Cách duy nhất là phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo ở mọi cấp, từ cơ sở cho đến thượng tầng, phải thay đổi từ tâm thế cai trị chuyển sang tâm thế quản trị.

Dân gian thường truyền miệng nhau rằng “mọi người sẽ quên rất nhanh việc bạn làm nhưng họ sẽ nhớ rất lâu bạn đã làm nó tốt thế nào”, thật ra, câu này chỉ đúng một nửa, nửa còn lại phải là “và họ cũng sẽ nhớ rất lâu bạn đã làm nó xấu thế nào”. Đối với mọi sự việc, bao giờ cũng có tính hai mặt, ấn tượng xấu hay ấn tượng tốt đều để lại “tai tiếng” hay “tiếng tăm” đối với người đời.

Lời nói và hành động cũng vậy…

Trong một lần tiếp xúc cử tri mới đây, với quyết tâm mong muốn khẳng định một chính phủ kiến tạo và hành động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận: “Con đường dài nhất Việt Nam có lẽ là con đường từ lời nói đến hành động”…

{keywords}
Đại biểu Vũ Tiến Lộc từng ví von “con đường dài nhất Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức.

Trước đó, trong một lần họp quốc hội ở khóa gần đây nhất, đại biểu Vũ Tiến Lộc từng ví von “con đường dài nhất Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức, cử tri kỳ vọng Quốc hội và Chính phủ khóa tới sẽ là Quốc hội và Chính phủ của hành động”…

Đây là những suy tư trăn trở không mới, nhưng nó phản ánh rõ nét những khuyết điểm, hạn chế, sự suy thoái và tha hóa “một bộ phận không nhỏ” trong xã hội hiện nay, đòi hỏi một sự cần thiết, cấp thiết phải đổi mới để vực dậy đất nước. Ngay từ thời khai sinh, thành lập chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã từng căn dặn:

Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà bản thân lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của nhà nước và nhân dân, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn thiếu thốn thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng…

Đối chiếu với tình hình đất nước thời điểm này, những tôn chỉ của Bác Hồ vẫn là sự khao khát mong muốn, là thước đo chuẩn mực cho những ai, cho những công chức, những quan chức… thật tâm, thật lòng muốn canh tân dân tộc. Nhìn lại chặng đường mấy chục năm đất nước đã đi qua, phải thẳng thắn với nhau rằng:

- Chúng ta nói nhiều đến phòng, chống tham nhũng nhưng đến nay tham nhũng vẫn “ăn của dân không từ một thứ gì” và đã phát triển thành “một bầy sâu”, như cách ví von đầy đắng cay và bất lực của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

- Chúng ta nói nhiều đến tiết kiệm, chống lãng phí nhưng đến nay vẫn hiện hữu hàng loạt các công trình văn hóa, nhà máy, trường học, bệnh viện, con đường… nghìn tỉ bỏ hoang, không sử dụng được, các công sở hành chính, tượng đài, cổng chào… hoành tráng, đâu đó vẫn có ý định đề xuất “mọc” thêm lên? Đời sống người dân vẫn “thiếu cầu qua suối”, trẻ em trung du, miền núi vẫn “thiếu cơm có thịt” để đến trường. Trong lúc đó truyền thông thỉnh thoảng lại “lộ ra” những vi la, biệt thự khủng… của các quan chức từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, như một sự trêu ngươi cái nghèo, cái đói của đa số dân nghèo.

- Chúng ta nói nhiều về văn minh, văn hóa nhưng đến nay trên các mạng xã hội có không ít những thái độ vô cảm, những tin cướp, hiếp, giết, những scandal tình- tiền của các mối quan hệ hoa hậu - đại gia, chân dài - quan chức, những tội phạm biến thái ấu dâm điểm tên các doanh nhân, các ngôi sao nam nữ showbiz…

- Chúng ta nói nhiều về an toàn thực phẩm nhưng đến nay câu kết luận hay nhất vẫn dành cho đại biểu quốc hội Trần Ngọc Vinh, đó là “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”!

- Chúng ta nói nhiều về cải cách hành chính, tạo điệu kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp nhưng đến nay, ngậm ngùi thay, sự vụ quán “cà phê Xin Chào” mặc dù đã có sự lên tiếng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cấp địa phương vẫn tiếp tục cố tình… làm khó dễ.

….

Chúng ta đã nói rất nhiều, nói rất hay, nói rất trúng về mọi vấn đề của đất nước, nhưng hiện nay, đúng như nhận định và sự “bắt bệnh” của Thủ tướng Chính phủ, phải xóa bỏ bằng được “con đường dài nhất là con đường từ lời nói đến hành động”.

Để làm được điều đó, cách duy nhất là phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo ở mọi cấp, từ cơ sở cho đến thượng tầng, phải thay đổi từ tâm thế cai trị chuyển sang tâm thế quản trị.

Chỉ người lãnh đạo mang tầm quản trị mới biết quý trọng và phát huy được hết những giá trị của từng cá nhân, của cộng đồng và tập thế, biết hành động và vận dụng những quy luật khoa học đế sự phát triển đất nước bắt kịp với xu thế thời đại.

Một chính phủ kiến tạo và hành động cần nhất là những nhà quản trị giỏi, lời nói đi đôi với hành động.

Chính phủ hiện nay, người dân có quyền  hy vọng không?

Minh Phước