“Giá như thành phố thiết kế được những qui định buộc cán bộ phải chịu trách nhiệm giải trình trước nhân dân, sẽ bị mất chức trước lá phiếu của nhân dân sẽ đỡ cho chính quyền Trung ương rất nhiều”.

LTS: Kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2016), thành phố Hồ Chí Minh đang được tiếp sức với một luồng sinh khí mới sau phát biểu của Bí thư Đinh La Thăng về định hướng phát triển hướng tới vị trí số 1.

Nhân dịp này, Tuần Việt Nam/Báo VietNamNet có cuộc tọa đàm với ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó Bí thư thành ủy, phó chủ tịch UBND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, nguyên tổng biên tập báo Người Lao Động và PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó khoa luật Đại học Kinh tế TP.HCM. Dưới đây là Phần 2 cuộc tọa đàm.

Phần 1: Bí thư cũng phải lặn lội chạy ăn từng bữa

Phần 2: TP.HCM không thể dàn hàng ngang như các tỉnh, thành khác

Nhà báo Duy Chiến: Chúng ta đang cùng nhau bàn chủ đề làm thế nào để TP.HCM phát triển mạnh hơn nữa. Vì vậy sẽ là thiếu sót nếu như chúng ta không đề cập đến những hạn chế hiện, yếu kém xuất phát từ “tấm áo quá chật” hay “bộ đồng phục”quá cứng mà TP đang phải khoác lên mình. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng đặt câu hỏi, tại sao một vụ như vụ quán Xin Chào lại xảy ra ở TP.HCM, nơi được xem là môi trường kinh doanh cởi mở nhất.Phải chăng nội tại TP.HCM cũng đang bị neo giữ bởi một lực cản rất lớn?

{keywords}
Các vị khách mời tham gia tọa đàm

PGS – TS. Võ Trí Hảo: Vụ đó đã có kết quả trả lời rồi. Sai phạm thì đã xử lý rồi.Nhưng vấn đề là những sai phạm này có thể diễn ra ở nhiều nơi quyền lực không được giám sát.

Từ những chuyện đáng tiếc đã xảy ra, giá như chính quyền thành phố có một đội ngũ cố vấn chuyên gia pháp luật tốt thì giúp cho chính quyền Trung ương trong điều hành rất nhiều.

Giá như thành phố thiết kế được những qui định buộc cán bộ phải chịu trách nhiệm giải trình trước nhân dân, sẽ bị mất chức trước lá phiếu của nhân dân cũng sẽ đỡ cho chính quyền Trung ương trong điều hành rất nhiều.

Nhà báo Duy Chiến: Thưa ông Phạm Chánh Trực, từng giữa vị trí là lãnh đạo TP, ông có thể chia sẻ gì về những rào cản thành phố đang vướng phải hiện nay?

Ông Phạm Chánh Trực: Chuyện vừa xảy ra ở Bình Chánh không phải là cá biệt và không chỉ ở thành phố mới xảy ra chuyện giống thế này.

Do vậy, vấn đề sâu xa hơn là phải chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống, tổ chức và con người của chúng ta. Cứ làm đúng theo lời của Bác Hồ, công chức là công bộc của dân, Đảng viên là người lãnh đạo và thật trung thành với dân. Theo đó, ta hãy cùng nhau soi rọi xem ai mà chưa làm được thì phải huấn luyện hay chấn chỉnh lại. Đến mức không chấn chỉnh được thì tìm người khác thay thế.

Chuyện này không khó nhưng cũng thật sự không dễ. Bây giờ những chuyện như vừa xảy ra ở Bình Chánh không ít đâu, đấu tranh rất là gian nan. Với những sự vụ, chỉ khi bị phát hiện thì lãnh đạo mới có ý kiến, còn nhiều vụ chưa phát hiện được thì làm sao có ý kiến?

Do vậy, chỉ có cách là từng Đảng viên phải tự giác, từng cán bộ công chức phải giác ngộ, đấu tranh với nhau để khắc phục. Phải vận động trong toàn Đảng, toàn dân để mà học tập làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ trở thành một người Đảng viên tốt, một người công chức tốt.

{keywords}
"

"Thành phố vẫn đang phải giải quyết những nút tắc nghẽn, đang phải tiếp tục tái cấu trúc lại nền kinh tế và tìm kiếm mô hình thích hợp.Những việc đó vẫn đang dang dở."

Nhà báo Duy Chiến: Có ý kiến nói rằng, TP.HCM vốn có nhiều ưu thế thuận lợi hơn các địa phương khác.Song ngoài việc đứng đầu cả nước nộp ngân sách cho Trung ương thì TP.HCM gần như chưa thể hiện được các ưu thế vượt trội khác?

Ông Phạm Chánh Trực: Mọi so sánh chỉ là tương đối .Bởi vì một thành phố 10 triệu dân với một thành phố 1 triệu dân khác nhau lắm. Trong khi bộ máy thì cùng một mô hình chung, chính quyền từ Trung ương tới tỉnh thì như nhau.

Thành phố vẫn đang phải giải quyết những nút tắc nghẽn, đang phải tiếp tục tái cấu trúc lại nền kinh tế và tìm kiếm mô hình thích hợp.Những việc đó vẫn đang dang dở.

30 năm trước chúng ta bung ra, lấy kinh tế hộ gia đình ở nông thôn làm trung tâm trong lực lượng sản xuất. Bây giờ 30 năm sau vẫn là hộ gia đình, chúng ta chưa có những cái mô hình thích hợp. Thành phố cũng thế, vẫn đang tìm kiếm, trong khi còn nhiều quá tải, quá nhiều bất cập, thậm chí còn tắc nghẽn.

Nhà báo Duy Chiến: Ông mô tả thế nào về những nút thắt khiến thành phố bị nghẽn lại?

Ông Phạm Chánh Trực: Cái bất cập thứ nhất là cơ chế điều hành, quản lý vẫn chưa phù hợp với chính quyền đô thị. Thứ hai, giao thông thì luôn tắc nghẽn, bệnh viện thì bất cập, trường học thì quá tải.Đấy, đâu đâu cũng quá tải, cũng nghẽn cả. Có hàng loạt vấn đề như vậy đặt ra hàng ngày, hằng giờ cho TP.HCM …

Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đều bị quá tải và một mình thành phố không giải quyết được đâu.

Chúng ta nói “vì cả nước, cùng cả nước” nên hiểu là phải song song cùng làm chứ bên này nặng bên kia nhẹ sẽ rất khó.

Nhà báo Duy Chiến: Câu hỏi cuối cùng, các vị có chia sẻ, gửi gắm gì với đội ngũ lãnh đạo mới đầy nhiệt huyết trong không khí tưng bừng mừng 41 năm thống nhất đất nước?

Bà Hằng Nga: Tôi tin thành phố của chúng ta sẽ tạo ra những bước ngoặt mới và sẽ có những thay đổi mới. Đặc biệt với đội ngũ lãnh đạo trẻ trung hiện nay.Với đội ngũ trẻ và năng động như vậy, thành phố sẽ bước những đi rất tốt trong tương lai.

PGS – TS. Võ Trí Hảo: Mong ước lớn nhất của tôi giống như ước mong của Bí thư thành ủy, đó là lấy lại cái vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông”. Nhưng phải nhớ rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế này thì chúng ta cần phải đặt TP. HCM trong tương quan Đông Dương và ASEAN.

{keywords}

Các vị khách tham dự toạ đàm.

Ông Phạm Chánh Trực: Tôi hy vọng thành phố sẽ xây dựng được lực lượng hạt nhân, cốt tủy để trở thành đầu tàu khỏe mạnh, kéo các toa tàu khác đi nhanh hơn.

Chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, phải đẩy mạnh mở rộng thị trường cho các thành phần kinh tế. Từ đó tạo ra sức mạnh chung của thành phố, của đất nước.

Chúng ta đã có nghị quyết rồi, nghị quyết của Đảng lần thứ XII, và nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ X. Phải làm sao đưa những nghị quyết này sớm trở thành hiện thực thể hiện bằng những chiến lược phát triển, bằng những kế hoạch, bằng những chương trình cụ thể.

Vấn đề quyết định nằm ở con người. Con người trước hết là cán bộ công chức, đảng viên. Đội ngũ này mà không gương mẫu thì không thuyết phục được dân tin tưởng. Và như vậy thì những chương trình, kế hoạch, chiến lược sẽ chỉ là nói cho vui chứ không thể thực hiện được đâu.

Nhà báo Duy Chiến: Cuộc tọa đàm đến đây là kết thúc.Xin cảm ơn và chúc sức khỏe các vị khách mời.

Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet

* Một ngày tháng Tư thăm nghĩa trang quân đội chế độ cũ
* Nuôi hận thù, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai
* Đã xa rồi ký ức chiến tranh
* Hành trang ra biển lớn
* Cùng một dân tộc, hà cớ gì không thể hòa hợp
* Hòn ngọc Viễn Đông trong hành trình giành lại ngôi số 1