Bài toán giải quyết BĐS giờ đây không chỉ thuộc về trách nhiệm của các doanh nghiệp địa ốc, mà chính khối ngân hàng mà đã ra tay thắt chặt tín dụng một cách quá đáng, cũng như thẳng tay siết nợ doanh nghiệp BĐS, mới là kẻ phải đưa đầu chịu báng.
Vào tháng 4/2012, bắt đầu hé lộ những cái tên "ôm bom". Điều mà trước đây dư luận và giới đầu tư còn đồn đoán thì nay đang lộ dần ra: BIDV, Vietcombank, Sacombank, ACB, Agribank, Vietinbank... là một số ngân hàng đang nắm trong tay một khối lượng khổng lồ bất động sản "chết". Số BĐS này chủ yếu là các dự án căn hộ và đất nền mà trước đây thuộc về người chủ truyền thống và chuyên nghiệp hơn hẳn là doanh nghiệp BĐS, nhưng do quá trình thua lỗ triền miên nên buộc phải gán nợ cho ngân hàng, hoặc bị chính các ngân hàng ra tay siết nợ.
Không chỉ là đồn đoán, thực trạng đáng lo ngại trên còn được xác nhận bởi chính một quan chức cấp cao - ông Nguyễn Trần Nam, thứ trưởng Bộ Xây dựng. Vào tháng 3/2012, ông Nam đã cho báo giới biết là cơ chế Nhà nước mua lại nhà chung cư có thể diễn ra trong quý 3 năm nay, nhưng không phải nhằm cứu doanh nghiệp BĐS, mà chính là cứu các ngân hàng.
Hai cái tên đầu tiên
Cũng bắt đầu từ tháng 3/2012 đến nay, đã có hai cái tên trong số các ngân hàng "ôm bom" bị giới phân tích quốc tế đặt vào tầm ngắm. Đó là Vietinbank và ACB.
Chính là S&P (Standard & Poor), một tổ chức xếp hạng tín nhiệm có tiếng của Mỹ mà đã không ít lần làm cho ngay cả chính phủ quốc gia này phải lúng túng bởi những đánh giá độc lập và khá tiêu cực về vấn đề trần nợ công của nước Mỹ, đã công bố xếp hạng tín nhiệm dài hạn và ngắn hạn của Vietinbank lần lượt ở mức "B+" và "B-", đồng thời đánh giá triển vọng đối với xếp hạng tín nhiệm dài hạn là "tiêu cực".
Đến tháng 4/2012, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's lại tuyên bố hạ bậc tín nhiệm đối với ACB. Các chỉ tiêu bị Moody's đưa vào xem xét để cắt giảm điểm tín nhiệm bao gồm đánh giá về nợ nội tệ dài hạn và đánh giá sức mạnh tài chính ngân hàng. Tuy theo Mooody's, việc xếp hạng này chỉ là một động tác thiên về kỹ thuật, nhưng điều đó cũng không khỏi làm cho giới đầu tư thế giới thêm một lần nữa có cái nhìn không mấy thỏa mãn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mặc dù chỉ mới có hai ngân hàng bị đưa vào tầm ngắm, nhưng đó lại là những ngân hàng tiêu biểu cho khối quốc doanh và ngoài quốc doanh.
Không có lửa tất chẳng có khói - như một câu tục ngữ quá nhiều hàm ý ở Việt Nam. Dù rằng đã trở thành nhóm nổi trội và có thể nói là duy nhất kiếm được lợi nhuận rất cao so với mặt bằng của tất cả các nhóm doanh nghiệp khác ở Việt Nam trong năm 2011, và càng nổi bật hơn hẳn trong quý 1/2012, nhưng ngân hàng vẫn luôn bị xem là như một dấu chỉ bất ổn đối với huyết mạch tài chính và tín dụng quốc gia.
Cũng vì thế mà không mấy ngạc nhiên khi vào tháng 11/2011, S&P (cũng lại là tổ chức này) đã điều chỉnh Đánh giá mức độ rủi ro trong hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "Nhóm 9" lên 'Nhóm 10", tức ứng với mức độ rủi ro cao nhất, tương đương với trường hợp của Hy Lạp. Có thể nói, đây là là lần đầu tiên S&P tập trung cho một cái nhìn sâu sắc hơn hẳn về các vấn đề nội tại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, liên quan đến tình trạng mất cân bằng kinh tế cũng như rủi ro tín dụng.
Riêng rủi ro của ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá 8 điểm, cũng thể hiện mức độ "rủi ro cực cao" về khung chính sách thể chế, "rủi ro rất cao" trong động lực cạnh tranh và "rủi ro trung bình" về gây vốn hệ thống.
Một chi tiết đáng chú ý là mặc dù không được thông tin rõ những rủi ro cụ thể hơn đang đe dọa độ ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng giới ngân hàng trong nước đều thừa hiểu S&P và Moody's đã không có lý do nào để thực hiện hành vi "can thiệp nội bộ" nếu chủ đề nợ xấu của ngân hàng không được nêu ra quá nhiều trong dư luận và trên các diễn đàn, chứ không phải trong các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam.
Nợ xấu và nợ xấu BĐS: không ai biết!
Trong một tiết lộ hiếm hoi vào tháng 11/2011, ông Lê Xuân Nghĩa - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một cơ quan tư vấn cho Chính phủ, đã thừa nhận rằng cơ quan này và thậm chí cả Ngân hàng nhà nước cũng không thể biết chính xác số nợ xấu là bao nhiêu vì các ngân hàng báo cáo không thực. Ông cũng cho biết chỉ khoảng 1/3 báo cáo của ngân hàng là "tương đối", còn lại đều đáng nghi ngờ. Mà nhiệm vụ trước khi tái cấu trúc ngân hàng là phải biết con số thực về nợ xấu, còn nếu không biết được con số này thì chương trình tái cấu trúc là vô nghĩa.
Gần như trùng khớp về thời điểm với lời trần thuật thẳng thắn như trên của ông Nghĩa, trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào cuối tháng 11/2011, thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã thông báo: Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến thời điểm đó là khoảng 3,3% trên tổng dư nợ cho vay; dự kiến đến cuối năm 2011 là từ 3,6-3,8%. Còn dư nợ cho vay trực tiếp BĐS là 8,3% tổng dư nợ, trong đó nợ xấu BĐS chiếm 4,2% dư nợ cho vay BĐS; do vậy nợ xấu BĐS không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của Việt Nam.
Trước đó, cũng đã có một phản biện nho nhỏ mà tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings gửi tới Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Đó là vào thời điểm tháng 6/2011, khi ông Nguyễn Văn Bình còn là Phó thống đốc NHNN và vừa mới công bố tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng từ 2% lên xung quanh mức 3% và trong trường hợp xấu nhất thì cũng chỉ dưới 5% cả năm 2011. Ngược lại hoàn toàn, Fitch Ratings lại công bố một con số giật mình: tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là 13% tổng dư nợ, theo chuẩn mực quốc tế (theo chuẩn mực quốc tế, nếu phần nợ đến hạn không trả được thì toàn bộ khoản nợ phải được xếp vào nợ xấu).
Những thông tin có vẻ khá trái ngược nhau như trên sẽ có thể khiến những người quan tâm phải bối rối khi phải chọn lựa giữa điều được gọi là "niềm tin ái quốc" với "phần còn lại của thế giới".
Ngân hàng sẽ phá sản dây chuyền?
Cho dù vào cuối năm ngoái, một bộ phận dư luận có được thuyết phục rằng "nợ xấu BĐS không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của Việt Nam", thì đến đầu quý 2 năm nay, mọi chuyện lại trở nên "minh bạch" một cách không ngờ: lần đầu tiên trong lịch sử của mình, BĐS phải nhờ đến một chủ trương và cơ chế giải cứu chính thức của Nhà nước. Những gì đã được thể hiện trong hệ thống các văn bản số 8844 vào tháng 11/2011, số 674 vào tháng 2/2012, số 2056 vào tháng 4/2012 của Ngân hàng nhà nước đã chứng minh hùng hồn rằng hơn 200.000 tỷ đồng nằm chết trong khối BĐS khổng lổ đã khiến cho ngay cả nhóm lợi ích ngân hàng - nhóm được coi là "nặng nợ" nhất với BĐS, không thể làm ngơ thêm.
Nợ xấu BĐS cũng do đó mà trở thành tâm điểm của mọi món nợ xấu, hệt như việc nợ xấu đã trở thành trọng tâm của mọi vấn đề về ngân hàng.
Trong một báo cáo cuối năm 2011, Bộ Xây dựng đã cho rằng tuy dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS 2011 giảm số tuyệt đối so với cuối năm 2010 (giảm hơn 31.000 tỷ đồng), nhưng không phải giảm tốc độ tăng trưởng theo nghị quyết 11 và các nghị quyết phiên họp khác của Chính phủ.
Có lẽ mọi thứ đều trở nên trong veo khi được soi chiếu vào tấm gương phản ánh nợ nần của thị trường BĐS hiện thời. Nợ chồng lên nợ thông qua đảo nợ, giãn nợ, và do đó làm gia tăng nợ xấu trong bối cảnh chưa có ánh sáng le lói nào cho việc tăng doanh số bán BĐS. Đó cũng là lý do dẫn đến rất nhiều hoài nghi về tỷ lệ dư nợ xấu BĐS chỉ có 4,2%, tức chỉ khoảng 8.000 tỷ đồng, như Ngân hàng nhà nước công bố.
Nhưng theo một số chuyên gia, tỷ lệ thực về nợ xấu BĐS có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba lần con số chính thức.
Còn trước mắt là thời hạn tháng 6/2012, thời điểm "nợ chồng nợ" tính từ tháng 6/2011. Trong vòng 6 tháng nữa, nếu không "sáng tạo" ra được cách thức nào mới để tiêu thụ tài sản bất động, sẽ có không ít doanh nghiệp BĐS phải đối mặt với đáp số kiệt quệ.
Còn nếu đến cuối năm 2012 mà thị trường BĐS vẫn không được cải thiện ít ra về thanh khoản, đáp số bài toán khi ấy sẽ chỉ còn gọn ghẽ hai từ: phá sản.
Bài toán giải quyết BĐS giờ đây không chỉ thuộc về trách nhiệm của các doanh nghiệp địa ốc, mà chính khối ngân hàng đã ra tay thắt chặt tín dụng một cách quá đáng, cũng như thẳng tay siết nợ doanh nghiệp BĐS, mới là kẻ phải đưa đầu chịu báng.
Vietinbank và ACB mới chỉ là hai cái tên đầu tiên mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế mặc định về một tương lai có thể tiêu cực. Cũng như hiện trạng không thể phủ nhận của toàn bộ hệ thống ngân hàng Trung Quốc với số nợ BĐS còn treo của các chính quyền địa phương lên đến 2.200 tỷ USD, nhiều ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong trung hạn, tức sớm nhất đến năm 2014, nếu không kịp "thoát hàng". Thậm chí nguy cơ này còn có thể phát tác như một hiệu ứng phá sản dây chuyền, mà đương nhiên sẽ đẩy nền kinh tế và uy tín điều hành của chính phủ vào tình thế bĩ cực hơn nhiều so với mức độ hiện nay.
Trường Sơn