Người ta đẩy công tác luân chuyển như một phong trào. Tổng bí thư đã dùng từ: “chạy luân chuyển” là đủ cho thấy chuyện này nghiêm trọng tới mức nào. 

LTS: Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV ngoài việc  báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, còn có một nhiệm vụ quan trọng là kiện toàn các vị trí nhân sự chủ chốt cho nhiệm kỳ mới. Xung quanh công tác cán bộ luôn thu hút sự quan tâm của công luận, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Từng giữ trọng trách Phó Ban tổ chức Trung ương, ông bình luận như thế nào về công tác cán bộ, về chuyện luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đang được dư luận quan tâm bàn thảo hiện nay?

Những câu chuyện này cho thấy công tác cán bộ vẫn còn nhiều điều đáng suy nghĩ và cần tiếp tục giải quyết.

Thứ nhất, việc lựa chọn người để bố trí công tác cán bộ cần được làm tốt hơn nữa.

Việc chọn một người từng điều hành một đơn vị, liên tiếp làm ăn thua lỗ, đề bạt về một địa phương với một vị trí cao hơn, lại nằm trong diện cán bộ qui hoạch như báo chí đã nói cho thấy vẫn còn lỗ hổng rất lớn về công tác cán bộ.

Giờ sự thể ồn ào cả nước biết thế này, các cơ quan có trách nhiệm phải xem xét xử lý. Đây là trách nhiệm của nhiều cơ quan.

Những chuyện này cũng cho thấy, có dấu hiệu tiêu cực trong công tác cán bộ. Một nhân sự được điều chuyển loanh quanh từ cơ quan này đến cơ quan khác như những gì báo chí đã nói không khỏi khiến cho người ta không đặt câu hỏi liên quan đến chuyện tiêu cực không.

{keywords}
Ông Lê Quang Thưởng

Ông có nhớ trường hợp nào điển hình cho thấy công tác cán bộ được làm theo cách điều chuyển loanh quanh?

Có trường hợp một đồng chí con của một lãnh đạo cao cấp học hành bình thường, đi xuất khẩu lao động về và được cất nhắc vào các vị trí quan trọng.

Luân chuyển cán bộ là một khâu bình thường của công tác cán bộ. Từ ngày có Đảng, ta đã làm. Những nhân vật lớn như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… đều đã luân chuyển qua nhiều vị trí công tác khác nhau do sự luân chuyển cán bộ, nhưng đều có định hướng rất rõ ràng. Mục đích của công tác luân chuyển là vì yêu cầu công tác của Đảng và Nhà nước và có định hướng qui hoạch rất rõ ràng.

Còn bây giờ người ta cho rằng luân chuyển là để đào tạo bồi dưỡng kinh nghiệm thực tế, đó là quan niệm chưa đúng.

Văn kiện của Trung ương Đảng cũng nêu ý kiến này: “Luân chuyển cán bộ vì yêu cầu công việc. Vì sự luân chuyển ấy mà người cán bộ được luân chuyển có thêm kinh nghiệm thực tiễn ở các ngành, địa phương khác nhau”. Một người làm doanh nghiệp mà luân chuyển về một vùng thuần nông thì có hợp lý không?

Trong thực tế, động thái luân chuyển phải xuất phát từ nhiệm vụ công việc, chứ không phải từ nhu cầu của cá nhân cán bộ. Và đó mới là mục đích chính của việc luân chuyển, chứ quyết không phải mục tiêu là “đầu tiên”. Nghị quyết của Bộ Chính trị viết rõ như thế, Ban tổ chức Trung ương cũng nói rõ như thế. Từ đây, người ta đẩy công tác luân chuyển như một phong trào. Tổng bí thư đã dùng từ: “chạy luân chuyển” là đủ cho thấy chuyện này nghiêm trọng tới mức nào.

Không phủ nhận, nhiều cán bộ sau khi được luân chuyển thì tốt hơn, phát huy tác dụng nhưng cũng có nhiều người, sau khi luân chuyển lại trở nên mờ nhạt. Cho nên nếu đưa vấn đề luân chuyển cán bộ như một phong trào là sai, cái này cần phải rốt ráo chấn chỉnh.

“Chạy luân chuyển” cũng có thể hiểu là “mua quan bán chức” đúng không?

Tổng bí thư nói rồi đấy, có hiện tượng muốn được luân chuyển thì phải lo lót nhờ vả.

Cám ơn ông đã dành thời gian.

Hoàng Hường -  nhóm PV