Về lâu dài, Formosa còn phải tiếp tục xem xét đóng góp vào việc khôi phục hệ sinh thái, ngôi nhà chung của sinh vật biển.

Vụ ô nhiễm và cá chết hàng loạt ven biển miền Trung làm cho cả xã hội đau vì tổn thất bất ngờ, quá lớn. Nhưng cái gì phải đến đã đến. Chính phủ đã tổ chức họp báo chiều ngày 30/6 công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung vừa qua là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa.

Tầm nhìn và lựa chọn chiến lược phát triển

Qua vụ việc này, có thể thấy rõ bệnh tham bát bỏ mâm - tư duy nhiệm kỳ rất rõ. Thấy dự án lớn, mang lại tăng trưởng GDP cao (một giá trị mơ hồ) thì nhiều địa phương sẵn sàng hy sinh những giá trị khác. Trong nghị quyết của các kỳ đại hội đảng bộ địa phương, tăng trưởng GDP vẫn luôn được coi như một chỉ tiêu quan trọng nhất. Ngoài ra, sự mau mắn của thủ tục cùng với ưu ái quá mức khiến công luận không thể không nghi ngờ.

Rõ ràng chủ trương đầu tư ở đây là vấn đề lớn nhất. Và cách xử lý các tình huống khi xảy thảm họa cá chết cũng có nhiều vấn đề đáng nghĩ.

Phản ánh của báo chí cho thấy một loạt các quy định pháp luật bị "qua mặt" một cách dễ dàng và quá đáng. Quản lý nhà nước trở thành thiếu trách nhiệm.

Mọi việc chỉ trở nên minh bạch và quyết liệt hơn khi có sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ TNMT, Bộ KHCN và các cơ quan chức năng đã tiến hành bài bản tìm tra nguyên nhân và thủ phạm trên cơ sở khoa học và pháp lý.

17 giờ ngày 30/6 trong cuộc họp báo của Chính phủ, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã công khai nhận lỗi gây ra sự cố cá chết ở 04 tỉnh miền Trung vừa qua, công khai xin lỗi chính quyền và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là hứa hẹn khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại về kinh tế cho người dân, xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường. Cam kết nếu tái diễn vi phạm sẽ bị chế tài theo luật pháp của Việt Nam, v.v…

{keywords}

Ngư dân Cảng Gianh, Quảng Bình đang làm việc trên các tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh: Hải Sâm

Bài học về công khai, minh bạch

Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm và cách hành xử ở các nước tiên tiến, mỗi khi xảy ra thảm họa do yếu tố tự nhiên hay hoạt động của con người, nhà cầm quyền phản ứng rất nhanh, tổ chức cứu nạn, điều tra kịp thời về nguyên nhân, đưa ra giải pháp trước mắt và  lâu dài, đồng thời công khai minh bạch các thông tin đến dân chúng.

Thứ 2, cần rà soát đánh giá nâng cấp 03 hệ thống xử lý nước thải: Sinh hoạt, sinh hóa và công nghiệp theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đối với hệ thống xử lý nước thải của nhà máy thép theo tiêu chuẩn của ngân hàng thế giới (WB1) như VN đã làm, cần tiếp tục cập nhật, bổ sung đáp ứng được theo tiêu chuẩn của WB2.

Không chỉ chủ động giám sát nước thải mà còn phải giám sát cả chất thải rắn và không khí do hoạt động của Formosa ra môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Chủ đầu tư phải nâng cao đạo đức môi trường kết hợp với các giải pháp giám sát thông minh, chặt chẽ của các cơ quan chức  năng VN để không tái phạm thảm họa như vừa qua.

Sử dụng đích đáng, hiệu quả số tiền đền bù 500 triệu USD theo từng hạng mục cam kết. Tiền đền bù dành cho người dân bị hại trực tiếp và gián tiếp phải công khai, minh bạch đến tận tay những người được thụ hưởng.

Về lâu dài, Formosa còn phải tiếp tục xem xét đóng góp vào việc khôi phục hệ sinh thái môi trường biển, nhất là rạn san hô, ngôi nhà chung của sinh vật biển.

Xin lỗi, đền bù là bài học đắt giá cho Formosa nhưng không gì bù đắp được là hồ sơ lại thêm vết đen về thảm họa môi trường từ Vũng Áng. Muốn tồn tại an toàn, thảm họa không lặp lại thì những công đoạn, công nghệ của Fomosa có khuyết điểm phải sửa chữa, thay thế.

Chế độ kiểm tra, giám sát của các bên có liên quan phải được khắc phục. Những quy định mang tính chế tài của Việt Nam còn sơ hở phải được bổ sung, sửa đổi. Vai trò giám sát của người dân và báo chí cần được khuyến khích, tạo điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp để chế độ thực sự là của dân và vì dân.

Tô Văn Trường