử một lần bàn nói nghiêm túc việc không hề nhỏ này? Chuyện người dân hành hương đông đảo, chuyện cái hàng rào zic-zac..Cứ làm thử đi, tốt thì đem ra áp dụng, chưa được thì tìm cách khác, thiên hạ không thiếu người tâm huyết, kinh nghiệm việc này. Để ngày lễ linh thiêng, ngày hội của mỗi người dân Việt ở đâu và lúc nào, chính lễ hay trước và sau lễ, thảy đều nghiêm cẩn, an lành?

Châu Phú

* http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/299975/thu-gui-lanh-dao-phu-tho-cua-nguoi-luon-huong-ve-den-hung.html

-----------

BÀI LIÊN QUAN:

Thư gửi lãnh đạo Phú Thọ của người luôn hướng về Đền Hùng
Chen nhau nghẹt thở trong biển người hỗn loạn lên đền hùng
Biển người hỗn loạn kẹt cứng đường lên Đền Hùng