Thiếu những nghiên cứu cơ bản theo chiều sâu, với công bố quốc tế và sáng chế, họ khó có thể xây dựng được nên một nền công nghệ quốc gia hiện đại như mong đợi.

LTS: Ngày 3/7, VietNamNet đăng bài viết "Hơn 9000 giáo sư sao không có bằng sáng chế?", nêu lên thực trạng nghiên cứu khoa học ứng dụng Việt Nam. Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết về nghiên cứu khoa học cơ bản của tác giả Phạm Đức Chính (Nghiên cứu viên cao cấp- Viện Cơ học Việt Nam).

Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây. Hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến, trao đổi của các nhà khoa học lý giải vì sao, nghiên cứu khoa học Việt Nam, (cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng) rất trì trệ. Đâu là nguyên nhân căn cốt? Và giải pháp nào cho lĩnh vực này xứng đáng vai trò góp phần là "động lực phát triển của xã hội"?

Nghiên cứu nhưng chưa biết đến Nafosted

Thống kê của Nafosted (Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia) cho thấy tới hết năm 2011, các đề tài của Quỹ công bố được 464 bài báo quốc tế chuẩn ISI (cơ sở dữ liệu về các công bố khoa học trên toàn thế giới)

Quỹ Nafosted cũng cho biết số công bố đó chiếm 20% số bài ISI có ghi địa chỉ tác giả Việt Nam- con số này khiến nhiều đại diện các hội đồng ngành cảm thấy bất ngờ tại một cuộc họp.

Hiện có 1 phần lớn số bài ISI có ghi địa chỉ VN không nằm trong tài trợ của Nafosted, cần tìm hiểu nhiều hơn để có những hình dung và chính sách thích hợp.

Thống kê ISI cho thấy số công bố ngành Toán và Lý của VN là nổi trội hơn hẳn các ngành khác, nếu so tỷ lệ tương đối giữa các ngành của VN và các nước trong khu vực cũng như quốc tế.

Tuy nhiên nếu theo con số tuyệt đối thì số bài ISI các ngành khác của VN cũng không thua nhiều Tóan và Vật lý + Vật liệu - trái với thực tế, tỷ lệ vượt trội của số đề tài Nafosted của 2 ngành này, cung cấp phần lớn số bài trong số 464 bài đã nói trên của Nafosted.

Vậy một số lớn số bài ISI ghi địa chỉ VN, mà chủ yếu gồm những bài ngoài lĩnh vực Tóan và Vật lý + Vật liệu, nằm ở đâu?

Theo một số đồng nghiệp với người viết bài, có 1số đề tài khoa học sự sống và môi trường ở VN do quốc tế tài trợ và tham gia có công bố quốc tế (cụ thể bao nhiêu?) Điều đáng nghi ngờ  là có thể một số nhất định các  đề tài nghiên cứu ứng dụng cấp Nhà nước và cấp Bộ cũng có công bố quốc tế?

Có 1số nhà khoa học lạo động miệt mài công bố quốc tế nhưng còn chưa biết đến Nafosted? Khả năng nhiều nhất là số công bố quốc tế ISI có ghi địa chỉ VN là đến từ các nghiên cứu sinh và thực tập sinh ở nước ngoài, vì phần lớn số công bố quốc tế của VN là cộng tác với nước ngoài.

Trong khi không phải GS quốc tế nào cũng ghi địa chỉ VN của học trò vào bài báo. Bản thân tôi cũng có một số bài công bố ở nước ngoài đã chỉ ghi địa chỉ nơi tôi đến làm việc. Chính con số này có thể đã gây "cảm giác giả" rằng các ngành của chúng ta đều khá đồng đều  trong công bố quốc tế.

Mặt khác nó cũng cho thấy rằng các ngành của chúng ta đều có tiềm năng trong tương lai, một khi chúng ta phát huy được  năng lực chuyên môn của các nhà khoa học trẻ khi họ về nước, tránh lối mòn cũ - bỏ tiền gửi họ đi đào tạo rồi bỏ mặc họ khi trở về. Đó là một điểm sáng để Nafosted cần  phát huy hơn nữa.


Ảnh minh họa
Thiếu những nghiên cứu cơ bản có chiều sâu

Nafosted quả đã thổi luồng gió mới tới các viện thuộc Viện Khoa học và Công nghệ VN, và đặc biệt là các đại học. Tuy nhiên vẫn giống như trước kia, không thấy có đề tài nghiên cứu cơ bản nào từ số lớn các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc các Bộ.

Mà phần lớn liên quan tới Cơ học- Kỹ thuật, như Viện Máy công cụ, Viện Nghiên cứu máy, Viện Kỹ thuật Giao thông, Viện Kỹ thuật Xây dựng, Viện Cơ khí Nông nghiệp, Viện Thủy lợi, ... (không nói tới các Viện thiết kế - không nghiên cứu).

Có những phàn nàn từ nội bộ rằng các viện đó không còn có chất nghiên cứu như xưa khi họ được xây dựng từ các nhà khoa học được đào tạo bài bản từ Liên Xô (cũ), và nay chủ yếu làm dịch vụ khoa học kiếm tiền chạy theo thị trường.

Các viện này nay theo cơ chế tự hạch toán tự trả lương, chỉ có một bộ phận nhất định vẫn tiếp tục nhận lương bao cấp Nhà nước "để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu", và chủ trì các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ - chủ yếu để tăng thêm nguồn thu còn thì thực tế họ đều làm dịch vụ kỹ thuật như nhau.

Tuy vậy họ vẫn có đào tạo tiến sĩ, và cũng có cử người đi đào tạo và nhận các tiến sĩ từ nước ngoài về. Thiếu những nghiên cứu cơ bản theo chiều sâu, với công bố quốc tế và sáng chế, khó có thể xây dựng được nên một nền công nghệ quốc gia hiện đại như mong đợi.

Những sự cố gần đây liên quan tới nứt rò đập Thủy điện sông Tranh 2,  bong tróc lớp phủ đường cầu Thăng Long, nơi họ đã áp dụng các công nghệ thời sự của thế giới trong xây dựng, nhưng thiếu các nghiên cứu song song ở mức thỏa đáng, để có thể nắm chắc và xử lý các vấn đề phát sinh. Chưa nói tới cải tiến kỹ thuật, phản ánh đúng thực tế đáng lo cho năng lực KH- CN của chúng ta hiện nay.

Tôi có dịp dự một buổi báo cáo một đề tài nghiên cứu cấp Bộ bên Viện khoa học Kỹ thuật Giao thông.

Họ phân tích các vết nứt hình thành ở các dầm cầu bê tông cốt thép, chủ yếu ở các đầu khớp, được xây dựng theo kỹ thuật quốc tế, ở nhiều địa điểm trong Nam ngoài Bắc, với nhiều bức hình cận cảnh ấn tượng, và cả kỹ thuật xây dựng cụ thể từng nơi.

Họ có những phân tích có lý, có tính toán cụ thể để giải thích hướng đi các vết nứt, kiến nghị thay đổi cách gia cố cốt thép và xử lý công nghệ cụ thể. Họ cũng đề xuất và đã áp dung cả giải pháp khắc phục các vết nứt hiện có sử dụng nhựa epoxy gia cường sợi.

Tôi đã phát biểu gợi ý họ gửi kết quả công bố tạp chí quốc tế chuyên ngành, thậm chí sẵn lòng giúp họ chỉnh sửa bài viết nếu cần. Tôi tin rằng một vấn đề ứng dụng thời sự với các case-studies cụ thể như vậy sẽ thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong lĩnh vực.

Đây là một cơ hội "được phản biện" không mất tiền từ các chuyên gia quốc tế. Dù bài báo có thể sẽ bị yêu cầu chỉnh sửa nhiều và thậm chí bị từ chối, chúng ta cũng sẽ học được nhiều qua ý kiến của các phản biện quốc tế, và tiếp tục vươn lên trong nghiên cứu làm chủ công nghệ.

Họ cũng gật gù tán đồng, nhưng rồi sau đó cũng chẳng thấy làm gì cả theo hướng đó. Dường như, họ còn nhiều bận tâm khác trong khi chẳng có sức ép và khuyến khích gì cho các nghiên cứu nâng cao tiếp tục như vậy.

Thư viện ở viện này còn có tiền mua hẳn một tạp chí kỹ thuật cầu đường quốc tế từ Mỹ, trong khi thư viện Viện Cơ chỉ có tiền mua một số tài liệu trong nước.

Khi tôi giới thiệu về Thư viện điện tử ở 25 Lý Thường Kiệt, vị Viện trưởng lệnh ngay cho cấp dưới liên hệ mua ngay một mã đặt ở thư viện để các nghiên cứu sinh tham khảo (không biết rồi họ có tham khảo không, và các chuyên gia của viện thì sao?)

Có thể nói, rất khó để thay đổi văn hóa nghiên cứu ở các viện kỹ thuật của các Bộ, ngành nếu không có các chính sách khoa học công nghệ thích hợp và quyết tâm từ trên.

Tuy nhiên nếu Quỹ Nafosted tiếp cận và thu hút được một số nhóm nghiên cứu từ các viện này tới nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là các tiến sĩ trẻ từ nước ngoài mới về còn đang chưa mất đà nghiên cứu- để gieo lên những hạt mầm từ đó - có thể sẽ là một khởi đầu tốt.

Không tác động được tới trình độ các nghiên cứu ứng dụng và cận ứng dụng- nơi thực sự đang là những điểm yếu, chúng ta sẽ không vực dậy được cả nền KH- CN yếu kém tổng thể của chúng ta hiện nay, và sẽ tiếp tục làm mất niềm tin của xã hội.

Đây là thống kê công bố quốc tế của VN so với TL của GS Nguyễn Văn Tuấn:

Lĩnh vực

Việt Nam

Thái Lan

Tỉ số TL/VN

Y học lâm sàng

1175

7425

6.32

Vi sinh học

293

1610

5.49

Vật lí

998

1520

1.52

Thực vật học

948

3571

3.76

Môi sinh

366

1370

3.74

Hoá học

573

4608

8.04

Miễn dịch học

148

847

5.72

Kĩ thuật

612

3150

5.14

Địa chất

255

524

2.05

Nông học

346

2000

5.78

Toán học

787

499

0.64

KH xã hội

374

1297

3.47

Sinh hoá

182

1956

10.74

Sinh học phân tử

94

668

7.10

KH vật liệu

246

1688

6.86

Dược học

118

1178

9.98

KH không gian

36

109

3.02

KH máy tính

141

717

5.10

Kinh tế

88

286

3.25

Tâm thần

34

143

4.20

Đa ngành

13

499

38.38

Tổng cộng

7850

35588

4.53

Nguồn: Số liệu trong bảng này được lấy từ cơ sở dữ liệu của Web of Science (Viện Thông tin Khoa học, Mĩ). Thời gian 2002- 2011. Số liệu chỉ tính những bài báo "article" (tức là bài báo nguyên thuỷ), chứ không tính các bài tổng quan và abstract/ proceeding.

Phạm Đức Chính