Mỗi khi thất bại, ta thường nghĩ rằng tại bố mẹ ta không giàu; ta thất nghiệp vì bố mẹ ta không phải VIP; ta không được học trường xịn, không được du học nước ngoài. 

Những người (có thể) mang việc làm hay cơ hội cho bạn không chờ đợi bạn biểu diễn Tiếng Anh “như người bản xứ”, dù đó là một lợi thế; hoặc tệ hơn là màn thực hành ngôn ngữ như tra tấn với những kiến thức “ai cũng biết” được đồng phục phổ biến ở mọi nơi, mọi chỗ.

Theo kinh nghiệm, con đường lập nghiệp/vào đời không nên là đường độc đạo. Đôi khi đường gập ghềnh lại dẫn đến cao tốc nhanh nhất.

Ví dụ, diễn viên Hà Duy từng trượt đại học, từng gặp những biến cố lớn. Trong thời gian tưởng bế tắc, anh vào nam, mày mò thi tuyển và học nghề phi công, giờ đang là cơ phó của Hãng hàng không Vietnam Airlines.

{keywords}
Diễn viên Hà Duy. Ảnh: Afamily

Một người bạn tôi cũng từng bế tắc muốn tự tử vì trượt đại học. Trong thời gian “chán đời”, bạn đi làm thuê, và tranh thủ học cách bó hoa. Không ngờ bạn có năng khiếu đặc biệt và giờ bạn là chủ của ba tiệm hoa đông khách. Thu nhập khá giả.

Nhiều người, mỗi khi thất bại thường đổ lỗi  tại bố mẹ không giàu; bố mẹ không phải là quan chức; do không được học trường xịn, không được du học nước ngoài. Khi ai đó không thành công, chẳng gì dễ dàng hơn là đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho “nền giáo dục bất cập”, và vô vàn lý do khác. Có mấy ai dám đứng trước gương để thấy phần “bất cập” của tư duy và cá nhân mình?

Tôi dám chắc rất nhiều cha mẹ Việt sẽ nhảy dựng lên khi con không muốn thi đại học, mà muốn học nấu ăn, làm bánh. Tôi dám chắc không ít cha mẹ Việt sẽ hóa điên nếu con họ quyết định cất thông báo trúng tuyển đại học để đi học uốn tóc, học trang điểm hay làm diễn viên. Tôi cũng biết có rất nhiều cha mẹ Việt thét vào mặt con đại ý, xong phổ thông mà không vào được đại học chỉ là loại nhặt rác, hót phân…

Tôi không lý giải được vì sao nhiều cha mẹ Việt tìm mọi cách hướng con cái trở thành các công chức phòng lạnh, bất chấp chúng có khả năng hay không, và ở vị trí nào trong những cái phòng ấy? Tôi cũng không lý giải được vì sao nhiều cha mẹ Việt có thể không biết một thực tế rằng, một nghệ nhân làm tóc giỏi có thể thu nhập gấp hàng trăm lần một thạc sĩ làng nhàng.

Chả nhẽ cha mẹ Việt không thấy hay cố tình không thấy, đang có hàng vạn cử nhân, thậm chí tiến sĩ đang sống lờ vờ trong các công sở, mờ nhạt và thiếu khát vọng.

Cố choàng lên người tấm áo quá rộng hay quá chật, quá dài hay quá ngắn, thậm chí là những tấm áo cưỡng đoạt của người khác đều thảm hại, đều bi kịch. Vì họ không được sống đúng với con người mình.

Tôi từng đọc trên mạng xã hội, tôi nghe đâu đó ở cổng trường học, tôi cũng đã gặp ở quán cà phê những gương miễn cưỡng, chán nản khi nói về những “tấm bằng của bố mẹ”. Trong tậm trạng đó, sẽ mưu sinh thế nào, sẽ vượt qua những thử thách nghiệt ngã của cuộc sống ra sao?

Có lẽ, hãy cứ sống đơn giản, sống vui sống khỏe mà không cần phải sang Havard để học làm một doanh nhân giỏi. Thay vào đó, chúng ta có thể lên Hoàng Su Phì  (Hà Giang) “du học” về một món ăn, khám phá về một đặc sản độc đáo, rồi lập kế hoạch bán sản phẩm giữa thủ đô. Điều quyết định sự thành bại trong mọi vấn đề chính là niềm đam mê và sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mà bạn nhắm đến.

Thế giới phẳng cho ta rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, có chiếm lĩnh được đỉnh cao hay không, còn tùy thuộc vào tính cách, vào ý chí của chính chúng ta.

Hãy thôi than thân trách phận; Hãy đi lên Hoàng Su Phì, khám phá xem bạn là ai, bạn sẽ tồn tại  trong cuộc đời này thế nào.

Nguyễn Thị Hải Hà* - Hoàng Hường 

* Tác giả Nguyễn Thị Hải Hà là Phó trưởng Khoa Kinh tế Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.