LTS: Đã gần 37 năm hoàn toàn giải phóng, đất nước lại chuẩn bị đón ngày kỷ niệm 30/4. 37 năm - đủ một thế hệ sinh ra, trưởng thành và làm cha mẹ. Để có được một đất nước bình yên đó, bao thế hệ đã phải chiến đấu gian khổ, hy sinh. Những con người ấy - những chứng nhân lịch sử, các anh hùng một thời, những người còn lại cũng đã lên ông bà, giờ họ ở đâu, cuộc sống ra sao?
Không hẹn mà gặp, từ nửa bên kia địa cầu, đến từ đất nước từng là cựu thù, nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ, Marissa Roth đến Việt Nam vào những ngày này để hoàn thiện dự án nhiếp ảnh 'Phụ nữ và Chiến tranh', dự án lớn nhất trong sự nghiệp báo chí của bà, đã được thực hiện trên khắp thế giới trong 28 năm qua, từ khi bà bắt đầu cầm máy. Việt Nam là chặng cuối cùng, kết thúc dự án dài hơi 'đã lấy của tôi không biết bao công sức, tiền bạc và nước mắt'.
Phóng viên Tuần Việt Nam đã đi cùng bà, để cùng chia sẻ tâm huyết của một nhà báo đặc biệt, một dự án cũng thật đặc biệt, và để gặp lại những con người đã góp phần làm nên lịch sử Việt Nam.
Nỗi đau chiến tranh là một phần lịch sử gia đình tôi
Không lệ thuộc vào sự 'kiêng kỵ' thường thấy của phương Tây, nữ nhiếp ảnh gia Marissa Roth không ngại câu hỏi: Bà/chị bao nhiêu tuổi? và tự khai ngay tuổi mình 55, rồi cười sảng khoái khi nhận câu khen ngợi (khá thường xuyên) từ người đối diện: trông bà trẻ thế!
Không chờ được hỏi, nữ ký giả sốt sắng chia sẻ ngay 'bí quyết' giữ nhan sắc của mình: cười nhiều, nói nhiều, ngủ đủ và không bao giờ phơi nắng hay nhuộm da, trào lưu ưa thích của phụ nữ phương Tây.
Bắt đầu cầm máy từ năm 1981, Marissa tham gia vào lĩnh vực nhiếp ảnh tư liệu (documentary photography) với tư cách nhà báo tự do. Sau đó bà làm cho Los Angeles Times, The New York Times và là cộng tác viên của nhiều bảo tàng, nhà xuất bản.
Nhiếp ảnh gia Marissa Roth |
Cuốn sách đầu tiên của riêng bà Burning Heart, A Portrait of the Philippines xuất bản năm 1999, là công sức lao động trong 10 năm. Cuốn thứ hai Inside/Out: Downtown Los Angeles và cuốn thứ ba dành cho thiếu nhi Come the Morning, hướng ống kính về những người vô gia cư và trẻ em đường phố cũng lấy của bà nhiều năm lao động.
Dự án gần đây nhất One Person Crying: Women and War, bà đã thực hiện trong 28 năm, bắt đầu từ khi bà mới vào sự nghiệp nhiếp ảnh, được coi là chuyến phiên lưu dài nhất của bà. Tập trung vào những nạn nhân hoặc đối tượng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
"Những người phụ nữ có gương mặt khác nhau, nhưng nỗi đau trong tim giống nhau. Phụ nữ không tạo ra chiến tranh, nhưng họ luôn là những người phải chịu đựng nhiều nhất".
Trong gần 3 thập kỷ qua, Marissa dành hầu hết thời gian ở những trại tị nạn, những vùng hậu chiến để chụp ảnh, phỏng vấn những người phụ nữ mất chồng con và người thân trong các cuộc chiến tranh, hoặc bản thân họ cũng trực tiếp trải qua và chịu mất mát trong các cuộc chiến.
Lệ khệ những máy móc, ống kính, người phụ nữ 'trẻ hơn tuổi' len lỏi vào những ngôi nhà Kosovo, Anbani, Afganistan, Pakistan... để thấu cảm những thân phận phụ nữ, tường tận hơn những gì họ được 'hưởng' từ các cuộc chiến, nơi đã lấy đi những người chồng, người con khỏe mạnh của họ, rồi trả lại họ những tấm thân tàn phế hoặc những xác chết, và những vết thương không bao giờ lành trong tim.
Đâu đó, những người phụ nữ không còn khóc khi bị biến thành nô lệ tình dục, bị chà đạp, đổi chác và chứng kiến người thân bị sát hại. Nước mắt họ đã đông cứng, chết trong lòng, trong những đôi mắt vời vợi mà Marissa cố gắng nắm bắt.
Những nhân vật của One Person Crying: Women and War còn có những phụ nữ Nhật sống sót ở Hirosima và Nagasaki; những người sống sót sau các vụ thảm sát trong Thế Chiến 2, Khme Đỏ...
Việt Nam là chặng đi cuối cùng kết thúc dự án của Marissa. Bà 'để dành' Việt Nam để kết thúc dự án không chỉ vì mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia, mà Marissa tin rằng những câu chuyện sẽ là 'điểm chốt' ấn tượng cho dự án mà bà dành ba thập kỷ theo đuổi.
Nỗi đau nằm ngay trong tim tôi
Vai lủng lẳng hai chiếc máy Nikon và Leika, Marissa có lẽ là một trong số ít những nhiếp ảnh gia còn lại thích dùng phim âm bản. "Thật khó giải thích, nhưng tôi chưa bao giờ muốn chuyển sang dùng những máy ảnh số hiện đại, trông chúng xa lạ. Có vẻ khó tin nếu tôi nói rằng những chiếc máy phim cổ và gọn nhẹ giúp tôi đến gần với nỗi đau con người hơn, nhưng đó là sự thật. Tôi cứ nghĩ nếu giơ một máy số to đùng lên, những người phụ nữ của tôi sẽ không còn là họ nữa"
Sự 'đến gần nỗi đau' ấy không chỉ nằm ở những cuốn phim của Marissa, mà nằm cả ở những sự ưu tư sau mỗi câu chuyện. Bỏ một số tiền không nhỏ, cùng công sức sang Việt Nam tìm tòi, nhưng hơn một lần Marissa nói "No" và trở về tay không, bà từ chối di chuyển em bé bị nhiễm chất độc da cam ra chỗ có ánh sáng tốt hơn, không chụp bà mẹ anh hùng đang ốm mệt vì "tôi không thể làm phiền họ bằng mọi giá".
Chụp trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại làng Hữu Nghị, Hà Nội |
'Trái tim nóng và cái đầu lạnh' có lẽ là tiêu chí của mọi nhà báo, trừ Marissa. Với cá nhân tôi - người viết bài - vẫn tin rằng những nhiếp ảnh gia lăn lộn mấy chục năm trong các vùng hậu chiến như bà hẳn phải là người mạnh mẽ, cứng rắn. Nhưng Marissa không như vậy, bà như cốc nước cảm xúc đầy, dễ dàng trào dâng.
Không ít lần tôi bất đắc dĩ trở thành người nâng đỡ tinh thần cho người bạn đồng hành mà kinh nghiệm làm báo gần bằng tuổi đời của tôi.
Bà rơi lệ khi đọc những bài báo về vụ thảm sát Mỹ Lai, lặng lẽ trước sự đơn côi của bà mẹ anh hùng, và shock nặng và phải ngưng làm việc khi gặp những đứa trẻ không bao giờ lớn ở làng da cam Hữu Nghị, hoặc khóc nức nở khi rời nhà những nạn nhân.
Nhiều lần tôi tự ngẫm nghĩ làm sao người phụ nữ dễ xúc động như vậy lại lựa chọn công việc quá khó khăn và nặng nề (về tinh thần) là nhiếp ảnh tài liệu, đối diện trực tiếp với các nạn nhân chiến tranh, thảm họa, bi kịch.
Và sức mạnh đâu để người phụ nữ dễ rơi nước mắt như vậy đi suốt mấy chục năm với những tổn thương của con người?
Và rồi suy tư của tôi cũng dần được sáng tỏ. 'Nỗi đau của họ đã nằm ngay trong tim tôi rồi'
(Còn nữa)