Từ đó mới có một nghịch lý: các trường quốc tế được hưởng những quy chế đặc biệt mà các trường trong nước nằm mơ cũng không có được trong khi những quy chế đặc biệt đó nếu trao cho trường trong nước sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực chẳng kém gì.
Một trường quốc tế có thể cử một người không có bằng tiến sĩ, chưa một ngày đi dạy nhưng có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp làm hiệu trưởng. Bởi họ quan niệm vai trò của người này là “phát triển” nhà trường với tầm nhìn vươn ra xã hội, các đối tác khác, lo các dự án khác; chuyện chuyên môn sẽ có người khác trong ban giám hiệu lo.
Trường trong nước không đời nào làm được điều đó vì Luật Giáo dục đại học nói rõ: hiệu trưởng trường đại học phải có bằng tiến sĩ, đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất năm năm!
Trong khi các trường đại học trong nước loay hoay tìm cách cắt giảm chương trình, chuyển sang đào tạo theo tín chỉ để sinh viên có được những kỹ năng giúp họ ra trường là có thể làm việc ngay, tìm được việc ngay thì các trường quốc tế hoàn toàn được chủ động, bỏ các môn theo họ là vô bổ, tự sắp xếp chương trình… Các trường trong nước tìm cách dạy các môn này theo hướng hữu dụng, có tìm tòi, tranh cãi cũng đã khó rồi, nói gì bỏ hẳn.
Trường quốc tế muốn tuyển sinh sao cho có hiệu quả cao nhất thì cứ thế tiến hành, dù thi tuyển hay xét điểm thi do bên thứ ba tổ chức, phỏng vấn, đọc bài luận hay kể cả nộp tiền vô học đều được hết. Trường trong nước cứ loay hoay tuyển chung, tuyển riêng, thi chung thi riêng và chưa biết bao giờ được quyền hoàn toàn chủ động trong công tác tuyển sinh.
Chẳng lạ gì nếu bây giờ và sau này đầu ra các trường quốc tế được khối đầu tư nước ngoài săn đón còn đầu ra các trường trong nước bị doanh nghiệp than phải đào tạo lại mới sử dụng được.
Ở đây phải nói rõ chúng ta ủng hộ cho những cơ chế đặc biệt trao cho các trường đại học quốc tế để chúng có thể tạo ra những bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Suy cho cùng đó cũng chỉ là những thông lệ bình thường của quốc tế chứ không phải điều gì to tát cho lắm.
Thậm chí, dư luận nhiều lúc còn lên tiếng hỗ trợ cho các trường quốc tế khi họ gặp những khó khăn, ví dụ quy định chỉ được tuyển tối đa 20% học sinh Việt Nam (trường trung học phổ thông không quá 20%, trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10%) hay quy trình thủ tục nhiêu khê khi thành lập.
Điều đáng nói là vì sao không thay đổi lối suy nghĩ, tháo gỡ các ràng buộc không phù hợp với thực tế mà ai cũng biết cho các trường Việt Nam trước, chứ không cần phải trao cho trường quốc tế trước như những “ưu đãi” hấp dẫn họ. Cách suy nghĩ này đã “phát huy tác dụng” trong nông nghiệp với việc tháo khoán cho nông dân nhưng lại chưa hiện diện trong sản xuất kinh doanh và càng không trong giáo dục. Tại sao phải kỳ vọng vào một dự án giáo dục nước ngoài sẽ quay lại thúc đẩy sự đổi mới của giáo dục trong nước? Tại sao không chủ động đổi mới chính giáo dục trong nước trước?
Thử nhìn lại cách đối xử với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Rõ ràng doanh nghiệp FDI có những ưu đãi mà doanh nghiệp trong nước “nằm mơ cũng không thấy” như tiếp cận đất đai nhưng quan trọng nhất vẫn là sự “miễn nhiễm” thái độ sách nhiễu thường thấy ở địa phương đối với doanh nghiệp tư nhân, không thuộc dạng “thân hữu”.
Kết quả chỉ sau hai mươi năm, khối FDI ngày càng lớn mạnh và hiện đang lấn lướt doanh nghiệp trong nước, từ xuất nhập khẩu đến cả sản xuất hàng tiêu dùng.
Không lẽ bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục cách làm đó với khu vực giáo dục hay cả y tế để rồi nước ngoài sẽ phát triển việc đào tạo nhằm phục vụ một cách hữu hiệu cho chính nhu cầu của các FDI. Các trường trong nước vẫn sẽ giậm chân tại chỗ vì nhu cầu của giới doanh nhân trong nước cũng giậm chân tại chỗ!
Theo Nguyễn Vũ/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt