Quan hệ tốt để kiềm chế Trung Quốc, củng cố vị thế ở Trung Á cũng là một nhiệm vụ chiến lược của Nga lúc này. 

Ngày 20/4, cuộc gặp chính thức Nga - NATO lần đầu tiên diễn ra sau hai năm gián đoạn từ tháng 4/2014 do những sự kiện liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea.  

Cuộc gặp lần này được mong chờ từ cả hai phía với sự nhất trí về tầm quan trọng của việc thực hiện những thỏa thuận hòa bình Minsk. Tuy nhiên, hội đàm đã không thành công do vẫn tiếp tục tồn tại những bất đồng chủ yếu về tình hình chiến sự “Đông Ukraine.” 

Sự kiện đánh dấu hơn một tháng Nga rút quân khỏi Syria, với nhiều diễn tiến rất đáng quan tâm. 

Quay lại thúc đẩy “mặt trận thứ nhất” 

Ngày 15/3/2016, tổng thống Nga V.Putin “bất ngờ” ra lệnh rút quân đội Nga đang tham gia không kích “Nhà nước Hồi giáo” (ISIS) tại Syria. Thực ra, khi bắt đầu không kích tháng 10 năm ngoái, Nga đã tuyên bố chiến dịch sẽ bị giới hạn về thời gian.   

Điều “bất ngờ” ở đây là tại sao Nga lại rút mà không hỗ trợ chính quyền Assad đi đến thắng lợi cuối cùng?  

Tình thế chiến dịch Syria của Nga đã thay đổi rất nhiều sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay cường kích SU-24 của nước này hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không giấu giếm thái độ khó chịu trước sức ép Nga cùng quân Chính phủ Syria tạo nên cho lực lượng đối lập (chủ yếu là lực lượng người Turk ở bắc Syria).  

Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể lôi kéo được cả Saudi Arabia cùng tham gia hỗ trợ các nhóm phiến quân. Khó lường trước được tình hình sẽ ra sao nếu Nga, Thổ và Saudi Arabia cùng đưa quân vào chiến trường Syria; nhưng một điều dễ đoán là, với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều, còn với Nga thì phức tạp bội phần. 

Có thể cho rằng, mục tiêu của Nga đã đạt được khi ngăn ngừa được sự sụp đổ của Chính phủ Al-Assad, nhưng để Assad đi đến thắng lợi cuối cùng thì họ phải đối mặt với quá nhiều rủi ro. Với Putin, phải chăng một tình thế “chân vạc” kiểu Tam Quốc ở Syria là kịch bản có thể chấp nhận được?  

Không thiếu ý kiến cho rằng, Putin rơi vào tình thế còn tệ hơn trước Chiến dịch Syria: một chiến dịch tốn kém nhưng bị cáo buộc tấn công vào dân thường, tấn công vào cái gọi là “lực lượng đối lập ôn hòa,” và IS vẫn còn đó chưa thể bị “bẻ gãy xương sống.” Hơn thế nữa, người đồng minh hiếm hoi của Nga trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ thiếu nước trở thành kẻ thù có xung đột vũ trang đến nơi. 

Với Putin, để nuôi được một cuộc chiến tranh dù hạn chế, cũng là một việc cực kỳ tốn kém; nữa là một lúc chiến đấu trên cả hai mặt trận, Đông Ukraine và Syria. Đúng như dự đoán của giới chuyên môn, Putin mở “mặt trận thứ hai” để làm giảm căng thẳng ở “mặt trận thứ nhất”. Sau khi rút quân ở "mặt trận thứ hai" - Syria, sẽ là lúc Putin thúc đẩy những tiến trình ở Ukraine.  

Đầu tháng 4/2016, xung đột Nagorny – Karabakh bùng nổ trở lại giữa hai nước Azerbaijan và Armenia. Một mặt Nga vẫn tiếp tục bàn giao vũ khí theo hợp đồng cho cả hai nước, mặt khác Putin thúc đẩy những người đứng đầu hai quốc gia này tổ chức đàm phán ngừng bắn. Điểm nóng lại càng nóng khi thế giới nhận thấy lần này có thêm vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ làm trầm trọng hơn mối hiềm khích kéo dài đã 20 năm.  

Nhiệm vụ đặt ra với Putin là phải làm giảm nhiệt được xung đột lần này để giữ ổn định vùng biên giới phía nam đất nước, xa hơn là ngăn chặn những “kẻ cơ hội” như Thổ Nhĩ Kỳ nhúng tay vào làm bất ổn khu vực. 

{keywords}
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Thượng Hải tháng 5/2014. Ảnh: Reuters

Giá dầu vẫn rớt, túi tiền tiếp tục vơi 

Đại diện các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới kết thúc cuộc họp ở Doha (Qatar) rạng sáng 18/4 mà không đạt được thỏa thuận nào về hạn chế nguồn cung, và ngay lập tức giá dầu thế giới giảm mạnh. 

Cho đến thời điểm này, tình hình giá dầu thế giới chưa có gì khả quan hơn. Dự báo xa hơn, các chuyên gia năng lượng còn nhận định, Trung Quốc, nước có trữ lượng dầu đá phiến lớn nhất thế giới, không thể đứng nhìn Mỹ mà sẽ tìm cách sở hữu công nghệ khoan ngang để sản xuất dầu từ đá phiến. 

Dư luận còn đổ dồn quan tâm vào chuyến thăm Tổng thống Iran Hassan Rouhani tới Thổ Nhĩ Kỳ giữa tháng 4, ngỏ ý Iran sẽ trở thành người đảm bảo cho chiến lược an ninh năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và sẵn sàng cung cấp dư dả nhu cầu dầu khí của nước này. 

Nước Nga của Putin từ sau sự cố bắn hạ SU-24 vừa đẩy Thổ Nhĩ Kỳ sang thế đối đầu, nay tiếp nhận tin người bạn thân thiết Iran sẵn sàng quay ra “nồng ấm” với “kẻ bội bạc đâm sau lưng” ấy. Thật là một tin không vui chút nào cho Putin. 

Tiếp tục tranh thủ TQ 

Vùng các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ vốn là phên dậu của nước Nga trước những đe dọa từ Trung Quốc từ hơn một thập kỷ nay đã lỏng lẻo quá nhiều với sự bành trướng thế lực từ Bắc Kinh. Mặc dù nhận thức được rõ mối đe dọa từ Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến ảnh hưởng địa chính trị [1] nhưng ở thời điểm này, Nga không thể để quan hệ Nga – Trung xấu đi, mà vẫn phải giữ là đối tác chiến lược. Quan hệ tốt để kiềm chế Trung Quốc, củng cố vị thế ở Trung Á cũng là một nhiệm vụ chiến lược của Nga lúc này. 

Đó là bối cảnh của hai phát biểu từ ông Lavrov từ 14-17/4 về Biển Đông. Một mặt, Lavrov gián tiếp nói lên việc Nga không muốn can thiệp vào giải quyết các tranh chấp Biển Đông, nhưng mặt khác lại nhắm vào đối tượng trực tiếp là các “thế lực” muốn can thiệp hoặc tuyên bố lợi ích của mình tại Biển Đông, như Nhật Bản và đặc biệt là Hoa Kỳ rằng họ cũng nên đứng ngoài như Nga?   

Trước đó, ngày 25/3/2016 Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Shoigu cho biết là Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển và máy bay không người lái thế hệ mới trên quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với Tokyo.  

Phải chăng bất chấp những khó khăn chưa hề giảm bớt, ông Putin lại muốn hóa giải bằng những nước cờ bất ngờ mới và lần này là ở Thái Bình Dương nhưng theo kế hoạch của Nga? Đáng tiếc trước mắt lập trường hiện nay của nước này đã đẩy những nước nhỏ có liên quan đến tranh chấp Biển Đông vào thế khó khăn hơn rất nhiều.

Phúc Lai  

>> XEM THÊM: