Chiếc áo không làm nên thầy tu. Thì chiếc xe công cũng không làmnên sự sang trọng của tư cách quan chức, nếu các vị không biết vì dân vì nước, mà chỉ biết tiêu tốn tiền thuế nhân dân.

Xe công là chủ trương của Nhà nước, với những quy định cụ thể cho những đối tượng quan chức thuộc phạm vi được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ, chức trách. Thế nhưng chiếc xe công sang trọng, đẹp đẽ hóa ra có khi nói được rất nhiều về… tư cách riêng của người ngồi trong xe. Không phải lúc nào câu của làm sao người hao hao là vậy- cũng đúng!

Lòng tham và thói sĩ diện “học làm sang”

Dư luận xã hội những ngày này rất chú ý đến ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi ông trả xe công vụ và phòng làm việc, chuẩn bị nghỉ hưu. Ông là một ĐBQH có nhiều ý kiến, phát ngôn thẳng thắn và rất ấn tượng trước mỗi vấn đề nảy sinh ở xã hội, cho thấy đó là một ĐBQH luôn gắn bó thực tiễn, thực sự đại diện cho tiếng nói của dân, vì dân.

Ông đã tròn vai bổn phận. Giờ đây trước khi trở về với đời thường, việc làm của ông cho thấy tư cách riêng của một cựu quan chức- tự trọng và sòng phẳng.

Thật ra, việc trả lại nhà công vụ, xe công vụ, phòng làm việc là việc làm tất nhiên và quá đỗi bình thường của nhiều quốc gia. Vậy mà vì sao, hành động bình thường đó lại được chú ý như một việc làm …. đáng nêu gương?

Có lẽ bởi nước Việt đang diễn ra quá nhiều điều bất bình thường.

Khi người ta nhớ đến vụ các cựu quan chức không chịu trả lại nhà công vụ dạo nào. Nhớ đến vụ cựu quan chức cấp cao của Hà Nội cũng không chịu trả lại nhà công vụ- một biệt thự cổ- cho t/p, và còn “ra giá” nhiều điều kiện ưu tiên khó chấp nhận.

{keywords}

Mới đây, ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đi xe tư nhưng biển xanh- xe công trở thành tâm điểm dư luận. Ảnh: dantri

Còn mới đây thôi, ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đi xe tư nhưng biển xanh- xe công, mà từ hiện tượng công- tư lẫn lộn đó, khám phá ra biết bao điều bất ngờ khác khiến ông hiện đang phải chịu xử lý của tổ chức, tóe loe một loạt những “mê trận” sai phạm trước đó.

Vì sao ông đủ tiêu chuẩn đi xe công mà lại phải lấy xe riêng, rắc rối chuyển màu biển số xe- để rồi cuối cùng, lại một mầu xanh xanh sang một màu trắng trắng…Bản chất vụ việc là gì, nếu không phải là thói sĩ diện hão, đậm chất “học làm sang” của một quan chức cơ sở, khiến tiếng xấu đồn xa

Đặc quyền- đặc lợi

Hiện tượng công- tư lẫn lộn, không chịu trả lại nhà công vụ, hiện tượng ông Phó CT một tỉnh đi xe riêng biển số xanh chỉ là bề nổi của tâm lý đặc quyền- đặc lợi, sản phẩm tệ hại của những khuyết tật trong một guồng máy quản trị quốc gia, bên cạnh các quốc nạn tham nhũng, lợi ích nhóm kẻ tám lạng người nửa cân khiến tâm lý xã hội chán nản, lòng dân thất vọng

Trước thực trạng nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, dư địa chính sách và nguồn lực phát triển đất nước đầy thách thức,tại lễ nhậm chức chiều ngày 26/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ (CP) sẽ tiết kiệm triệt để tài sản, xe công, sử dụng có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân.

Cũng tại phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới (2016- 2021), người đứng đầu CP nhắc nhở “CP và từng thành viên CP phải đi đầu trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, ngành, đơn vị sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, tài sản, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác” (TT, ngày 01/8).

Và bản thân ông sẽ làm gương- không mua xe mới.

Trước đó, tháng 06, dư luận xã hội ồn ào trước thông tin, thống kê từ các bộ ngành, địa phương cho thấy hiện có khoảng 7.000 chiếc xe công dư thừa. Các bộ, ngành, địa phương dư thừa nhiều xe là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (thừa 176 xe), Bộ Công Thương (thừa 57 xe), hệ thống công đoàn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (thừa 82 xe), tỉnh Bình Thuận (thừa 29 xe), tỉnh Quảng Ninh (thừa 73 xe)...Mặc dù số lượng xe công dư thừa lớn như vậy nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn đề nghị cho mua xe mới (Dân trí, ngày 19/6).

Trong khi nợ công cũng… mới không kém. Tính đến thời điểm này, mỗi người dân Việt gánh 29 triệu đồng nợ công, con số nợ cao nhất từ trước tới nay. Và mỗi người nông dân gánh hàng nghìn loại phí, lệ phí, thậm chí có nơi, cả trẻ… sơ sinh cũng gánh (?)

Không phải nhà nước không có giải pháp để “hóa giải” hiện tượng lãng phí xe công bằng cách “khoán”. Theo Tuổi trẻ, ngày 18/6, Văn phòng Quốc hội là nơi thực hiện chủ trương khoán xe công. Mức chi phí khoán xe công là 10 triệu đồng/ tháng.

Có điều, “khoán ruộng” năm xưa được người dân vô cùng hào hứng ủng hộ, còn “khoán xe” những năm này thì các quan chức lại… hờ hững.

Vì sao?

Cái gốc của sự hờ hững là với 10 triệu đồng, nhiều quan chức cho rằng không đủ thu bù chi. Nhưng bản chất, còn là một người làm quan cả họ được nhờ, tâm lý giải quyết khâu oai, do sự khác biệt đậm chất đặc quyền- đặc lợi giữa xe biển xanh và biển trắng.

Có lẽ ông Phó CT tỉnh Hậu Giang “sa cơ” cũng bởi bắt đầu từ cái biển một mầu xanh xanh…này đây!

Bởi biển xanh- xe công- đi cửa nào cũng lọt. Kể cả khi vi phạm luật giao thông gặp mấy anh cảnh sát. Lại được sử dụng hệt kiểu xe riêng. Khi đi ăn cưới, đám hiếu đám hỉ, lúc đi lễ chùa chiền, miếu mạo. Xe công hỏng, hoặc đổ xăng, đã có cái túi Thạch Sanh- ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Trong khi biển trắng- xe tư - tất tần tật trông vào cái “gói kích cầu” 10 triệu đồng/ tháng, xem ra không hấp dẫn.

Cái tâm lý đặc quyền- đặc lợi chi phối không chỉ con người, mà thực sự chi phối ngay cả các quy định, chính sách, chế độ của Nhà nước.

Hỏi sao quan chức nào không thích xe công, không thích cái một màu xanh xanh…

Trong khi nhìn ra các quốc gia văn minh, xe công- xe tư không hề lẫn lộn. Cũng bởi thể chế minh bạch và pháp luật…cầm cương.

Vẫn theo báo Tuổi trẻ, ở Mỹ, bộ nội vụ nước này có quy định rất cụ thể. Theo đó, chính quyền Mỹ đặc biệt nghiêm cấm lạm dụng sử dụng xe công, cấm sử dụng xe công cho mục đích cá nhân ở bất cứ cấp độ quản lý nào. Quy định này áp dụng với cả việc sử dụng không gian trong gara để xe công hay các cửa hàng chuyên sửa chữa xe công.

Còn ở Philippines, theo ủy ban kiểm toán nước này, tất cả phương tiện di chuyển do các cơ quan chính phủ quản lý đều phải được gắn biển “Chỉ dùng cho công vụ”, kèm theo tên của cơ quan đang sở hữu, vận hành phương tiện đó.

Thậm chí, mới đây, để đi từ Manila tới thành phố Davao dự hội nghị, vị tân Tổng thống nước này- RodrigoDuterte thay vì dùng chuyên cơ lại lên máy bay dân dụng, ngồi ghế hạng phổ thông. Ông nói rằng, ông không muốn nhận bất kỳ đặc quyền nào để tránh gây phiền hà cho người khác.

Còn ở Việt Nam, sau tuyên bố không mua xe mới của người đứng đầu CP, không biết các bộ ngành có …. xe xịn quen đường cũ?

Thật ra, vấn đề không phải chỉ là sự làm gương của một người đứng đầu. Mà còn cần có cơ chế kiểm soát và những chế tài chặt chẽ vấn đề này.

Có câu, chiếc áo không làm nên thầy tu.

Thì chiếc xe công cũng không làm nên sự sang trọng của tư cách quan chức, nếu các vị không biết vì dân vì nước, mà chỉ biết tiêu tốn tiền thuế nhân dân.

Kỳ Duyên