Về vấn đề này, Giáo sư Long khẳng định: “Chính Tòa công luận sẽ đóng vai trò quan trọng giúp thực thi phán quyết”.

Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (sau đây gọi tắt là Tòa) đã ra phán quyết về vụ kiện Phi-líp-pin - Trung Quốc liên quan đến những khía cạnh thực thi và giải thích Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, nhất là trong giới học giả nghiên cứu về tình hình Biển Đông.

Trong cuộc trao đổi qua thư điện tử với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine (Mỹ) cho biết, khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)-Ban thư ký của vụ kiện công bố thông cáo báo chí và nội dung phán quyết của Tòa về vụ kiện, ông đã ngay lập tức dành thời gian đọc chi tiết toàn bộ các văn bản trên.

Theo ông, điểm đáng chú ý trong phán quyết của Tòa là việc Tòa bác bỏ “các quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn” (tức đường lưỡi bò) của Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc dùng lập luận “các quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn” để yêu sách về các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển trên Biển Đông là phi pháp. Giáo sư Long nhấn mạnh, phán quyết của Tòa cũng cho thấy, Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản của luật quốc tế mà nước này đã ký kết trước đó.

{keywords}
Một phiên tranh tụng về vụ kiện. Ảnh: Rappler 

Về phần mình, Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, phán quyết của Tòa đưa ra là căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế và “là một dấu mốc lớn đối với việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông”.

“Phán quyết của Tòa đã góp phần thu hẹp hết sức đáng kể các khu vực có thể bị coi là tranh chấp. Phần lớn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây và Việt Nam từ nay không còn bị coi là vùng tranh chấp nữa và do đó, các nước này có toàn quyền tài phán tại các EEZ đó”, Giáo sư Alexander Vuving nhận định trong cuộc trao đổi qua thư điện tử với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

“Đường 9 đoạn” của Trung Quốc không chỉ chồng lấn với EEZ và thềm lục địa của Phi-líp-pin mà còn chồng lấn cả với thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Do đó, phán quyết của Tòa không những có lợi cho Phi-líp-pin mà còn có lợi cho cả Việt Nam. “Căn cứ vào phán quyết của Tòa thì EEZ của Việt Nam tính từ bờ biển không chồng lấn với quốc gia nào. Việt Nam có cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động khai thác tại đây, nơi mà trước đây Trung Quốc thường cho phương tiện ra xua đuổi, cản trở”, Giáo sư Long nhấn mạnh. 

Giáo sư Alexander Vuving cũng cho rằng, phán quyết của Tòa gián tiếp khẳng định tính bất hợp pháp của một loạt hành động của Trung Quốc trước đây trên Biển Đông "như cắt cáp tàu của Việt Nam, mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong EEZ của Việt Nam năm 2012, xua đuổi, tấn công tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở một loạt vùng biển trên Biển Đông, kể cả ở quần đảo Hoàng Sa”.

Trong khi về mặt pháp lý thì phán quyết của Tòa là cuối cùng, không thể kháng án và mang giá trị ràng buộc pháp lý với các bên liên quan trực tiếp là Phi-líp-pin và Trung Quốc, Tòa lại không có cơ quan nào để thực thi phán quyết. Về vấn đề này, Giáo sư Long khẳng định: “Chính Tòa công luận sẽ đóng vai trò quan trọng giúp thực thi phán quyết”.

Một mặt nhấn mạnh phán quyết tạo cơ sở pháp lý cho các nước cùng nhau hợp tác để bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, mặt khác Giáo sư Alexander Vuving cho rằng phán quyết của Tòa sẽ tạo điều kiện để các nước có tranh chấp tại Biển Đông “ngồi lại đàm phán với nhau, nhằm đi tới một giải pháp công bằng cho các bên”.

Tuy rằng trong lịch sử chưa có trường hợp nào giống hoàn toàn vụ kiện Phi-líp-pin - Trung Quốc, nhưng theo Giáo sư Long, cũng đã có những trường hợp tương tự, trong đó phải kể đến vụ Ni-ca-ra-goa kiện Mỹ lên Tòa  Công lý Quốc tế (ICJ) năm 1986, cáo buộc Oa-sinh-tơn hậu thuẫn lật đổ chính phủ cánh tả Sandanista ở Ni-ca-ra-goa.

Mỹ tuyên bố không tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của ICJ. Sau cùng, ICJ ra phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế với những hành động chống chính phủ Sandanista và yêu cầu Mỹ phải bồi thường. Vì Mỹ phớt lờ phán quyết của ICJ nên Ni-ca-ra-goa đã trình vụ việc lên Liên hợp quốc, đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhiều nước.

Cuối cùng, Mỹ buộc phải trả bồi thường cho Ni-ca-ra-goa. Từ đó có thể thấy rằng, “nhìn chung phần lớn các phán quyết đều được thi hành tuy rằng các nước lớn có cậy mạnh", Giáo sư Long chia sẻ.

Theo Lâm Toàn/ Quân đội Nhân dân