Hàng trăm cán bộ xã thôn là một "vấn nạn" thực sự khiến dân khó sống chứ đừng nói đến cụm từ ấm no, hạnh phúc.
Đọc bài "Phía sau những con số gây... sốc" của tác giả Phạm Đi (TVN, 17/7), tôi đã bị sốc thực sự. Điều đáng buồn nhất: Tác giả là người đang công tác tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh- có nghĩa là có ảnh hưởng ít nhiều đến cung cách đào tạo, sử dụng cán bộ trên tầm vĩ mô!
Chính vì thế, tôi rất muốn trao đổi lại với tác giả, để mong sao dư luận và cách tư duy của những người trong cuộc- tất cả những ai có trách nhiệm liên quan đến việc tổ chức bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương - sẽ có cách nhìn nhận thỏa đáng hơn...
"Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi"
Tác giả Phạm Đi đặt câu hỏi rằng "Liệu ai dám nói rằng một xã có 254 là ít (hay là đủ)? Một xã có 500 cán bộ là nhiều hay ít". Chưa dừng lại ở đó (có lẽ vì sợ người đọc chưa chịu hiểu nên ông nhấn mạnh thêm: "Nói nhiều thì nhiều nhưng nói không nhiều thì cũng không nhiều".
Hai lập luận trên đã gần như tạo đủ sốc rồi nhưng ông Phạm Đi vẫn không chịu dừng mà còn chốt vấn đề ở phần kết: "Nếu 500 cán bộ mà hoạt động hiệu quả, tích cực, trợ giúp đắc lực để nâng cao mức sống và chất lượng sống của nhân dân, đem lại đời sống ấm no hạnh phúc bình an cho cư dân thì không là vấn đề"
Có lẽ, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chưa hề thấy ai nói rằng bộ máy hành chính cồng kềnh đồng nghĩa với hiệu quả công việc, song song với mức tăng lên của hạnh phúc và bình an.
Thứ nhất, nó vi phạm nguyên tắc tối giản của kinh tế: Cái bánh phúc lợi- tiền của chỉ có chừng đó cho mỗi gia đình, bớt đi một phần không thể bù đắp nổi để nuôi cán bộ, chắc chắn sẽ gây khó khăn trong đời sống.
Thứ hai, không lẽ tác giả Phạm Đi không biết chuyện Phật Hoàng Trần Nhân Tông:
Sau khi nhường ngôi cho vua con Trần Anh Tông, ít lâu sau, từ Yên Tử trở về, liếc qua cuốn sổ ghi chép việc vua con phong quan, người đã cầm cuốn sổ đó vất ra giữa sân. Và thét lên, tiếng thét còn nhói đau cho đến tận bây giờ, dù 700 năm đã trôi qua: "Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi"(!)
Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469-1527) được coi là cha đẻ của nền chính trị học cận hiện đại đã tổng kết một trong những nguyên lý để đời: "Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất".
Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi". Ảnh minh họa |
Cũng tương tự như thế, có thể đặt câu hỏi tại sao nhiều nước trên thế giới chỉ có 1 phó tổng thống hay 1 phó thủ tướng? Xin nhấn mạnh thêm là thời Nguyễn, tổng số quan lại cả nước ít hơn 2.500 và, cơ cấu chức sắc, sai dịch mỗi xã, không quá 5 người!
Đồng ý rằng bây giờ dân cư đông hơn, công việc nhiều hơn, sự phức tạp tăng lên, nhưng không có nghĩa vì thế mà nói rằng 500 cán bộ là không nhiều nếu phúc dân, lợi nước.
"Vấn nạn" phải thay đổi
Bộ máy hành chính cồng kềnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên sự trì trệ, chậm phát triển. Đây là tổng kết của hàng ngàn công trình nghiên cứu trên toàn thế giới. Hàng trăm cán bộ xã thôn là một "vấn nạn" thực sự khiến dân khó sống chứ đừng nói đến cụm từ ấm no, hạnh phúc.
Xin đưa ra một dẫn chứng không nhỏ của một câu chuyện thực 100%. Tháng 6/2012, tôi được Bộ môn Công tác Xã hội mời phản biện khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Lê Thị Lý, đề tài "Công tác xã hội với phương pháp giáo dục con cái trong các gia đình nông thôn hiện nay" (Trường hợp nghiên cứu ở xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).
Có lẽ, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chưa hề thấy ai nói rằng bộ máy hành chính cồng kềnh đồng nghĩa với hiệu quả công việc, song song với mức tăng lên của hạnh phúc và bình an. |
Theo đánh giá chủ quan của tôi, đây là một khoa luận tốt nghiệp thuộc loại xuất sắc, trừ một chi tiết: Ở trang 17, tác giả đưa ra biểu đồ hình tròn, trong đó nói rõ số gia đình cán bộ trong xã Tiên Kỳ chiếm đến 20% tổng số gia đình(!)? Tôi đã nói "nặng lời" với sinh viên rằng, không bao giờ có chuyện 1 xã có hơn 5.500 dân lại có đến 1/5 là cán bộ (kể cả con cái, cha mẹ...).
Cô sinh viên đã khóc và không hề cãi, chỉ lí nhí cho tôi biết: "Em lấy theo số liệu thực tế do Ủy ban xã cung cấp".
Xin thông tin thêm để tác giả Phạm Đi và độc giả được biết là tổng giá trị sản xuất toàn xã Tiên Kỳ (năm 2011) là 22.911 triệu đồng. Xã có 1.345 con trâu, 790 con bò, 2.530 con lợn... Số 23 tỷ đồng ấy, chi phí giống, phân, dầu, điện chạy máy bơm, thuốc trừ sâu... hết 30%.
Biểu đồ hình tròn trong khóa luận tốt nghiệp của Lê Thị Lý |
15 tỷ đồng cho 5.430 người, vị chi là thu nhập bình quân đầu người/ năm= chưa đến 3 triệu đồng(!) Vậy, mỗi tháng có vài trăm ngàn, với đủ thứ phải chi, còn nuôi thêm hàng trăm cán bộ nữa, làm sao hạnh phúc? Cứ cho rằng mỗi gia đình có 4 người, thì số cán bộ ít nhất là 300 người(!)?
Chuyện khóa luận tốt nghiệp của em sinh viên Lê Thị Lý rồi cũng qua đi. Nhưng sau khi biết con số cán bộ ở xã Quảng Vinh, Quảng Xương, Thanh Hóa, thì tôi phải gọi điện cho cựu sinh viên Lê Thị Lý và xin lỗi em.
Em động viên tôi và cũng nói lại rằng số liệu của em cũng không chính xác lắm, ít hơn 20%. Cho dù là thế đi nữa thì đó cũng là một con số khủng khiếp rồi!
Chuyện Quảng Vinh, Tiên Kỳ và vô số nơi khác là một nỗi khổ, một nỗi buồn thực sự.
Nếu nhiều cán bộ như thế vẫn không là vấn đề, tai sao Thủ tướng phải có Công điện khẩn yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa giải trình? Chỉ riêng điều này thôi, đã phản bác lại quan niệm cho rằng nhiều cán bộ cũng không sao!
Thịnh Hà