Con lớn chuẩn bị kết thúc học kỳ 2, chị đồng nghiệp của tôi sốt sắng hằng ngày “nghiên cứu” cho con thứ chọn lớp “luyện chữ” trước khi vào lớp 1. Bỏ qua những lời khuyên của chuyên gia, chị khăng khăng: “Nét chữ nết người” - ông bà ta dạy thế để bảo vệ cho “nghiên cứu” của mình.

LTS: Sắp nghỉ hè, câu chuyện rèn chữ đẹp lại được bàn tán sôi nổi. Nhiều người cho rằng, việc rèn chữ vẫn cần thiết vì nó giúp trẻ rèn tính kiên nhẫn, cần cù, chăm chỉ, cẩn thận. Nhưng không ít người khác lại bảo vệ quan điểm, tập viết thì trẻ em nước nào cũng cần, còn rèn chữ chỉ là một thú vui không nên bắt ép trẻ. Mời độc giả gửi bài thảo luận tới tuanvietnam@vietnamnet.vn.

Tôi nhớ ngày xưa khi còn đi học, tôi được cô giáo chăm chút cho nét chữ, tỉ mỉ cẩn thận trong cách trình bày. Chúng tôi cũng thường được có cơ hội tham gia các cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” của trường, rồi các cấp. Vài năm gần đây, những cuộc thi như thế đã ít xuất hiện công khai. Chẳng phải vì học sinh bây giờ viết chữ đẹp hết rồi, nên đâu cần thi thố làm gì nữa; mà xem ra những cuộc thi như vậy sẽ không còn hiệu quả thực tiễn trong môi trường giáo dục và nghề nghiệp ngày này.

“Nét chữ, nết người” vốn là quan niệm được lưu truyền từ đời ông cha ngày trước, khi mà nền văn hóa Hán học vẫn ở vị trí độc tôn trong đời sống tri thức đương thời.Tôi nghĩ chữ Hán cũng khác chữ Quốc ngữ (ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng ngày nay). Dưới góc độ hình ảnh, thẩm mỹ, chắc chắn chữ Hán sẽ đòi hỏi nhiều đến bố cục, đường nét, hình ảnh... không giống như lối giản đơn của ngữ hệ Latin.

Chỉ cần nhỡ tay thêm dấu chấm, sơ ý kéo thêm một nét đã có thể thay đổi cả khuôn chữ,câu cú và mất hẳn tính thẩm mỹ của cả một bài viết. Do đó các cụ ngày xưa luôn cần phải trau chuốt nhiều hơn về chữ nghĩa, mới cho thoả với cái danh hiệu “văn hay chữ tốt”. Cứ đời này qua đời khác, chúng ta kế tục, truyền dạy mà quên mất sự phát triển của xã hội đã đi đến đâu.

Nhìn ra thế giới?

Tôi có những bạn bè sinh viên nước ngoài, ngày còn đi học ở trời Tây. Mỗi đứa mỗi kiểu chữ, không có “khuôn mẫu”, đứa thích đá nét ngang, đứa thích vun nét dọc, lả lướt bay bướm cũng có, ngắn củn tròn vo cũng có... muôn hình vạn trạng. Chẳng đứa nào khen chữ đứa nào đẹp, chỉ có tôi hay chê chữ tụi nó xấu.

{keywords}

Qua tháng năm gần gũi, tôi nhận ra rằng ở xứ người, họ chú trọng đến tính sáng tạo cá nhân, mỗi người có cách thể hiện, phát triển tư duy thẩm mỹ của từng người. Bạn nào mà viết xấu quá, thầy đọc không ra, cho điểm thấp, đánh trượt, sau đó rồi cũng sẽ phải tự điều chỉnh “theo cách của mình”, và viết lại cẩn thận hơn...

Không ai bắt rập khuôn, đóng đinh theo những quy chuẩn, ước lệ để rồi cho ra đời những thế hệ “cái gì cũng giống nhau”, từ quan điểm, suy nghĩ đến nét chữ và xa hơn là chí hướng, là ước mơ, là hoài bão.

Đừng bắt con trẻ theo quan niệm cũ

Ba tôi có người bạn làm bác sĩ, mỗi lần nhờ chú ấy kê đơn là ba tôi hay tặc lưỡi bảo: “Đúng là chữ bác sĩ!”, mà hình như ai làm bác sĩ cũng đều viết chữ khó đọc chăng? Tôi chẳng cố hỏi ra nguyên nhân, và không đánh giá đó là một thói quen không tốt, nhưng sẽ không ai dám nhận định rằng “Bác sĩ thường xấu nết”, điều quan trọng hơn là hình như chưa có cô dược sĩ nào đọc nhầm đơn thuốc do các bác sĩ kê, hoặc sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Điều quan trọng có thể rút ra: Đừng bắt con trẻ đi theo những quan niệm cũ, những thói quen rập khuôn hay chạy theo những lớp học phong trào một cách máy móc.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta có rất nhiều công cụ hỗ trợ trong học tập và công việc. Khi mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã ngày càng giúp đỡ đắc lực vào cuộc sống của con người. Chưa kể, những đòi hỏi của hôm nay đã khác, mọi thứ cần sự nhanh chóng và chính xác.

Đừng nói gì, các thao tác thủ công mất thời gian, các tài liệu, giấy tờ, sổ sách bằng giấy cũng được hạn chế, chúng ta cần có những công cụ lưu trữ an toàn và tiện lợi hơn. Vai trò của chữ viết tay cũng giảm đi ít nhiều, thay vào đó là các kỹ năng tin học, ứng dụng văn phòng phải được thực hành thuần thục. Vậy lẽ nào chúng ta đang cổ xúy cho một thói quen “thay đổi nết người”?

Tôi vẫn thường được bạn bè, đồng nghiệp khen “chữ đẹp”. Đối với tôi đó chỉ là một “danh hiệu cá nhân”, một tín hiệu xã giao, chứ không hoàn toàn là một giá trị lớn lao trong công việc, trong cuộc sống.

Đến giờ, khi làm việc với nhân viên, với đồng nghiệp, tôi không quan trọng họ viết chữ đẹp hay xấu, chỉ cần chúng tôi có thể tạo ra được một cái hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng; viết được những bức email chỉn chu, thuyết phục, đầy đủ nội dung và thông điệp… là đủ.

Bạn tôi chữ không đẹp nhưng làm việc khoa học hơn tôi

Tôi cũng có một anh bạn đồng nghiệp cùng giảng dạy trong trường, anh có chia sẻ cho tôi, bây giờ anh toàn chấm bài luận cho sinh viên qua máy tính, công cụ trực tuyến. Mọi thứ rất nhanh chóng, các phản hồi, phúc đáp được rõ ràng và quan trọng nhất, anh không phải cứ khệ nệ xách theo đống bài của sinh viên mỗi khi lên trường hay về nhà, cũng như không phải lăn tăn trong việc thất lạc bài thi. Thú thật, chữ anh viết không đẹp bằng chữ của tôi, nhưng rõ ràng anh làm việc khoa học và sáng tạo hơn tôi nhiều.

Vì vậy cá nhân tôi nghĩ, người lớn nên tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với sách, báo, tiếp cận với văn hoá đọc; tạo cơ hội tương tác với cuộc sống, học kỹ năng và các tình huống thực tế để xây dựng “nết người”, chứ không nên bắt trẻ phải lao đầu vào những lớp học, những “mùa học” theo phong trào, hay tư duy lỗi thời…

Chị đồng nghiệp của tôi vẫn tỉ mỉ so sánh từng trung tâm luyện chữ, để chọn cho con một lớp học thật ưng ý, một thầy cô “luyện chữ” có tiếng.

Tôi tự hỏi, sau khi qua “lò”, bao nhiêu em đó sẽ đạt đến một mức độ nhất định, cho ra những con chữ đều đặn như khuôn? Và liệu rằng các em đều sẽ “đẹp nết”, hay chính người lớn cùng tư tưởng cũ đã tồn tại mấy ngàn năm từ thời Hán tự - Nho gia, đang bào mòn tư duy con trẻ?

Hơn hết, tư tưởng, nhân cách sống, thái độ trước thế giới quan mới là yếu tố cốt lõi chứ không phải hình thức thể hiện bề ngoài.

Trần Công Danh (TP.HCM)

"Đại học là học đại", nỗi ớn lạnh nhân sự bằng đỏ
Lại chuyện "đầu vào", "đầu ra"
Chất xám ở, chất xám về và những điều chưa nói hết
Cất xám về hay ở chung qui là giằng dai lợi ích
Chìm trong bệnh thành tích, muốn minh bạch cũng khó