- “Sử dụng xe tư gắn biển xanh là sai phạm rồi. Sai phạm này không chỉ một mình ông Trịnh Xuân Thanh, mà còn nhiều cơ quan chức năng khác liên đới. Việc cấp biển số xanh không thể một mình ông Thanh làm được”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa lên tiếng. 

* Vụ xe Lexus gắn biển xanh: Những bất thường trong điều chuyển nhân sự
* Chiếc Lexus gắn biển xanh và nhóm lợi ích thân hữu

PV: Thưa ông Trương TrọngNghĩa, dư luận xã hội đang dõi theo việc thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư, các cơ quan chức năng không chỉ kiểm tra việc Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe Lexus tư gắn biển xanh mà còn làm rõ nhiều nội dung khác. Là môt ĐBQH, ông bình luận như thế nào về chuyện này?

Sử dụng xe tư gắn biển xanh là sai phạm rồi.

Sai phạm này không chỉ một mình ông Trịnh Xuân Thanh, mà còn nhiều cơ quan chức năng khác liên đới.

Việc cấp biển số xanh không thể một mình ông Thanh làm được. Tuy nhiên, sai phạm này xét về luật pháp chỉ ở một mức độ nhất định thôi. Quan trọng hơn, một lãnh đạo tỉnh cao như vậy thì không nên có sai phạm này.

Câu chuyện này sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Nhân dân sẽ nhìn vào và nói rằng chỉ có ông mới có điều kiện làm như vậy, chứ dân thường thì làm sao làm được. Các cơ quan chức năng khác như Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Hậu Giang rồi Sở Công An, Sở Tư pháp đâu rồi, tại sao lại để xảy ra sai trái đó, từ đó sẽ làm mất uy tín của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Báo chí cũng có nêu lên câu chuyện quá trình công tác của ông từ các chức vụ khác nhau, nhưng tôi cho rằng việc sử dụng xe Lexus tư gắn biển xanh và quá trình công tác của ông là hai câu chuyện khác nhau.

Về những nội dung khác mà báo chí đã nêu, với cương vị của ông ấy là một cán bộ Đảng cao cấp, thì việc Tổng bí thư chỉ đạo như vậy nhân dân sẽ hết sức hoan nghênh.  Điều đó cho thấy Đảng không chỉ nói mà còn làm, theo tinh thần của Đại hội Đảng XII.

PV: Dư luận xã hội cho rằng, chuyện xe tư gắn “biển xanh” chỉ mới là một góc vấn đề.  Là một ĐBQH từng có nhiều chất vấn nảy lửa về các vấn đề quan trọng của đất nước, ông nói gì về điều này? 

Một khi chưa có điều tra chính xác thì không nên nói chung chung như vậy. Cho dù có dấu hiệu gì đáng ngờ thì chúng ta vẫn phải dựa trên cơ sở luật pháp. Luật pháp luôn phán xử dựa trên chứng cứ, mà muốn có chứng cứ thì phải xác minh rõ rang.

Do đó, khi chưa có chứng cứ rõ rang thì không nên vội kết luận. Lâu nay quá trình đề bạt, xử lí hay cách chức… một vị lãnh đạo tỉnh đều phải có quy trình.

Việc thuyên chuyển, đề bạt một cán bộ cao cấp như vậy phải theo quy trình tổ chức của các cơ quan trung ương của Đảng và nhà nước. Mọi quy trình đều có thể có sai sót, nhưng khi chưa điều tra, xác minh và có kết luận chính xác thì không nên khẳng định.

PV: Dường như xe tư gắn “biển xanh” không chỉ duy nhất trường hợp Phó Chủ tịch Hậu Giang như báo chí đang phản ảnh, có phải không, thưa ông?

Như đã nêu, xe tư nhân gắn biển số xanh hay đỏ, là biển số quy định cho xe của nhà nước, đều vi phạm luật. Mọi hành vi vi phạm luật pháp đều phải được chấm dứt và ngăn chặn. Các cơ quan cấp biển số phải chấn chỉnh việc này.

heo tôi, qua những gì báo chí đã nêu thì có hai câu chuyện khác nhau. Chuyện ông này đi xe Lexus gắn biển xanh là một chuyện, còn đặt vấn đề trong quá khứ ông từng có những vi phạm mà chưa xử lí, lại còn đề bạt lên chức vụ cao hơn thì lại là chuyện khác.

PV: Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân vào cuộc, đã phần nào cho thấy mức độ quan trọng của vấn đề, có đúng không?

Báo chí đã nêu, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, nhân dân và cử tri đang chờ đợi các cơ quan chức năng của Đảng và nhà nước làm rõ.

Việc bổ nhiệm, quản lý, xử lý cán bộ cao cấp đều thuộc thẩm quyền của Đảng. Nghị quyết và các quy định của Đảng cũng rất cụ thể và rõ ràng. Nên để cho các cơ quan của Đảng điều tra, xác minh và kết luận chuyện này.

Nếu kết luận là có vi phạm luật pháp thì xử lý theo luật pháp.Nếu không vi phạm, hoặc vi phạm ở mức không cần xử lý kỷ luật thì cũng phải kết luận và thông tin cho nhân dân rõ, và cũng tạo điều kiện cho cán bộ làm việc.

Bài học rút ra là: càng chức cao quyền trọng thì càng phải gương mẫu. Một sai phạm nhỏ, lần đầu, nếu là dân thường thì chỉ cần nhắc nhở, cảnh cáo, nhưng với cán bộ cao cấp thì phải xử nghiêm, chí ít cũng phải nhận lỗi. Làm được như vậy thì  mới khôi phục và củng cố được niềm tin của nhân dân vào lãnh đạo. Dân tin thì chế độ mới vững.

PV: Cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Lan Anh thực hiện