Những đề xuất của Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM là hợp xu thế. Nhưng giáo dục ở TP.HCM sẽ vận hành ra sao trong mối quan hệ với giáo dục chung của cả nước? Địa phương khác có “xin” được “cơ chế đặc thù” giống như TP. HCM không? 

LTS: Mới đây, sở GD-ĐT TP.HCM đã kiến nghị lên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ những cơ chế đặc thù tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với lãnh đạo TP.HCM. Bí thư thành ủy Đinh La Thăng cũng cho rằng TP.HCM là đô thị đặc biệt, các cơ chế, chính sách giáo dục ở đây mà thành công thì nhân rộng ra cả nước sẽ thành công.

Nền giáo dục Việt Nam vẫn đang đứng trước yêu cầu đổi mới gay gắt. Nhưng liệu những bước đi mang tính phá cách có dễ dàng trong cả một guồng máy như hiện nay? Trở ngại nào đặt ra và làm sao để tháo gỡ? Làm thế nào để “đặc thù” thành phổ biến?...

Loạt bài “TP. HCM xin cơ chế đặc thù giáo dục” của Tuần Việt Nam hy vọng chạm được đến những vấn đề ban đầu này, để mở ra những thảo luận, kiến giải.

Thực chất của “đặc thù” 

Giáo dục Việt Nam hiện tại đang ở trong cuộc cải cách lớn lần thứ 4 tính từ năm 1945 đến nay. Tuy nhiên, cho dù mặc định những gì được thiết kế trong đề án cải cách là hoàn hảo đi chăng nữa, công cuộc cải cách giáo dục lần này cũng sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn lớn trong đó có những vấn đề trở ngại có “tính lịch sử”.  

Một trong số đó là hệ thống hành chính giáo dục mà ở ta quen gọi là bộ máy quản lý giáo dục mang nặng tính trung ương tập quyền. Trong điều kiện thông thường, sẽ chỉ có những người giáo viên vốn nằm ở “thang bậc dưới cùng” trong mô hình quản lý giáo dục hình tháp cảm nhận được sức nặng và lực cản của nền hành chính giáo dục này.  

Tuy nhiên, khi cải cách giáo dục trên quy mô lớn bắt đầu và gia tăng tốc độ để hướng đến xây dựng nền giáo dục hiện đại, hòa nhập với thế giới, như một nghịch lý, chính những người ở cơ quan quản lý giáo dục chịu trách nhiệm điều hành cải cách sẽ lại vấp phải những trở ngại từ bộ máy hành chính giáo dục ấy.  

Hiện tượng “TP.HCM đề xuất quyền tự quyết lớn về giáo dục” với tám đề nghị cụ thể đối với Bộ GD&ĐT là một ví dụ điển hình minh chứng cho điều trên.  

Tám đề xuất do Sở giáo dục và đào tạo TP. HCM đưa ra trải rộng từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Nội dung của nó cũng bao trùm nhiều lĩnh vực của giáo dục từ cơ chế quản lý, nội dung cách thức biên soạn chương trình, sách giáo khoa đến kiểm tra đánh giá học sinh…  

Tuy nhiên, nhìn một cách khái quát thì thấy tất cả những đề xuất trên đều xuất phát từ những vướng mắc trong cơ chế vận hành của nền hành chính giáo dục. Những điều mà Sở giáo dục và đào tạo TP. HCM “xin” đó thực chất là những gì thuộc về công việc hàng ngày của các cơ quan hành chính giáo dục địa phương và trường học.  

{keywords}

Những đề xuất của Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM là hợp xu hướng. Ảnh minh họa: Đinh Tuấn

Trên thế giới, chuyện các trường học tự chủ quyết định nội dung chương trình, đánh giá học sinh… không phải là điều gì hiếm hoi, khó hiểu. Ngay cả ở Nhật Bản, một nước mà giáo dục ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong cách Á Đông, ngay từ đầu thời Minh Trị thế kỉ XIX đã chấp nhận sự tự chủ, tự do của các trường học và giáo viên trong việc xây dựng chương trình, biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa.  

Sau một thời gian dài bị gián đoạn, đến năm 1947, cơ chế “kiểm định sách giáo khoa” tại Nhật lại được tái lập. Trong cơ chế này, mặc dù bộ giáo dục vẫn nắm quyền thẩm định và đưa ra quyết định cuối cùng xác định bản thảo nào trở thành SGK, giáo viên vẫn có quyền lựa chọn các SGK đã được công nhận và tự chủ lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với trường mình.  

Có thể nói một cách ngắn gọn, “cơ chế đặc thù” mà Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM muốn “xin” chính là cơ chế hành chính giáo dục dân chủ và phân quyền tôn trọng tính tự chủ của các địa phương và trường học.  

Biến “đặc thù” thành phổ biến

Những đề xuất của Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM là hợp lý, phù hợp với xu hướng của thế giới và nếu như được chấp nhận, nó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho giáo dục thành phố cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu như chỉ một mình TP.HCM được hưởng quy chế này thì sẽ thế nào? Giáo dục ở TP.HCM sẽ vận hành ra sao trong mối quan hệ với giáo dục chung của cả nước? Những địa phương khác có “xin” được “cơ chế đặc thù” giống như TP. HCM hay không?  

Tôi cho rằng, ngay cả trong trường hợp TP.HCM có được “cơ chế đặc thù” này thì trong quá trình vận hành để cải cách, giáo dục thành phố cũng sẽ vấp phải những lực cản vô hình và hữu hình. Bản chất của hành chính giáo dục là tạo ra môi trường tốt nhất cho hoạt động giáo dục, muốn các hoạt động giáo dục diễn ra thuận lợi thì trước hết hành chính giáo dục phải chuyển động.

Giáo dục TP.HCM là một “mắt xích” trong cỗ máy giáo dục quốc gia, vì thế nếu bộ máy hành chính giáo dục quốc gia không có sự thay đổi, không sớm thì muộn, “cơ chế đặc thù” của thành phố cũng sẽ bị thu hẹp hoặc không phát huy được hiệu quả.  

Hành chính giáo dục phân quyền là một nguyên lý có tính phổ biến của giáo dục hiện đại. Nguyên lý này đảm bảo tính dân chủ của giáo dục. Khi dân chủ được đảm bảo mới hạn chế được ở mức tối đa sự can thiệp vô lý của các cơ quan hành chính giáo dục vào nghiệp vụ chuyên môn của các trường và giáo viên. Trong môi trường giáo dục thuận lợi, người giáo viên mới có thể có được trạng thái tinh thần thoải mái và hưng phấn để làm công việc giáo dục.  

Vì vậy, điều cần thiết phải làm hiện nay không phải là đưa ra một “cơ chế đặc thù” nào đó cho một vài địa phương mà là xây dựng một nền hành chính giáo dục dân chủ, tạo thuận lợi cho công cuộc cải cách giáo dục đang diễn ra. Hay nói một cách khác, là phải biến “cơ chế đặc thù” nói trên thành cơ chế có tính phổ biến chung cho toàn quốc.  

Trong quá trình thực hiện cải cách giáo dục lần thứ tư này, những kế hoạch đưa ra có được thực hiện hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc cải cách hành chính giáo dục. “Dạy học phát triển năng lực” và cơ chế “một chương trình - nhiều SGK” là hai điểm nhấn quan trọng của đề án cải cách. Tuy nhiên cả hai sẽ trở thành hình thức khi quyền tự chủ, tự quyết định của các cơ quan hành chính giáo dục địa phương, các trường và giáo viên - nhân tố quan trọng nhất trong cải cách không được đảm bảo.  

Muốn cải cách hành chính giáo dục thành công thì các động thái cải cách phải bắt đầu từ chính cơ quan hành chính giáo dục cao nhất là Bộ giáo dục và đào tạo. Không phải ngẫu nhiên trong cuộc cải cách giáo dục thời hậu chiến sau 1945, Nhật Bản đã cải cách đồng thời cả cơ cấu tổ chức và vận hành của bộ giáo dục và hệ thống hành chính giáo dục địa phương. Bài học kinh nghiệm đó rất hữu ích cho Việt Nam trong quá trình cải cách giáo dục hiện nay. 

Nguyễn Quốc Vương