“Thì từ bé đến giờ bọn em toàn thế. Thấy chỗ đông vui thì tới xem và hò hét là điều thường tình ấy mà. Mà mấy khi bọn em được đi chơi đâu. Dân bọn em một nắng hai sương, ngày này tháng khác mặt bán cho đất, lưng bán cho trời, mãi mới có dịp được đi chơi thì phấn khởi”

LTS: Chưa có năm nào ngày giỗ Tổ lại được nhắc đến nhiều như năm nay. Hình ảnh chen lấn xô đẩy tại Đền Hùng đã thu hút hàng nghìn bình luận và bài viết trên báo và mạng xã hội. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài phỏng vấn giả tưởng của tác giả Đoàn Bảo Châu để độc giả cùng suy ngẫm.

Trí: Này, sao các cậu cứ tự hành xác, hàng triệu người chen lấn, xô đẩy lên đền Hùng thế để làm gì? Lại còn mang con nhỏ nữa chứ. Không sợ nguy hiểm sao?

Dân: D…Dạ! Bác Trí hỏi thế nghĩa là sao ạ? Em tưởng việc tưởng nhớ về nguồn cội là tốt chứ ạ. Sao bác lại bảo là hành xác.

Trí: Sao không xếp hàng, trật tự như người Nhật, người Tây ấy?

Dân: Bác hỏi khó thế ạ. Em đã sang Nhật, sang Tây bao giờ đâu mà biết. Thì từ bé đến giờ bọn em toàn thế. Thấy chỗ đông vui thì tới xem và hò hét là điều thường tình ấy mà. Mà mấy khi bọn em được đi chơi đâu. Dân bọn em một nắng hai sương, ngày này tháng khác mặt bán cho đất, lưng bán cho trời, mãi mới có dịp được đi chơi thì phấn khởi nền ồn ào chút. Sao hả bác, làm phiền các vong linh vua Hùng ạ?

Trí: À… không, không hẳn vậy. Nhưng các cậu lại vứt rác bừa bãi, thậm chí nhiều người phóng uế lung tung. Lại còn mang con nhỏ nữa chứ. Không sợ dẫm đạp lên nhau rồi nguy hiểm cho các cháu sao?

Dân: À vâng. Bác bảo thế thì đúng rồi nhưng đông người, không có đủ thùng rác. Chả lẽ đi chơi mà bọn em lại cứ xách kè kè cái túi rác bên cạnh. Còn chuyện kia cũng vậy. Cả một rừng người mà bác. Lúc bí bách mà không…hì hì… giải quyết thì đi chơi vui sao được. Còn các cháu nhỏ ấy ạ, bọn em đi chơi thì cho các cháu đi cùng là tất nhiên rồi. Mà đôi khi chúng em đi đây đi đó thực ra là vì các cháu. Chúng em muốn chúng nó biết đền thờ các vua Hùng là ở đâu. À, mà trí thức các bác chắc cũng có các cháu nhỏ, các bác biết điều này quá rồi còn gì.

Trí: Mà này, các cậu nói thật đi. Các cậu nhớ nguồn cội hay các cậu lên đấy dâng lễ, rồi khấn cầu các vua Hùng cho lợi lộc nọ kia?

Dân: Nói thật còn không lên cơm cháo gì, nói dối vòng vèo thì được gì ạ. Đúng là bọn em khấn xin được mùa màng, vợ chồng con cái khoẻ mạnh học giỏi. Sao ạ, không được phép xin thế hả bác?

Trí: À… ừ thì hỏi thế thôi. Xin được chứ.

Dân: Mà các bác đi lễ chùa, đi đền các bác không cầu xin gì ạ? Sao bảo các bác cũng xin thăng quan tiến chức, đỗ đạt nọ kia cơ mà.

{keywords}
Cảnh chen lấn tại lễ hội Đền Hùng. Ảnh:  Trần Thường

Trí: À, mà nói về khía cạnh khác đi. Có lẽ từ giờ các cậu nên học cách sống văn minh, sạch sẽ. Khi đi đến chỗ đông người thì nên từ tốn, nói nhỏ, nâng đỡ trẻ em, người già. Đừng xô bồ lao ầm ầm như đi cướp như thế, rất nguy hiểm.

Dân: Vâng, em cũng sợ lắm bác ạ nhưng bác cứ bảo thế thì em sợ cũng chẳng giải quyết được gì. Đặc tính dân bọn em là đông mà có đông mới là dân. Bác bảo em thì em biết chứ hàng triệu triệu người dân nữa họ có biết đâu. Trong đám đông, em không chen để thoát mạng thì có khi cũng bị dẫm chết như bác bảo rồi ấy chứ. Dân bọn em đông, nên cần các bác dạy dỗ, nhưng có lẽ các bác phải có cách gì nói mà nhiều người nghe thấy. Mà ứng xử là thói quen, có lẽ các bác phải dậy sớm, dạy bọn trẻ con ấy.

Em tuy là dân nhưng con em nó cũng học đại học. Về nó cho xem các bác chửi bọn em là ngu là tham, em tủi thân lắm. Các bác bảo bọn em ngu vì chen chân chỗ đông người. Tham vì khấn cầu tài lộc. Em nghĩ các bác là trí thức thì nên thông cảm. Có khi mấy từ ấy nói đúng sự thật đấy nhưng khổ lắm được nghỉ mấy ngày chẳng lẽ lại ngồi nhà. Rồi đi không khấn xin nọ kia thì bọn em biết làm gì. Mà cái tham của bọn em ấy nó ăn thua gì đâu bác ơi. Em nghe con cháu lâu lâu lại về bảo ông quan này, bà quan kia tham nhũng tỉ tỉ đồng ấy chứ.

Mà khổ thân bọn em. Cầu ước một chút thì cũng để được chỗ dựa tinh thần thôi.

Mà nói thật với bác là đất nước nghèo thế, nông dân, công nhân nai lưng ra làm quần quật, thời gian đâu mà học hành. Nhưng nhiều khi bọn em cũng nản lắm. Học xong được thành trí thức giống các bác rồi mà khổ vẫn hoàn khổ. Bọn em lại phải nai lưng ra làm để chạy việc cho các cháu.

Các bác học rộng tài cao, các bác tính sao cho bọn em đỡ khổ đi.

Bác tính sao, sao bác im lặng thế?

Trí: À… ừ, tôi đang nghe đây!

Dân: À! Em nghe nói các bác làm cái bánh chưng to lắm để dâng các anh linh vua Hùng phải không. Em nghe láng máng nhưng đông người quá nên không được nhìn. Em chỉ thắc mắc là làm sao các bác có được cái nồi to để nấu chín được cái bánh ấy nhỉ.

Trí: Thì tôi cũng không rõ lắm, chắc phải có cách nào đấy thôi.

Dân: Sao các bác cái gì cũng thích to thế. Hình như các bác thích kỉ lục lắm thì phải. Các bác định xây tháp truyền hình cao nhất thế giới thì phải. Thế xây xong thì chương trình có hay hơn không, có nhiều phim Việt Nam hơn không, em chán phim Hàn, phim Tầu lắm rồi…

Trí: Cậu lan man quá. Mà hỏi lắm thứ thế, tôi có phải thánh đâu mà trả lời cho cậu được.

Dân: Không hỏi bác thì em biết hỏi ai. Mà bác này, em nghe thấy mấy bạn dân của em ở trong kia đang lo lắng về hạn hán, về ngập mặn lắm bác ạ. Chắc bác cũng nghe chuyện ấy. Thế các bác học nhiều, các bác có cách gì giúp các bạn ấy không?

Trí: À, đang tính!

Dân: Các bác tính thì chắc là chuẩn rồi, nhưng em là nông dân nên em biết. Thời gian là quan trọng lắm bác nhé. Bác tính nhanh nhanh lên cho các bạn ấy đỡ khổ. Có khi các bác tạm ngưng những thứ hoành tráng như tháp truyền hình, tượng đài kỉ niệm để tập trung vào mấy việc thiết thực cho dân chúng em nhờ. Bao giờ chúng ta rủng rỉnh thì làm cũng đâu có muộn bác ạ.

Trí: Gớm, nói chuyện với cậu mệt quá. Thôi, tôi đi đây.

Dân: Ô, bác đi thật à? Thế bác còn căn dặn gì về việc đi chơi, đi lễ ở đền Hùng nữa không? Để năm sau dân chúng em rút kinh nghiệm.

Trí: Ờ ờ ờ, đang tính đang tính.

Đoàn Bảo Châu

----

GS. Lê Văn Lan: Khủng khiếp quá, may mà chưa chết ngạt
Khi cả vạn người tràn lên núi Nghĩa Lĩnh
Thư gửi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ của người luôn hướng về Đền Hùng