Một khi đặc quyền đi lại trên đường công cộng được ban phát cho quá nhiều người, thì nó có thể làm hỏng bức tranh chung về tôn trọng chuẩn mực.

Một người đang lái xe khách, bỗng dưng nổi cơn suyển, ho liên tục và mất lái, khiến xe đang chở đầy khách lao xuống vực; nhiều người bị thương, nhưng rất may không có ai tử vong. Mẩu tin nhỏ xuất hiện trên cột tin nóng của tờ báo mạng giúp người ta biết rằng sự việc chỉ vừa mới xảy ra. Giả sử tin đó xuất hiện trên báo giấy, thì có khi người đọc phải nhìn lên đầu trang xem có đúng là đang đọc số báo ngày hôm đó hay chỉ là số báo cũ của một trong những ngày hôm nào trước đó.

Bởi theo kịch bản tương tự, với nguyên nhân cũng tương tự, như lái xe ngủ gật, say rượu, mất tập trung,... tai nạn giao thông xảy ra hầu như hàng ngày.

Cách nay hơn một tuần, còn có hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Bảy người, trong đó có 5 đứa trẻ,  đang ngồi ăn sáng trong một quán ăn bên đường bỗng dưng bị một chiếc ô tô con, do lái xe ngủ gật mất lái, đâm thẳng vào. Ở một nơi khác, ba người đèo nhau trên một chiếc xe máy, chạy lấn đường với tốc độ nhanh trong tình trạng say rượu, lao thẳng vào xe khách đang chạy theo chiều ngược lại. Trong vụ thứ hai, những người này tự gây ra tai nạn cho mình; còn trong vụ thứ nhất, những người kia, và còn phải kể thêm bà chủ quán, là nạn nhân trong tai nạn do kẻ khác gây ra. Tất cả đều tử vong tại chỗ.


Ảnh: Laodong.

Có người ví giao thông công cộng ở Việt Nam như một cuộc chiến tranh khốc liệt và dai dẳng, nếu xét theo tiêu chí tổn thất về người và của. Rất nhiều biện pháp đã được thực hiện, từ hoàn thiện luật pháp, giáo dục ý thức tôn trọng chuẩn mực khi đi lại trên đường công cộng tại nhà trường cũng như trên các phương tiện truyền thông,  phát động phong trào hành động chung, đến tăng cường lực lượng và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, tuần tra. Nhưng rồi tình hình vẫn như cũ.

Có lần, dường như để tự an ủi, động viên, người ta cho phát trong một chương trình thời sự của kênh truyền hình quốc gia một phóng sự vẽ lại bức tranh giao thông công cộng ở Nhật Bản vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, với nhiều nét cơ bản được cho là giống như tính hình ở nước ta hiện tại. Hẳn người làm phóng sự muốn nói rằng đã có những xử sở văn minh cũng từng trải qua thời kỳ hỗn mang, lộn xộn trước khi được như ngày hôm nay. Vậy thì mình cũng có quyền hy vọng.

Tất nhiên, để có được sự chuyển biến từ xấu thành tốt, người ta phải làm gì đó. Đáng chú ý, như một điểm nhấn trong phóng sự ấy, là phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của một chuyên gia Nhật về cách làm thay đổi thói quen chạy xe theo bản năng của con người. Theo ông, cần đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục ý thức tôn trọng luật đi đường ngay từ tấm bé, từ tuổi mẫu giáo. Bởi đơn giản, tất cả những người lái xe trên đường hôm nay đều là những người từng được nuôi dạy ở các trường mẫu giáo, tiểu học ngày hôm qua. Một xã hội gồm toàn những công dân được giáo dục chu đáo về luật giao thông sẽ có điều kiện chung tay tạo ra một bộ mặt giao thông công cộng tích cực.

Chắc chắn là phải dạy trẻ thật kỹ về luật đi đường. Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì chưa đủ để có được sự tôn trọng luật lệ giao thông phổ biến. Trẻ mà được dạy một đàng, ra phố quan sát lại thấy một nẻo, thì coi chừng nó nghĩ rằng thầy, cô nói láo và đạo đức giả, càng hỏng.

Bởi vậy, song song với việc uốn nắn công dân từ bé, phải tổ chức việc thực thi pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Cần ra luật cho phép xử phạt thật nặng các vụ vi phạm pháp luật trong giao thông, chẳng hạn phạt tù giam thật lâu, phạt tiền gấp nhiều lần thu nhập.

Cần xử lý thật nghiêm mọi trường hợp vi phạm, bất kể người vi phạm là quan chức hay thường dân, giàu hay nghèo. Cần xử lý nghiêm luôn cả những người chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mà có hành vi tiêu cực, bê bối làm mất uy tín của nhà chức trách.

Đặc quyền

Có một điểm ít người chú ý trong quá trình phân tích nguyên nhân tình trạng giao thông hỗn loạn. Đó là sự tồn tại của hệ thống đặc quyền trong giao thông công cộng, với những quyền cho phép người thụ hưởng đi lại trên đường theo một lối riêng, như một phá cách. Chẳng hạn, quyền miễn dừng lại trước đèn đỏ, miễn xếp hàng khi đi qua cầu, phà, trạm thu phí; quyền chạy xe ngược chiều.

Thực ra, đặc quyền tự nó không phải là cái gì xấu, cũng không phải là tác nhân gây mất trật tự. Về bản chất, đặc quyền được lý giải bằng sự cần thiết của việc bảo vệ một lợi ích chính đáng lớn hơn trong điều kiện giữa các lợi ích chính đáng có sự xung đột. Ví dụ, trong trường hợp cần cứu người khẩn cấp, xe cứu thương có thể vượt ngã tư khi đèn đỏ.

Vấn đề là trong khung cảnh hiện tại đặc quyền đang có dấu hiệu bị lạm dụng, nhất bởi những người có quyền. Đáng nói nữa là việc yêu thích thụ hưởng đặc quyền của người có quyền lực thường được giải thích không chỉ đơn giản vì nó đem lại những tiện ích, mà còn vì nó được cho là có tác dụng giúp phân biệt nhà quan với tầng lớp thường dân.

Một khi đặc quyền đi lại trên đường công cộng được ban phát cho quá nhiều người, thì nó có thể làm hỏng bức tranh chung về tôn trọng chuẩn mực. Trong mắt con trẻ đã được học luật giao thông, hình ảnh một người lái xe ung dung vượt đèn đỏ hoặc chạy ngược chiều, dù không phải là để bảo vệ một lợi ích lớn như cứu người, chữa cháy, bắt cướp,... dễ gây phản cảm.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện