Báo chí đưa tin Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị GS. Ngô Bảo Châu giải bài toán về mối quan hệ giữa đầu tư cho giáo dục với tăng trưởng kinh tế.

Thật ra đã có hàng ngàn nghiên cứu về đề tài này từ hàng chục năm nay, từ các nghiên cứu của các đại học như Harvard rồi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới đến nghiên cứu của từng nước riêng lẻ. Dù kết quả khác nhau nhưng nổi lên là một số kết luận: có mối quan hệ chặt chẽ giữa đầu tư cho giáo dục và cải thiện vốn con người nhất là năng suất lao động cá nhân nhưng với phát triển kinh tế thì mối quan hệ lại không rõ ràng. Đó là bởi để phát triển kinh tế, ngoài yếu tố con người, cái đóng vai trò quan trọng hơn là chính sách kinh tế đúng đắn, là môi trường cạnh tranh bình đẳng, nền hành chính không tham nhũng, nguồn vốn dồi dào, tài nguyên được sử dụng một cách khôn ngoan... Phần lớn không liên quan trực tiếp đến giáo dục.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ giáo dục, cái bài toán quan trọng hơn nhiều lần là phát triển kinh tế ngày nay có gì khác trước và vì thế giáo dục phải tự thay đổi như thế nào để thích ứng với các yêu cầu của mô hình kinh tế mới.

Nếu như chúng ta tự bằng lòng với vai trò một nền kinh tế gia công, chủ yếu đi may quần áo, đóng giày dép, lắp ráp điện thoại thì có lẽ nền giáo dục cũng không cần nỗ lực gì nhiều cũng đào tạo ra những người thợ lành nghề.

Nếu như chúng ta tự bằng lòng với vai trò một nền kinh tế gia công, chủ yếu đi may quần áo, đóng giày dép, lắp ráp điện thoại thì có lẽ nền giáo dục cũng không cần nỗ lực gì nhiều cũng đào tạo ra những người thợ lành nghề.

Nhưng chỉ cần bước thêm một nấc trên bậc thang giá trị, như gia công phần mềm hay đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của Intel, chúng ta đã thấy thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, có kiến thức cập nhật, biết ngoại ngữ, biết chủ động tổ chức công việc - nguồn nhân lực mà rõ ràng nền giáo dục trong nước chưa đào tạo ra được. Ngay cả ở giai đoạn gia công, chúng ta vẫn đang còn thiếu giới quản trị cấp trung làm việc với năng suất cao, hiệu quả cao. Những nỗ lực làm nhà cung ứng nội địa để tham gia vào các dây chuyền sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia đang lắp ráp thành phẩm ở Việt Nam ít đem lại kết quả, một phần cũng do thiếu những con người có những kỹ năng cần thiết.

Huống gì thế giới đang đi vào giai đoạn bùng nổ các mô hình sản xuất kinh doanh mới, trong đó các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao nhất không còn là sản xuất nữa mà là tìm ý tưởng, thiết kế, cải tiến, lựa chọn mô hình, rồi các kỹ năng mềm để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hữu hiệu nhất. Dĩ nhiên không trường học nào có thể dạy kịp các kiến thức công nghệ đang được áp dụng để làm ra ứng dụng mới, không trường nào đủ nguồn lực để dạy các đề tài mới tinh như trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu lớn...

Cái các trường có thể làm là đào tạo ra những con người biết sáng tạo, luôn tiếp nhận được cái mới, biết hoài nghi các mô hình cũ đã định hình, biết đặt câu hỏi và tìm lời giải cho các vấn đề mà cuộc sống luôn đặt ra.

Để làm được điều đó, các nhà giáo dục phải dày công suy nghĩ để thiết kế lại toàn bộ hoạt động giáo dục, từ dạy gì đến dạy như thế nào, từ nuôi dưỡng tinh thần gì ở môi trường đại học đến khích lệ một thái độ học tập ra sao, học vẹt hay học thực chất. Những điều đó chưa chắc đã cần một mức độ đầu tư cao hơn trước, chưa hẳn quá chú trọng đến quy mô đầu tư nhưng chắc chắn nó đòi hỏi phải thay đổi cách suy nghĩ đến tận gốc rễ và một đam mê bắt tay vào cuộc.

Theo Nguyễn Vạn Phú/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt