"Lực đẩy Mỹ - Việt Nam xích lại gần nhau bởi chủ trương là bạn với tất cả. Lực kéo hai quốc gia trở thành bằng hữu là ASEAN và các giá trị chuẩn mực toàn cầu. Tuy nhiên, vai trò chính yếu vẫn là lợi ích tương đồng giữa hai quốc gia"– TS Trần Việt Thái.
Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Trần Việt Thái – Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Thời điểm chuyến thăm
Có ý kiến cho rằng, Tổng thống Obama thăm Việt Nam khi sắp kết thúc nhiệm kỳ mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Nên nhìn vào kết quả chuyến thăm, những cam kết của chuyến thăm hơn là nhìn vào thời điểm nhiệm kì. Đã là Tổng thống thì vẫn đại diện cho nước Mỹ, cho chính quyền Mỹ. Những gì họ cam kết chắc chắn phải có lợi ích cho nước họ. Vì thế nên nhìn vào cam kết để đánh giá hiệu quả của chuyến đi chứ đừng nhìn vào thời điểm chuyến thăm mà đã vội đánh giá.
Một trong những nguyên nhân để nước Mỹ trở thành một siêu cường là vì họ có một chính sách nhất quán xuyên suốt, minh bạch, và có sự kế thừa, kết nối qua nhiều thời kì Tổng thống.
Có thể thấy từ sau chiến tranh thế giới thứ hai cho đến nay, suốt 70 năm qua nước Mỹ trở thành siêu cường, có một mạng lưới đồng minh rộng lớn là nhờ những chính sách nhất quán qua các thời kì Tổng thống chứ không riêng gì thời kì Tổng thống của ông Obama.
Nói những điều đó để thấy rằng đừng nhìn vào thời điểm ông Obama sắp hết nhiệm kì mà hãy nhìn vào kết quả chuyến thăm, đặc biệt là những cam kết tới đây và đối chiếu nó với lợi ích của Mỹ ở mức độ ưu tiên nào, cấp bách đến đâu….
"Trong lĩnh vực đối ngoại, tôi nghĩ tư duy chủ động và độc lập đang diễn ra" - |
Vậy chúng ta có thể kỳ vọng điều gì trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ lần này?
Trong chuyến đi này, hai bên sẽ thảo luận tầm quan trọng của việc phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay, biến đổi khí hậu, thúc đẩy nhân quyền….
Tôi kì vọng sau chuyến thăm sẽ tiếp tục duy trì được đà phát triển. Năm ngoái chúng ta đã kỉ niệm 20 năm quan hệ Việt – Mỹ, tạo được nền tảng tốt. Với chuyến đi này trong năm nay sẽ tiếp tục tạo được đà phát triển tốt, thậm chí tạo ra những khuôn khổ mới, rộng lớn hơn để hai bên hợp tác, cùng nhau phát triển vì lợi ích của hai bên và vì hoà bình ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo thông tin có được, vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề của chuyến thăm lần này. Liệu có gì khác trong cách tiếp cận về Biển Đông so với hội nghị cấp cao Sunnylands và các cuộc gặp cấp cao trước đó hay không?
Thực ra cho đến giờ phút này, quan điểm của Mỹ và Việt Nam về vấn đề Biển Đông, về cơ bản hai bên đã hiểu nhau. Qua đó chúng ta thấy có một số điểm chung.
Cụ thể những điểm chung đó là giải quyết tranh chấp hoà bình, sử dụng luật pháp quốc tế nhất là công ước luật biển, không đe doạ sử dụng vũ lực, tôn trọng tự do an ninh an toàn hàng hải- hàng không, thực hiện nghiêm chỉnh DOC và hướng tới COC.
Đó là 5 điểm mà hai bên đã thống nhất với nhau và trong thoả thuận chung của chuyến thăm sẽ nhắc lại những điểm cốt lõi này.
Bên cạnh đó, có một số điểm mới hơn. Đó là, chuyến đi này diễn ra trước khi Toà án quốc tế ở LaHay có phán quyết, có thể phía Mỹ sẽ nhấn mạnh hơn cam kết tôn trọng luật biển, phán quyết của của toà án bởi vì Việt Nam liên quan trực tiếp đến các phán quyết này.
Một điểm mới nữa, có thể phía Mỹ sẽ giúp Việt Nam tăng cường nâng cao năng lực nhận thức biển, nâng cao năng lực thực thi trên biển của các cơ quan như kiểm soát biển, kiểm ngư. Việc hỗ trợ đó giúp Việt Nam có thể bảo vệ tốt hơn các lợi ích quốc gia trên biển.
Mỹ cũng có thể sẽ nhấn mạnh đến vai trò của ASEAN, các công cụ đa phương trong ASEAN. Đồng thời, có thể Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh chống quân sự hoá trên biển Đông.
Yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Mỹ
Quan hệ thương mại, đầu tư, giáo dục đã phát triển rất mạnh mẽ nhưng hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai bên vẫn còn khá thận trọng và đi sau cùng. Đây là sự lựa chọn chủ động của chúng ta hay còn vì nguyên nhân nào khác, theo ông?
Tôi cho rằng có hai nguyên nhân.
Về khách quan mà nói, quá khứ giữa hai nước ảnh hưởng rất nhiều. Vì thế mà hiện nay hệ thống trang thiết bị vũ khí của Việt Nam đa phần vẫn là của Nga.
Mặc dù cả hai nước cùng vì lợi ích hoà bình và ổn định nhưng cách tiếp cận của Mỹ ở tầm toàn cầu với những bước đi nhanh, quy mô rộng lớn, khác với cách tiếp cận của ta. Lợi ích của họ, cách làm của họ cũng khác với ta.
Về mặt chủ quan, chúng ta duy trì sự chủ động trong những bước đi hợp tác theo tốc độ và theo cách mà chúng ta mong muốn. Tuy rằng có hơi chậm một chút nhưng hiệu quả và chắn chắn.
Có quan điểm rất rõ ràng, Việt Nam hợp tác an ninh quốc phòng với bất kì nước nào không nhằm đến bên thứ ba. Việt – Mỹ hợp tác vì lợi ích của hai bên và vì hoà bình ổn định an ninh trong khu vực và trên thế giới, không nhằm chống lại bên thứ ba.
Vì thế, hợp tác Việt – Mỹ về an ninh quốc phòng theo những bước đi theo tiến độ phù hợp mà hai bên cảm thấy thoải mái nhất. Hợp tác phải tính tới các nhân tố trong khu vực và trên thế giới để đảm bảo chính sách nhất quán của Việt Nam nhằm chuyển đi thông điệp hoà bình hữu nghị, thiện chí.
Quan hệ Việt - Mỹ không thể diễn ra trong môi trường chân không, mà như bất kỳ mối quan hệ quốc tế nào khác, đều bị đặt trong mối tương quan chằng chéo, phức tạp với các nước khác và với bối cảnh khu vực. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến mối quan hệ này?
Ở đây có cả hai yếu tố giữa lực đẩy và lực kéo đưa quan hệ Việt – Mỹ xích lại. Lực đẩy Mỹ - Việt Nam xích lại gần nhau bởi chủ trương là bạn với tất cả. Lực kéo hai quốc gia trở thành bằng hữu là ASEAN và các giá trị chuẩn mực toàn cầu.
Trong chính sách hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, ta cũng chủ trương hội nhập với thế giới và đề cao các giá trị chuẩn mực toàn cầu. Ta tôn trọng luật pháp quốc tế, tông trọng các giá trị hiện nay trong khu vực và trên thế giới. Những điểm này là tương đồng với Mỹ.
Nhân tố bên ngoài chỉ là yếu tố phụ. Cái chính là sự tương đồng về lợi ích quốc gia giữa hai bên. Mỹ thấy Việt Nam là một nước hoà bình, ổn định phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam nhìn thấy Mỹ là một siêu cường, có thị trường rộng lớn, công nghệ phát triển có thể giúp chúng ta trong quá trình hội nhập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ…
Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam nhân kỉ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: VietNamNet |
Cụm từ “lợi ích” thường được đề cập đến quan hệ giữa hai nước. Ông có thể phân tích cụ thể hơn những lợi ích của Mỹ và Việt Nam có được trong mối quan hệ này?
Trước hết, là lợi ích phát triển. Mỹ có rất nhiều thứ là hàng đầu thế giới. Mỹ có sức mạnh về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học và giáo dục. Mỹ cũng có hệ thống đồng mình trải khắp thế giới.
Vì thế, lợi ích Việt Nam là tranh thủ được những nguồn lực đó để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Cho đến bây giờ có thể nói, Mỹ là một nhân tố mà chúng ta chưa khai thác hết. Chuyến thăm này của Obama sẽ là cơ hội để chúng ta khai thác tốt hơn những tiềm lực đó.
Thứ nữa, là lợi ích an ninh. Mỹ và Việt Nam ngày nay có nhiều sự tương đồng về lợi ích, đặc biệt là lợi ích hoà bình, ổn định khu vực và thế giới. Mỹ hoàn toàn có thể giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát biển, năng lực kiểm ngư, xây dựng luật pháp.
Cuối cùng, lợi ích của sự ảnh hưởng. Mỹ muốn chúng ta ngày càng có vai trò lớn hơn trong ASEAN cũng như trong các tổ chức khác. Bởi vì, câu chuyện thành công của Việt Nam sẽ là những bài học được ghi tên, được nhắc đi nhắc lại trên trường quốc tế, là những bài học điển hình cho các nước Cuba, Myanmar.
Như thế giới vẫn biết, giới học thuật, học giả và truyền thông báo chí ở Mỹ hoạt động rất mạnh và sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, thì khi câu chuyện của Việt Nam được nhắc đến sẽ tạo uy tín rất cao cho chúng ta.
Còn Mỹ nhìn Việt Nam là một đất nước có nhiều tiềm năng phát triển, có thị trường lao động từ đó sẽ tạo thêm công ăn việc làm. Họ thấy nước Việt Nam hội nhập, tôn trọng luật pháp quốc tế mà bản thân họ có vai trò trong đó. Nói vậy để thấy rằng, trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục…họ đều có vai trò khi Việt Nam phát triển trên trường quốc tế.
Chủ động và độc lập mới không trở thành quân cờ
Việt Nam có thể chủ động tạo tâm thế như thế nào để tham gia vào cuộc chơi mà không bị xem như một quân cờ giữa các nước lớn, thưa ông?
Điều này đang diễn ra ngày hôm nay. Nếu để ý sẽ thấy khi Tổng thống Mỹ chuẩn bị đến thăm Việt Nam thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nga. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi đi Mỹ đã đón các lãnh đạo cấp cao và đi thăm Trung Quốc.
Những động thái đó là một thế cân bằng chiến lược động, nằm trong tính toán của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong quan hệ Việt Nam với các nước lớn.
Chiến lược đó giúp Việt Nam duy trì được thế chủ động, năng động và cân bằng chiến lược, tích cực can dự để xây dựng hình ảnh.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Tổng thống Obama. Ảnh: VOV |
Có nhiều ý kiến mong muốn rằng Việt Nam cần thực sự độc lập với các nước lớn trong suy nghĩ, trong hoạch định con đường phát triển. Không thụ động và không tư duy giải quyết lợi ích dân tộc theo chiến thuật, vụ việc mà cần có chiến lược ở một vị thế mới, đóng góp trí tuệ để là người chơi cờ chứ không phải là quân cờ. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Trong lĩnh vực đối ngoại, tôi nghĩ tư duy chủ động và độc lập đang diễn ra. Việc vừa đón ông Obama, chúng ta vừa có chuyến thăm Nga…để làm được điều đó là có sự chủ động nghiên cứu và tìm hiểu.
Cái khó nhất của Việt Nam là nguồn lực còn hạn chế. Nên nhiều khi giữa mong muốn và triển khai thực tế nó chưa được như ý. Vì thế, phải tranh thủ cơ hội không thể nào tốt hơn trong bối cảnh hiện nay để đưa đất nước phát triển.
Khi chúng ta có nhiều nguồn lực hơn để thực thi từ đó khoảng cách giữa mong muốn và triển khai sẽ rút ngắn hơn. Lúc đó, chắc chắn sẽ là độc lập thực sự. Còn khi ta vẫn đi nhận viện trợ thì khó mà độc lập được. Nhưng riêng trong chính sách đối ngoại, chúng ta luôn thể hiện tư duy độc lập.
Vì thế mà trong bối cảnh ngày hôm nay, chúng ta chấp nhận có những thiếu hụt như vậy để từng bước nâng cao năng lực, thu nhập nâng lên, khoảng cách giàu nghèo rút ngắn, chính phủ mạnh hơn, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ sắc sảo hơn.
Ông có thể nêu vai trò của Việt Nam trong việc gìn giữ an ninh, hoà bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới?
Vai trò của Việt Nam ngày càng tăng trong khu vực và trên toàn cầu.
Ở cấp độ khu vực, trong lĩnh vực song phương và đa phương chúng ta đóng góp vai trò ngày càng lớn hơn để duy trì hoà bình, an ninh và ổn định, các giá trị chuẩn mực trong khu vực. Cụ thể, đó là duy trì đoàn kết trong ASEAN.
Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam đang và ngày càng đóng góp nhiều hơn trong các hoạt động gìn giữ hoà bình, không chỉ trong Liên hiệp quốc. Ví dụ, Việt Nam cử các quan sát viên quân sự, công binh tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình. Trong các khuôn khổ khác như ASEAN - Liên Hiệp quốc, Việt Nam cũng là thành viên có tiếng nói nâng cao vai trò luật pháp quốc tế. Hay chúng ta cũng phát biểu mạnh trong ASEAN về vấn đề Trung Đông – Bắc Phi, hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, rồi những vấn đề trong an ninh an toàn hạt nhân.
Nền tảng của quan hệ Việt – Mỹ
Chúng ta nên thiết lập một nền tảng quan hệ giữa hai nước trong thế kỉ 21 này như thế nào, thưa ông?
Có bốn yếu tố thiết lập nên nền tảng.
Thứ nhất, là lòng tin chính trị. Rất mừng lòng tin chính trị ngày càng được củng cố vững chắc trong quan hệ Việt – Mỹ từ đầu thế kỉ 21 đến nay. Người Mỹ khi đến Việt Nam ngày càng có thiện cảm hơn. Lòng tin chính trị giữa nhà nước với nhà nước, nhân dân với nhân dân ngày càng tăng dẫn đến hiểu biết lẫn nhau cũng ngày càng nhiều hơn.
Thứ nữa, là về cơ chế. Ngày nay đã có nhiều cơ chế được hình thành. Chẳng hạn như đối thoại chiến lược, các cơ chế trao đổi đoàn để lãnh đạo cấp cao hai bên hiểu nhau, từ đó là nền móng thúc đẩy hai bên hợp tác.
Thứ ba, là thoả thuận hợp tác ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp. Nhiều về số lượng, đa dạng về lĩnh vực và loại hình, phức tạp hơn về nội dung. Phản ánh sự trưởng thành và chín muồi trong quan hệ.
Cuối cùng, là nguồn lực con người. Hiện nay chúng ta có số lượng lưu học sinh đông đảo, cộng đồng người Việt ở Mỹ ngày càng đông, năng động và có sự đóng góp trong việc phát triển quan hệ hai nước.
Phát triển quan hệ Việt – Mỹ đáp ứng được lợi ích của đôi bên, kể cả của những người trước đây đã từng ở phía bên kia. Trong ASEAN, hiện nay Việt Nam có số lượng lưu học sinh lớn nhất ở Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Từ đó sẽ có những thế hệ người Việt mới thiện cảm, thông thạo tiếng Anh, hiểu văn hoá Mỹ. Sẽ có một ngày họ trở thành những người lãnh đạo đất nước.
Đó là những nền tảng rất quan trọng để định hình tương lai hợp tác của hai nước. Xây dựng nền tảng là việc không thể diễn ra nhanh trong một sớm một chiều.
Lan Anh thực hiện
* Một cơ hội chưa từng có cho Việt Nam
* Con đường độc đạo mà Việt Nam phải theo
* Việt-Mỹ: Có những điều hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng
* Mùi củi cháy ở Việt Nam và những "kẻ điên rồ" nước Mỹ
* Tôi thực sự choáng trước dự thảo "sặc mùi Mỹ"
* Việt-Mỹ: Cơ duyên ít biết và sự trớ trêu của lịch sử