Để cho các trường mang tên các bậc tiên hiền luôn xảy ra xung đột, mâu thuẫn nội bộ vì quyền lợi kinh tế, vì đồng tiền, liệu điều đó có khiến các bậc tiền nhân, các bậc tiên hiền hổ thẹn, và thất vọng không?
Sự việc ở Đại học Hùng Vương cách đây không lâu khiến nhiều nhà giáo không khỏi lo lắng về một hiện tượng: Đó là việc làm tổn hại đến thanh danh các bậc tiền nhân. Sự việc này khiến người ta nhớ đến chuyện đã xảy ra ở Trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành, ĐH Chu Văn An, ĐH Phan Chu Trinh và gần đây là ĐH Lạc Hồng.
Nơi các "nhà buôn" nhập cuộc
Có một thực tế ai cũng biết rằng, để mở được một trường phần đông những người sáng lập đều là nhà giáo. ĐH Thăng Long, trường ĐH dân lập đầu tiên của cả nước được thành lập bởi các GS: Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Đình Trí, Phan Đình Diệu, và Phó GS Bùi Trọng Lựu...
Những con người ấy vừa có năng lực chuyên môn, vừa có tâm huyết với sự nghiệp 'trồng người" song phần lớn họ không có tiềm lực kinh tế.
Trong thực tế, bài toán phát triển nhiều trường ĐH tư thục càng ngày càng dẫn tới một sự thật không mấy vui vẻ là các "nhà sáng lập" mâu thuẫn với nhau, tạo điều kiện cho các "nhà buôn" nhập cuộc. Những thương nhân sớm nhận thấy mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác đã bằng nhiều cách chiếm lấy vị trí lãnh đạo.
Nếu không phải là đánh bóng thương hiệu, hoặc không phải vì lợi nhuận thì những người làm kinh doanh như ông Đặng Thành Tâm nhảy vào làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Hùng Vương để làm gì?
Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng phi giáo dục đang diễn ra không phải chỉ ở một vài trường tư thục: Đó là sự yếu kém của các nhà giáo trong lĩnh vực kinh doanh, và sự yếu kém của các nhà kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.
Thương trường là chiến trường, điều này đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Các nhà sư phạm do bản chất nghề nghiệp đa số không có được sự năng động về thị trường, càng ít người có đủ nhẫn tâm để chà đạp lên đạo lý. Mặt khác hầu hết những nhà sư phạm khi cùng nhau mở trường tuổi đã cao, quỹ thời gian không còn nhiều nên chỉ có xu hướng... kinh doanh ngắn hạn.
Phần lớn trong số họ khi không giải quyết được mâu thuẫn giữa tâm huyết và kinh tế đã chọn con đường rút lui, thu lại một ít vốn và lợi nhuận. Sự kém nhạy bén khiến cho nhiều trường rơi vào tình cảnh khó khăn, bóc ngắn cắn dài. Hậu quả là sinh viên và cha mẹ họ phải gánh chịu. Sự không nhìn xa trông rộng âu cũng là một trong những nét hạn chế, kém cỏi của người Việt chúng ta vậy.
Còn các thương gia họ làm gì trong các trường học? Trả lời câu hỏi này cần nhìn ra các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Đại học Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) |
Hàng vạn con em chúng ta đang đi học ở nước ngoài bằng tiền của cha mẹ các em. "Kinh doanh" giáo dục không chỉ mang lại lợi ích vật chất mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước con người, là môi trường truyền bá văn hóa, lối sống của cộng đồng này cho cộng đồng khác. Khi một thương gia lãnh đạo một trường ĐH thì không phải họ chỉ thu được khá nhiều tiền mà điều quan trọng hơn danh tiếng của họ sẽ được quảng bá.
Sự việc ở ĐH Hùng Vương cho thấy ông hiệu trưởng Lê Văn Lý có được sự ủng hộ của một bộ phận cán bộ nhà trường, còn ông Đặng Thành Tâm nhận được sự ủng hộ từ đâu? Một số bằng chứng cho thấy, từ vai trò người bảo trợ ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Ông Đặng Thành Tâm đã tự nhận là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Hùng Vương (quyết định công nhận ký ngày 14/6/2011) khi tranh cử làm đại biểu Quốc hội, và ông đã đắc cử. Phải chăng việc khai lý lịch như vậy chỉ là "sự cố kỹ thuật" nên không cần kiểm tra? Nói gì chăng nữa "một sự bất tín, vạn sự bất tin", chẳng thế mà tác giả Bùi Hoàng Tám đã viết trên Dân trí "với cách hành xử vừa qua, liệu ông Tâm có nên đầu tư vào môi trường giáo dục?".
Khi đã có tiền thì người ta cần cái danh, có danh thì người ta lại kiếm được nhiều tiền, điều này không có gì lạ. Không ít người đã có danh thì cần tiền, có tiền rồi lại muốn rất nhiều tiền, điều này cũng không có gì lạ.
Việc cả hai ông Lý và Tâm đều bị tạm đình chỉ chức vụ để xem xét trách nhiệm là điều không phải bàn cãi. Rất may là TP Hồ Chí Minh đã nhận thức được vấn đề và đã có những quyết định mạnh tay. Nhưng còn ở những tỉnh, những thành phố khác thì sao? Đây là bài toán khó để tìm câu trả lời thỏa đáng.
Thanh tra đến, và thanh tra đi...
Xã hội hóa giáo dục không phải cứ có tiền là làm được. Đã đến lúc cần đưa vào Luật Giáo dục ĐH những quy định cụ thể. Ví như các nhà đầu tư hãy cứ ngồi đó mà hưởng cổ tức, việc điều hành nhà trường phải do Hội đồng trường đảm nhận chứ không phải Hội đồng Quản trị như hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thanh tra các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Ở mỗi trường việc thanh tra chỉ tiến hành trong một buổi, nhiều lắm là một ngày và cũng chỉ tập trung vào mảng chuyên môn, cơ sở vật chất. Các kết luận thanh tra dường như ngại đề cập đến chuyện lục đục nội bộ.
Thật đáng buồn là khi thanh tra đến thì trường rất đoàn kết, khi thanh tra đi thì lại như một... mớ bòng bong. Thực tế hiện nay ở một số nơi, có vẻ như chính quyền lại ủng hộ các nhà đầu tư hơn là những người có tâm huyết. |
Hội đồng trường phải có bao nhiêu phần trăm đại diện của cán bộ giáo viên, của các nhà khoa học và họ phải được quyền biểu quyết như những người góp vốn. Chỉ đến khi đó sự đấu đá, tranh giành quyền lãnh đạo mới chấm dứt, trả lại cho nhà trường sự bình yên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thanh tra các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Ở mỗi trường việc thanh tra chỉ tiến hành trong một buổi, nhiều lắm là một ngày và cũng chỉ tập trung vào mảng chuyên môn, cơ sở vật chất. Các kết luận thanh tra dường như ngại đề cập đến chuyện lục đục nội bộ.
Thật đáng buồn là khi thanh tra đến thì trường rất đoàn kết, khi thanh tra đi thì lại như một... mớ bòng bong. Thực tế hiện nay ở một số nơi, có vẻ như chính quyền lại ủng hộ các nhà đầu tư hơn là những người có tâm huyết.
Khi thành lập, các trường ĐH nói chung, ĐH tư thục nói riêng thường chọn tên các bậc thánh hiền, các bậc tiên hiền đặt cho trường mình, với ý nghĩ tôn vinh bậc tiền nhân, cũng là để giáo dục sinh viên nhân cách làm người, khí phách con cháu nước Việt.
Thế nhưng, để cho các trường mang tên các bậc tiên hiền luôn xảy ra xung đột, mâu thuẫn nội bộ vì quyền lợi kinh tế, vì đồng tiền, liệu điều đó có khiến các bậc tiền nhân, các bậc tiên hiền hổ thẹn, và thất vọng không?
Những ngôi trường mang tên các bậc tiên hiền nhất thiết phải được làm trong sạch, trả lại môi trường đào tạo lành mạnh, xứng với tên tuổi các bậc tiền nhân. Những người chỉ vì lợi ích cá nhân của mình làm tổn hại đến thanh danh tổ tiên chắc chắn không sớm thì muộn sẽ phải nhận hậu quả.
Ts.Dương Xuân Thành