Dòng thời sự chủ lưu hiện nay đang tập trung vào câu chuyện tăng trưởng và môi trường sau chuyện cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh.

* Cá chết, dân khóc, quan tỉnh ở đâu?
* Dân cứ yên tâm ăn cá và  sự yên lặng của cán bộ
* Đại nạn cá chết: Sự nguy hiểm của ô nhiễm sản xuất thép

Chuyện cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh đang bốc mùi hôi thối khiến vấn đề môi trường càng trở nên nóng bỏng. Dẫu thủ phạm gây ra hiện tượng đó chưa được chỉ mặt đích danh, nhưng rõ ràng có nguyên nhân từ sự phát triển quá nóng ở khu công nghiệp Vũng Áng.

Môi trường pháp lý chưa… trong?

Nhớ lại cách đây gần chục năm, những người dân ở Long Thành, Đồng Nai cũng phát hiện thấy cá chết hàng loạt. Chỉ có điều, lúc đó là cá trên sông Thị Vải, dòng sông vốn mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân địa phương. Qua nhiều tháng theo dõi và chịu đựng mùi hôi thối từ cá chết ngày 13 tháng 9 năm 2008, đoàn kiểm tra liên ngành mới bắt quả tang Công ty Vedan đóng ở gần đó đã âm thầm xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.

{keywords}
Công ty Vedan từng âm thầm xả nước thải ra sông Thị Vải trong suốt 14 năm.

Dẫu rằng, vấn đề này đã được xử phạt nghiêm minh và đã được đưa ra chất vấn ở nghị trường, nhưng không phải vì thế mà vấn đề môi trường trở nên bớt nóng. Tháng 6/2014, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua “Luật Bảo vệ môi trường”. Theo đó, Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường…

Tháng 2/2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số: 19/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Bộ Tư Pháp, đến cuối năm 2015, Việt Nam đã ban hành khoảng 300 văn bản pháp luật bảo vệ môi trường. Trước khi được luật hóa thì môi trường vẫn là tiêu chí bắt buộc đối với các dự án sản xuất kinh doanh.

Luật là vậy, thế nhưng tại sao vấn nạn môi trường không những không giảm mà vẫn tiếp tục gia tăng?

Doanh nghiệp là tổ chức kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Do hạn chế của tầm nhìn, một số doanh nhân đã vì lợi nhuận trước mắt nên đã quên đi lợi ích lâu dài. Sự hạn chế của tầm nhìn đã đẻ ra một “nền kinh tế nâu”, theo kiểu: Ô nhiễm trước, xử lý sau. Trong một lần về thăm anh bạn là doanh nhân ở làng nghề Đa Hội (Bắc Ninh), thấy thực trạng khói bụi và ô nhiễm, tôi tỏ ra băn khoăn, anh bạn giải thích: Cứ làm, cứ xả thải rồi xử lý sau chú à. Xả thải ra sông không bị xử lý sao? Có chia chác bên ngoài chút, nhẹ thôi, tiền đâu mà đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Cũng do sự “linh hoạt” của các cơ quan chức năng mà phần lớn các doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác để "lách" luật, hoặc cố tình vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Khi lách luật mang lại hiệu quả hơn đầu tư bài bản, dĩ nhiên là không mấy ai chọn cách đầu tư dài hạn.

Có hay không “nén bạc đâm toạc tờ giấy”?

Trong gần hai thập niên qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm từ 15 đến 17%, góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển công nghiệp chính là những vấn đề môi trường, các vấn đề về ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng từ thời bao cấp với công nghệ, thiết bị lạc hậu, phát sinh nhiều phế thải, đa phần không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải vẫn được phạt rồi cho tồn tại.

{keywords}
Bỗng dưng cá lăn ra chết hàng loạt ở Hà Tĩnh.

Mới đây, chuyện ông Nguyễn Văn Tấn ở Bình Chánh mở quán café “Xin chào” đã bị công an huyện hoàn thiện hồ sơ truy tố hình sự về tội chậm giấy phép và vệ sinh môi trường. Những tưởng bằng những quyết định mạnh tay như thế, môi trường xứ ta sẽ sạch bong… như tuyết ở Bắc cực.

Thế nhưng, môi trường ở xứ ta không những không trong, mà còn bẩn và bốc mùi. Theo thống kê của Cục Cảnh sát môi trường, cả nước hiện nay có hơn 200 khu công nghiệp thì hơn 50% trong số đó chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy khi làm dự án, theo luật, các khu công nghiệp đều có “báo cáo đánh giá tác động môi trường” với hàng loạt các giải pháp xử lý rất chi tiết vậy mà vấn đề môi trường vẫn vẫn nhức nhối, phức tạp? Có hay không chuyện “nén bạc đâm toạc tờ giấy? Những vụ làm ô nhiễm môi trường đã được phát hiện, xử lý so với tình hình vi phạm thực tế còn quá ít.

Tổng kết năm 2015, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện 13.784 vụ, trong đó có 11.118 cá nhân, 2.474 tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường, tăng 17.5% so với cùng kỳ năm 2014. Đã xử phạt vi phạm hành chính 8.205 vụ với 6.863 cá nhân, 2.077 tổ chức, số tiền 110,77 tỷ đồng.

Thực phẩm bẩn, môi trường bẩn không giết chết ngay tức thì nền kinh tế mà chỉ mang lại cái chết âm thầm và làm suy kiệt giống nòi. Theo Hội ung thư Việt Nam, nếu như số ca mắc ung thư mới vào năm 2000 chỉ ở mức 69.000 người, thì đến năm 2010 con số này lên tới 126.000, năm 2015 là 150.000 người và khoảng 75.000 ca tử vong.

Các chuyên gia y tế ước tính vào năm 2020 số ca mắc ung thư mới mỗi năm có thể sẽ tăng nhanh lên khoảng 200.000 ca. Trong số đó, 35% ca nhiễm ung thư có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn, 20% là do ô nhiễm môi trường sống.

Luật về môi trường đã có, bộ máy thực thi công vụ cũng không thiếu, vấn đề còn lại là chúng ta cần có những cán bộ sạch, bộ máy sạch, có như thế mới có thể làm sạch môi trường của đất nước. Đây là vấn đề của nòi giống, là sự hưng thịnh của một quốc gia.

Phan Thế

* Cá chết, dân khóc, quan tỉnh ở đâu?
* Dân cứ yên tâm ăn cá và  sự yên lặng của cán bộ
* Đại nạn cá chết: Sự nguy hiểm của ô nhiễm sản xuất thép