Hưởng sự hậu thuẫn từ Mỹ nhưng không ngả vào quỹ đạo của Mỹ, đồng thời vẫn gây áp lực được lên các đối thủ của Ấn Độ chính là những bước đi tài tình về ngoại giao mà người Ấn đang thi hành. 

Chuyến chuyến thăm chính thức lần thứ 2 của Thủ tướng Ấn Độ Modi đến Mỹ hồi đầu tháng 6 trên thực tế là một cách hồi đáp lại sự nhiệt tình của Tổng thống Obama khi đã hai lần đến thăm chính thức Ấn Độ trong cùng một nhiệm kỳ. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong chính sách “xoay trục” của Mỹ và những bước đi chủ động từ siêu cường này nhằm lôi kéo Ấn Độ theo quỹ đạo.                  

Mỹ trải thảm đỏ  

Việc Ấn Độ được đồng ý trở thành thành viên Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) ngay trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Modi là một bước tiến lớn trong quá trình trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân của người Ấn.  

Sự hậu thuẫn quan trọng từ Mỹ trong quyết định này dường như đã tạo ra một ngoại lệ mới, khi Ấn Độ là quốc gia hiếm hoi tham gia MTCR mà chưa ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT). Bỏ qua không ít quy định của luật quốc tế, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ và vận động ngoại giao để Ấn Độ trở thành thành viên Nhóm các nước cung ứng hạt nhân (NSG).  

Cuối tháng 5/2016, Quốc hội Mỹ cũng tiến hành thảo luận về việc nâng cấp quy chế đối tác của Ấn Độ ngang hàng với các đồng minh quan trọng của Mỹ (như các thành viên NATO) và sẽ có kết quả sau chuyến thăm của ông Modi. Các chính sách ưu đãi của Mỹ vì thế không chỉ hướng đến quan hệ thông thường với Ấn Độ vì đây là nền dân chủ đông dân nhất, đồng thời cũng đang là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, mà trên thực tế, Mỹ đang vận động để Ấn Độ gia nhập hệ thống đồng minh của họ.

{keywords}

Thủ tướng Narendra Modi (giữa) với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) trong chuyến thăm của ông Modi. Ảnh: AP

Lựa chọn của người Ấn: Tự lực cánh sinh 

Trong Tuyên bố chung Mỹ - Ấn ngày 7/6, hai cường quốc đã đạt được đồng thuận về một số các vấn đề hoàn toàn nằm trong phạm vi lợi ích quốc tế, và các lợi ích song phương cơ bản. Nhân nhượng lớn nhất của chính phủ Ấn Độ nằm ở việc nước này đồng ý chia sẻ với Mỹ về hậu cần quân sự (LEMOA), từ đó cho phép quân đội Mỹ được sử dụng các căn cứ hải quân của Ấn Độ để tiếp liệu và sửa chữa.  

Đây là một lợi thế rất lớn của hải quân Mỹ vì Ấn Độ đang mở rộng hệ thống cảng biển trải dài tuyến đường từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. 

Thủ tướng Modi đến Mỹ sau khi chuyến thăm Thụy Sĩ, và sẽ đến Mexico sau đó. Cả 3 nước này đều là các thành viên của Nhóm các quốc gia cung ứng hạt nhân (NSG). Qua đó có thể thấy Ấn Độ không phụ thuộc vào hậu thuẫn của Mỹ, mà tự tiến hành các vận động ngoại giao của riêng mình để đạt được mục tiêu mong muốn. 

Đối với quy chế đồng minh và Quốc hội Mỹ đang vận động để trao cho Ấn Độ, trong điều 17 của Tuyên bố chung Mỹ - Ấn, Ấn Độ chỉ ghi nhận thành ý đơn phương từ phía Mỹ. Năm 2004, Ấn Độ đã từng từ chối quy chế tương tự và muốn được đối xử bình thường như những quốc gia khác.  

Ấn Độ cũng chỉ đồng ý nhắc đến các hoạt động quân sự chung nhằm mục đích diễn tập, huấn luyện và cứu trợ nhân đạo trong Tuyên bố chung, hoàn toàn không nhắc đến việc sẽ tiến hành tuần tra chung với quân đội Mỹ ở bất kỳ khu vực nào.  

Nói cách khác, trước những ưu đãi nhằm xây dựng quan hệ liên minh của người Mỹ, Ấn Độ luôn duy trì nhất quán chính sách độc lập. Là thành viên sáng lập của phong trào Không Liên kết, đồng thời tuân thủ đúng theo đường lối “bất bạo động” truyền thống, Ấn Độ luôn nhận thức được giá trị của việc phải “tự lực cánh sinh” trong chiến lược nâng cao sức mạnh quốc gia, trong đó mọi sự hậu thuẫn bên ngoài chỉ mang tính hỗ trợ, cho dù đó là cường quốc hàng đầu như Mỹ.  

Áp lực từ người láng giềng Trung Quốc 

Tuyên bố chung giữa Mỹ và Ấn Độ tuy không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng có nhiều điểm liên quan đến cạnh tranh Ấn – Trung. Ấn Độ và Mỹ chia sẻ nhận thức chung về việc đảm bảo an ninh trên bộ, trên biển, trên không, không gian vũ trụ và không gian mạng, đồng thời lần đầu tiên mở ra các Đối thoại về an ninh hàng hải nhằm chia sẻ các thông tin hàng hải cần thiết.  

Việc chia sẻ dữ liệu hàng hải giữa Ấn và Mỹ sẽ khiến cho Trung Quốc lo ngại, vì Ấn Độ đã hoàn thành hệ thống radar do thám khắp Ấn Độ Dương và trong tương lai sẽ xây dựng trạm radar của ASEAN ở Việt Nam[1] để quan sát biển Đông. Có thể hiểu, trong tương lai gần, bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc trên tuyến đường từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương đều nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ và Ấn Độ. 

Sự chia sẻ về công nghệ quân sự, dưới thỏa thuận hỗ trợ của Mỹ cho chiến dịch “Make in India” của Ấn Độ qua sáng kiến về công nghệ quốc phòng và thương mại (DTTI), đã mở ra cho Ấn Độ thêm nhiều khả năng mới trong các hợp tác sản xuất vũ khí. Điều này sẽ gây áp lực lên các chính sách quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt ở các vùng biên giới đang tranh chấp với người Ấn. 

Ở điều 44 trong Tuyên bố chung, việc Ấn – Mỹ muốn hợp tác cùng gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi, thông qua các Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Phi và Ấn – Phi hoặc một hội nghị ba bên trong tương lai gần. Điều này cũng gây áp lực lớn đến các ảnh hưởng Trung Quốc đang xây dựng tại châu Phi, đặc biệt trong Dự án Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (MSR). 

Ngoài ra, trong những diễn biến khác, Ấn Độ tuy không bàn trực tiếp về vấn đề biển Đông trong chuyến thăm Mỹ, nhưng Ấn Độ đang tăng cường hiện diện quân sự và đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước nhỏ trong vùng biển này. Ngày 30/05/2016, đội tàu chiến của Ấn Độ đã cập cảng Cam Ranh của Việt Nam và tiến hành chuyến thăm hữu nghị, mở đường cho chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đến Việt Nam vào đầu tháng 6/2016. 

Như vậy, Ấn Độ dù “không liên minh” nhưng đang dần dần mở rộng các vành đai “đa liên kết”. Hưởng sự hậu thuẫn từ Mỹ nhưng không ngả vào quỹ đạo của Mỹ, đồng thời vẫn gây áp lực được lên các đối thủ của Ấn Độ chính là những bước đi tài tình về ngoại giao mà người Ấn đang thi hành.

Lục Minh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, thành phố Hồ Chí Minh.

 -------

[1] India’s Satellite Monitoring Facility in Vietnam Upsets China, indiandefencereview.com, 30 Jan, 2016.