Bao nhiêu năm rồi, mỗi năm lại thêm những sinh linh nhỏ bé vô tội bỏ mạng nhưng vẫn chưa có sự thay đổi gì.  Thật chua xót khi một quốc gia biển mà năm nào cũng phải nghe tin trẻ con chết đuối nước.

Khi viết những dòng này, tôi vừa vừa xong việc soạn đồ cho con gái để qua tuần con đi học bơi. Con tôi đang học mẫu giáo ở một hòn đảo nhỏ miền cực Tây nước Pháp, bốn bề là biển nhưng lại không có hồ bơi, và để học bơi các cháu phải theo thầy cô đi tàu về đất liền, khá vất vả cho cả thầy lẫn trò, nhưng lại là môn học ngoại khóa bắt buộc dành cho học sinh từ mẫu giáo.

 Ngồi soạn đồ cho con mà tôi cứ ám ảnh câu chuyện 9 học sinh tiểu học ở Quảng Ngãi chết vì đuối nước. Một nghịch lý chua xót khi một đất nước suốt dọc chiều dài là biển, thêm hàng ngàn sông suối hồ lớn nhỏ ấy vậy mà không năm nào không nghe những tin đau lòng: trẻ em chết vì đuối nước.

Không ai sinh ra là đã biết bơi hay biết đâu là hạn mức an toàn, đâu là nguy hiểm từ những thực tế ngoài cuộc sống. Người ta chỉ biết khi được học hoặc giả đã trải nghiệm qua. Sự nguy hiểm có thể đến với bất cứ ai, không hề báo trước mà đôi khi sự trải nghiệm lại đổi bằng chính mạng sống.

{keywords}
Đám tang 3 anh em chết đuối tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: nld.com.vn

Với người lớn, đối diện hiểm nguy đôi khi cũng phải chịu thúc thủ chứ đừng nói gì đến trẻ nhỏ. Một đứa trẻ hay nhiều đứa trẻ hợp lại thì khi gặp sự cố cũng đều có thể đối diện nguy hiểm như nhau. Vì vậy việc của người lớn là phải đảm bảo cho con trẻ luôn được nằm trong ngưỡng an toàn tối đa. Muốn như thế, không gì bằng trang bị cho trẻ những kiến thức nhất định để trẻ có thể tự thực hành nếu gặp sự cố. Hơn tất cả những bài học giáo điều, điều quan trọng là trang bị cho trẻ kỹ năng sống.

Học sinh ở Pháp, được học về các kỹ năng sống từ mẫu giáo. Chương trình ở trường của học sinh ba tuổi có một nửa là các hoạt động ngoài trời. Các bé học làm vườn, học cách nuôi một con gà lấy trứng, học cách phân biệt đâu là rau, đâu là cỏ và đặc biệt từ thực tế nơi sinh sống các bé sẽ được dạy cho cách nhận biết những loại động thực vật nào nguy hiểm không được phép đụng chạm đến.

Gia đình tôi ở biển, và từ khi con tôi được 5 tuổi thì mỗi năm sẽ có 1 tuần sống xa cha mẹ, cùng các bạn theo thầy cô đến vùng khác, lên núi hoặc vào rừng, học những kiến thức đa dạng phù hợp với từng vùng miền. Một tuần xa mẹ, tự lập cùng bạn bè cũng là một bài học rất tuyệt cho các em. Mức độ các bài học sinh tồn cũng được nâng lên theo lứa tuổi của trẻ, để đảm bảo các bé có thể tự bảo vệ một cách tối đa hay chí ít biết cách xử lý khi gặp sự cố. Với tôi, những trải nghiệm của con cũng chính là những bài học cho mẹ.

Các cháu tôi đang học trường Việt. Chưa tới 6g đã phải dậy, ăn vội ăn vàng rồi đến trường, chưa 7 giờ sáng đã có mặt trên lớp, đến tận gần 5 giờ chiều mới về đến nhà, không đi học thêm thì cũng vội vàng ăn rồi ngồi vào bàn học, nào toán, nào tiếng Việt, nào giáo dục công dân đủ cả nhưng tuyệt nhiên chẳng có lấy một giờ học ngoại khóa học các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.

Một tuần các cháu tôi cũng được học môn thể dục. Chúng đứng dưới sân trường, dang tay dang chân vài động tác, hoặc giả chạy vài vòng, nhảy vài nhịp dây, thế là hết. Muốn chơi bóng đá bóng chuyền cũng khó, vì sân chật, học sinh đông, may ra lớp lớn còn biết tụ tập nhau ra chỗ khác chơi. Mà giờ thành phố chật trội, sân chơi bói chẳng ra, có chỗ nào hay hay thì cao ốc mọc lên hay cũng là sân golf, sân tennis cho người lớn chứ chỗ cho trẻ con, đếm trên đầu ngón tay.

Một thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, lại là xứ quanh năm nóng nực, tính tổng thì cũng khá nhiều hồ bơi bởi gần như khách sạn nào được xếp hạng sao thì cũng đều có, nhưng hồ bơi công cộng cũng chỉ vài cái, suy cho cùng thì dịch vụ vẫn chỉ dành cho người lớn. Trẻ con có đến hồ bơi cũng chỉ là vui chơi ngâm nước cho mát, chứ đông quá làm sao có không gian để tập bơi. Thế nên tôi dám chắc, nếu làm một cuộc khảo sát học sinh cấp một cấp hai toàn thành phố, tỷ lệ học sinh biết bơi không biết có được đến quá bán?

Ngày xưa trẻ con ở quê, lấy can nhựa làm phao, lấy sông hồ để tập bơi, đứa lớn dạy đứa nhỏ, riết rồi thành rái cá cả, chẳng mấy khi sẩy chân. Hỏi sao bây giờ cũng ao cũng hồ đấy, can nhựa cũng có thiếu gì mà sao tai nạn vẫn liên hồi xảy ra? Cái gì cũng có hệ quả của nó cả.

Trẻ con quê bây giờ cha mẹ hầu như đi làm ăn xa, chẳng còn ai chăm bẵm dạy dỗ. Các trò chơi kiểu tay khăng tay đáo như ngày xưa hầu như vắng bóng, cũng chẳng còn mấy cảnh ngụp lặn sông hồ như ngày xưa bởi lẽ trẻ con nông thôn giờ cũng một giáo trình với trẻ con thành phố, suốt ngày cắm mặt vào học. Mà có rảnh rỗi tí thì quán game quán net cũng đã níu chân các em mất rồi, nên hễ có dịp vẫy vũng sông nước mới ngớ người ra bởi chẳng mấy đứa biết bơi.

Mà sông quê bây giờ đâu còn hiền hòa như ngày xưa nữa, bởi nó đâu còn giữ nổi vẻ nguyên sơ. Người ta khai thác cát, người ta chặn dòng nuôi trồng thủy sản, con sông cũng vì thế mà trở nên ngúng nguẩy bất thường. Như trong cái chết của 9 em học sinh Quảng Ngãi, chẳng phải một phần cũng bởi sự hiền hòa giả tạo của mặt sông đó sao, trong khi thực tế lại là vực sâu hút ngầm bên dưới ?

Trách ai đây? Các em không đáng trách, sự hồn nhiên ham chơi của các em không đáng trách, chỉ là sự xót thương đến tận cùng. Đáng trách là một lớp người lớn chúng ta, đã quá vô tâm, để bao nhiêu năm rồi, mỗi năm lại thêm những sinh linh nhỏ bé vô tội bỏ mạng nhưng vẫn chưa có sự thay đổi gì. Đâu đâu cũng thấy kỷ lục, đâu đâu cũng thấy tượng đài dự án tiền tỷ được đầu tư, nhưng chỉ cần mỗi vùng quê, mỗi quận huyện ở thành phố có được một nơi để các em được học bơi, thì sẽ không còn những nỗi đau như thế.

Mà không chỉ học bơi, dạy các em nhiều hơn nữa những kỹ năng sống để có thể sinh tồn, đó chính là điều thiết thực nhất cho tương lai trẻ thơ.

Đan Hà

BÀI  CÙNG CHỦ ĐỀ:

* Xót xa tiễn đưa 9 học sinh chết đuối
* Thêm 3 trường hợp chết đuối thương tâm ở Quảng Ngãi
* Những "cái chết" vô tư trong cách người Việt dạy trẻ