Khi xem xét những dự án như thế này trước hết phải xét đến bài toán về “sinh thái” và bài toán về “chi phí cơ hội”.

*Dự án tỷ đô dọc sông Hồng, nghe lãng mạn như thơ

Bàn tiếp về dự án tỷ đô dọc Sông Hồng, Tuần Việt Nam xin đăng tải ý kiến của TS. Nguyễn Thành Sơn đề mọi người cùng tham khảo.

Dư luận đang “râm ran” về vụ ngăn sông Hồng bằng 6 đập để làm thủy điện. Tuy không được tiếp xúc với tài liệu “dự án”, nhưng qua các thông tin trên báo, chúng tôi thấy cần trao đổi như sau:

Trước hết, đây không thể gọi là dự án về thủy điện. Dù có ngăn bằng 6 đập hay 60 đập để phát điện bằng công nghệ “con nhộng” (tiếng Nga “капсул”- cả tuabin và máy phát đều nằm ngang), chênh lệch cốt cao tự nhiên (theo số liệu của Ủy ban sông Hồng) giữa Việt Trì (+55m) và Lào Cai (+73m), thì “cột nước” chung tính cho thủy điện chỉ khoảng 18m.

Như vậy, mỗi “con nhộng” chỉ vận hành với cột nước bình quân 3m. Điều này có thể còn không khả thi vì đường kính nhỏ nhất của loại “con nhộng” này đã là 3m, thì cột nước tối thiểu phải >5m. Ngoài ra, với cột nước thấp như vậy, trong khi lưu lượng nước sông Hồng tại Việt Trì chỉ khoảng 1500m3/s thì sản lượng điện có thể phát được của dự án cũng không đáng kể (khoảng 1 tỷ kWh/năm). Đây cũng là lý do tại sao EVN đã không để ý đến đề xuất này (mặc dù nó không có trong Quy hoạch phát triển ngành điện đã được duyệt).

Thứ hai, đằng sau đề xuất này có thể là một dự tính khác, khi hiện nay, các tuyến đường bộ “ngon ăn” đã được “BOT” hết rồi, chỉ còn đường thủy. Toan tính biết đâu, trước mắt, chặn sông Hồng để thu tiền của các phương tiện thủy trên tuyến Việt Trì-Lào Cai khi phải “quá giang” qua 6 cái âu thuyền mà họ sẽ tạo ra.

Nhân đây cũng xin những cơ quan “thẩm định” dự án hãy xem cái âu thuyền (dạng khô) trên thủy điện Thác Bà hoạt động như thế nào trong hơn nửa thế kỷ qua? Dự án này chỉ thuận lợi về giao thông thủy cho hàng hóa từ các tỉnh của Trung Quốc ra Biển Đông của Việt Nam.

{keywords}

Dự án núp danh “thủy điện” này sẽ xâm hại đến cân bằng tự nhiên, làm thay đổi chế độ thủy văn và dòng chảy trên sông Hồng.

Thứ ba, các dự án núp danh “thủy điện” thường sẽ xâm hại đến cân bằng tự nhiên, làm thay đổi chế độ thủy văn và dòng chảy trên sông Hồng.

Từ Việt Trì ngược lên Lào Cai, tốc độ dòng chảy trong lòng các hồ nhân tạo sẽ giảm gần như bằng 0. Điều này có thể làm giảm tiêu hao nhiên liệu của các phương tiện thủy, nhưng không đáng kể, và lòng hồ sẽ bị bồi đắp nhanh chóng.

Còn từ Việt Trì đổ ra biển, kết cục mà ai cũng có thể thấy được là lượng phù sa khoảng 100 triệu m3/năm (tính 1,5 kg phù sa/m3) đang cung cấp cho vựa lúa đồng bằng sông Hồng (liên quan trực tiếp đến các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình) sẽ không còn nữa.

Thứ tư, với tổng vốn đầu tư trên 24.000 tỷ, sẽ chẳng có tổ chức tín dụng nước nào (có thể ngoài Trung Quốc là nước được hưởng lợi từ dự án) dám cho vay nếu như Chính phủ Việt Nam không đứng ra bảo lãnh trực tiếp và/hoặc gián tiếp (chấp nhận giá thủy điện cao hơn cả phong điện như dự tính).

Thứ năm, về mặt kỹ thuật công trình. Chưa rõ 6 tuyến đập sẽ được lựa chọn xây dựng ở những vị trí nào? Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu địa chất công trình của bể than đồng bằng sông Hồng cho thấy, toàn bộ thềm lục địa dọc theo sông Hồng thuộc loại non trẻ (tính theo tuổi địa chất) và vẫn đang tiếp tục biến động. Nếu làm thủy điện, các đập trọng lực (để lắp đặt các “con nhộng”) sẽ phải xây dựng trên nền đất yếu, hầu như không có đá gốc. Liệu chi phí đầu tư của cả dự án như vậy có đủ?

Cuối cùng, các cơ quan có chức năng tham mưu cho Chính phủ hoặc Quốc hội khi “trình” hay “thỏa thuận” khi xem xét những dự án giống như thế này (dù đó là vốn ngân sách hay vốn tư nhân), trước hết phải tính đến bài toán về “sinh thái” (chúng ta ai cũng đang phải “ngấm”) và bài toán về “chi phí cơ hội”, điều mà dân kinh tế, ai cũng phải thuộc lòng.

TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập

Dự án tỷ đô dọc sông Hồng được đồng thuận khá cao
Siêu dự án dọc sông Hồng, đừng bắt dân gánh rủi ro
Dự án tỷ đô dọc sông Hồng, nghe lãng mạn như thơ
Tăng trưởng bằng mọi giá sẽ khiến ta sa lầy
Hy sinh môi trường cho tăng trưởng là lựa chọn quá đau đớn
Mệnh lệnh chồng chéo và những tổn thất vô giá