Không cần phải là "cây đa, cây đề" mới dễ công bố, vì khoa học nói chung là một môi trường khá dân chủ.

LTS: Mới đây, VietNamNet có đăng bài "Hơn 9000 giáo sư sao không có bằng sáng chế?". Liên quan đến chủ đề này là việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam còn gặp nhiều rào cản.

Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây của GS Nguyễn Văn Tuấn như một ý kiến tham góp tháo gỡ những rào cản hữu hình và vô hình, để nghiên cứu khoa học Việt Nam thực sự hội nhập thế giới hiện đại.

Mới đây, một nhà báo có nhã ý hỏi tôi bình luận về vấn đề công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế, xoay quanh những khó khăn trong việc công bố các kết quả nghiên cứu, mà tôi gọi là rào cản.

Rào cản lớn: Tiếng Anh

Nhà báo nêu ra 4 nguyên nhân. Đó là: 1)Khả năng chuyên môn còn hạn chế. 2)Chưa có kinh nghiệm trong việc công bố quốc tế. 3)Trở ngại về vấn đề tiếng Anh. 4)Chi phí công bố.

Từ thực tế nghiên cứu, công bố các đề tài và theo dõi vấn đề này, theo tôi, một trong những nguyên tắc, và cũng là văn hoá khoa học, là nhà khoa học phải công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học.

"Diễn đàn" ở đây nên hiểu là những tập san khoa học có bình duyệt (peer review journals) trong và ngoài nước, những hội nghị chuyên ngành v.v.  Sự hiện diện của Việt Nam trên trường khoa học quốc tế hiện rất khiêm tốn.

Trong thời kì hội nhập quốc tế, một hoạt động không thể thiếu là công bố các kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế. Đó không chỉ là một cách hội nhập, mà còn nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhưng trong thực tế, việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế gặp nhiều khó khăn vì nhiều nhà khoa học Việt Nam chưa quen với qui trình, qui ước công bố, cách viết, và nhất là tiếng Anh.

Phải nhìn nhận một thực tế là ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học, trong một thời gian dài, chưa bao giờ công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế, nên họ chưa làm quen với với những qui trình trong việc công bố một bài báo khoa học.

Những vấn đề có thể nói là rất cơ bản như cách viết và trình bày một bài báo khoa học ra sao, văn phong khoa học như thế nào, cách trả lời các chuyên gia bình duyệt bài báo sao cho ổn, v.v. đều còn mới lạ đối với không ít nhà khoa học.

Một rào cản rất lớn khác của các nhà khoa học Việt Nam là vấn đề tiếng Anh. Hầu hết các tập san khoa học trên thế giới trong danh mục ISI và Scopus đều viết bằng tiếng Anh.Nhiều nhà khoa học Việt Nam thuộc thế hệ trước có kinh nghiệm cao thì không am hiểu tiếng Anh.  Thế hệ các nhà khoa học được đào tạo từ các nước phương Tây tuy có am hiểu tiếng Anh, nhưng vì chưa đủ cọ sát sau khi học nên chưa đủ trình độ tiếng Anh để viết một bài báo hoàn chỉnh.

Do đó, tôi nghĩ các nhà khoa học Việt Nam nên hợp tác với đồng nghiệp ngoại quốc để công bố kết quả nghiên cứu.  Hợp tác với nước ngoài cũng là một cách hội nhập, bởi vì qua đó các nhà khoa học có thể học cách thức công bố, học tiếng Anh, học cách làm, v.v.

Nhưng vấn đề đặt ra là hợp tác như thế nào để "bản quyền" tri thức vẫn thuộc về Việt Nam, chứ không thuộc về người ngoại quốc.  Điều này đòi hỏi khả năng thương lượng và bản lĩnh của nhà khoa học.


Ảnh minh họa

Tên tuổi và chưa...tên tuổi

Thiết nghĩ, không cần phải là "cây đa, cây đề" mới dễ công bố, vì khoa học nói chung là một môi trường khá dân chủ.

Các nhà khoa học Việt Nam nên hợp tác với đồng nghiệp ngoại quốc để công bố kết quả nghiên cứu.  Hợp tác với nước ngoài cũng là một cách hội nhập, bởi vì qua đó các nhà khoa học có thể học cách thức công bố, học tiếng Anh, học cách làm v.v...

Dĩ nhiên, tác giả có tên tuổi thì dễ công bố hơn tác giả chưa có tên tuổi trong chuyên ngành. Nhưng trong thực tế, người ta căn cứ vào chất lượng nghiên cứu hơn là tên tuổi của nhà khoa học để quyết định chấp nhận công bố một bài báo khoa học.

Còn vấn đề chi phí công bố, tôi nghĩ không quá lớn để trở thành một rào cản. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhà xuất bản tính ấn phí cho mỗi trang, và giá thường dao động trong khoảng 50 đến 100 USD/trang, tuỳ theo số trang và có hình ảnh màu hay không.

Có nhiều tập san miễn ấn phí cho các nước "nghèo", và Việt Nam được xếp vào nhóm các nước nghèo (trong thực tế tôi đã từng giúp đồng nghiệp trong nước công bố trên những tập san quốc tế mà không tốn một ấn phí nào cả).

Trong trường hợp tập san lấy ấn phí, tôi biết có nhiều đại học Việt Nam sẵn sàng trả ấn phí (và họ nên làm như thế) nếu bài báo được công bố.

Nhưng vấn đề lớn nhất, là các nhà khoa học Việt Nam chúng ta có động lực để nghiên cứu khoa học, và cơ chế quản lý khoa học- công nghệ có tạo điều kiện cho họ không?

Nguyễn Văn Tuấn

------

*Nguồn: Blog Nguyễn Văn Tuấn. Tuần Việt Nam biên tập, đặt tít bài và các tiêu đề nhỏ.