Kỳ I: "Giải cứu doanh nghiệp" - Giẫm chân tại chỗ

Chỉ trong 3 tháng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) có 4 lần giảm lãi suất huy động VND: Ngày 13/3 từ mức 14 xuống 13%/năm; tiếp theo là các ngày 11/4 và 28/5 lần lượt về 12% rồi 11% và lần mới đây là 9%/năm. Tương ứng là các đợt giảm lãi suất cho vay, tất nhiên là thường diễn ra sau một thời gian. Nhìn lại hoạt động của ngành này, chưa có năm nào NHNN lại có động thái giảm lãi suất huy động và cho vay cấp tập như vậy! Điều gì đằng sau đó, nếu không phải là do sức ép từ dư luận xã hội, kiến nghị của các nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế và các cơ quan thông tấn báo chí?

Tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân (ngày 8-9/4/2012) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế đã lên tiếng: "...Cần tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để cứu doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ "giải cứu" doanh nghiệp khỏi tình trạng đình đốn sản xuất và kinh doanh...".

Kể từ đó cặp từ "giải cứu" được nói nhiều tại các diễn đàn, hội thảo kinh tế, thậm chí liên tục mấy tháng nay, xuất hiện hàng ngày trên các trang báo in và các phương tiện truyền thông khác từ trung ương đến địa phương (thực ra lời kêu than của của doanh nghiệp lác đác đã được gióng lên từ các tháng cuối năm 2011). Kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XIII mới đây, cặp từ đó cũng được một số đại biểu làm nóng nghị trường ở các phiên chất vấn, tranh luận.

Ảnh minh họa

Vì sao nên nỗi hàng chục ngàn doanh nghiệp trong cả nước đã phải phá sản hoặc đang lâm vào cảnh "sống dở chết dở", để người đứng đầu Viện kinh tế của cả nước phải công khai kêu gọi "cần tập trung sức mạnh quốc gia... giải cứu"? Lý do chủ quan tự doanh nghiệp có, nhưng có một lý do được nói đến nhiều nhất, đó là: Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải chịu gánh nặng chi phí lãi suất cho vay quá cao, bình quân cao hơn các đối thủ cạnh tranh là các nước trong khu vực từ 2- 4 lần! Kể cũng lạ, Việt Nam là nước đang phát triển, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp còn yếu và thiếu, nói mộc hơn là còn nghèo - người dân đều biết thực tế đó, các nhà nghiên cứu, quản trị kinh tế nhiều Bộ, ngành... lại càng biết hơn. Vậy thì, ai cũng biết chỉ có "ông"ngân hàng là không biết nên họ mới áp lãi suất cho vay "giỏi" hơn các nước khác?

Lại cũng lấy làm lạ nữa, mặt hàng liên quan đến đông đảo người tiêu dùng, tác động đến thị trường giá cả như xăng dầu, tăng giảm thời điểm nào, bao nhiêu, có đợt chỉ 500-700 đồng/lít đều phải do Liên Bộ Công Thương- Tài chính cùng đồng tình. Hay việc tăng giá điện, giá than... các bộ ngành, nghị trường Quốc hội phải bàn thảo chán. Riêng tăng, giảm lãi suất huy động, cho vay VND- huyết mạch lưu thông của cả nền kinh tế (trực tiếp tác động đến sản xuất và kinh doanh của cả cộng đồng doanh nghiệp và ảnh hưởng nhiều đến xã hội và người tiêu dùng đấy chứ) thì ngân hàng một mình một sân! Có công bằng và khách quan không nhỉ hay do ngân hàng là ngành "... bạo vì tiền"?

Ba tháng diễn ra 4 lần giảm lãi suất huy động và cho vay, sự "lắt nhắt" về thời gian và "nhỏ giọt" về tỷ lệ giảm mỗi lần, phải chăng NHNN lúng túng, bị động trước sự bức bách của xã hội hay là thể hiện sự loay hoay, chi li trong tính toán cho mình? Lãi suất cho vay từ cuối năm 2011 là 22,5%...  lần lượt đến ngày 15/7 giảm xuống 15%/năm (đó là thông báo của NHNN, còn thực tế các ngân hàng thương mại (NHTM) có giảm ngay hay không lại là chuyện khác). Trong khi lãi suất huy động lần cuối đã được áp dụng từ ngày 11/6- có hơn 1 tháng "múa gậy trong bị"như PGS-TS Hoàng Thọ Xuân, nguuên Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước(Bộ Công Thương) - các NHTM kiếm được bao nhiêu lời? Xin lưu ý, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay lâu nay luôn được "neo" ở biên độ 6 - 7%. Như vậy, việc tăng hay giảm chỉ có tác động bởi người gửi tiền và doanh nghiệp đi vay chứ "cái bát" của ngành Ngân hàng vẫn cứ "đầy" như thường .

Rốt cuộc thì với việc giảm trần lãi suất cho vay xuống 15%/năm cũng chẳng được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận, mặc dù lần đầu tiên người ta thấy đích thân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có hai buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với lời kêu gọi "đã đến lúc doanh nghiệp và ngân hàng phải ngồi lại với nhau". Kể cũng thật lạ, ngân hàng và doanh nghiệp "ngồi" với nhau là lẽ đương nhiên. Hóa ra ngân hàng lánh xa doanh nghiệp từ bao giờ vậy? Nhưng đến nước này ngồi "chung mâm" khó thật bởi các doanh nghiệp nhận ra, họ với ngân hàng vẫn chỉ là chuyện "đồng sàng dị mộng"! Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều nhà phân tích, kể cả báo giới cũng chỉ ra rằng, việc áp trần lãi suất cho vay mới với Thông tư 14 của NHNN ban hành trước đó là chạy theo thực tế; ngân hàng vẫn không thực tâm, chỉ là đánh đố doanh nghiệp... Ông Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong một bài trả lời phỏng vấn báo giới còn nói trắng phớ ra rằng: ... Các ngân hàng chỉ "giả vờ" cứu doanh nghiệp mà thôi!

Nhiều người đặt giả thiết: Thay vì "nhỏ giọt, lắt nhắt" về tỷ lệ và thời gian, nếu từ đầu năm NHNN giảm lãi suất huy động, cùng đó giảm lãi suất cho vay mạnh tay hơn, tương tự đến tháng 7 giảm xuống 12-13%/năm, thậm chí thấp hơn có phải liều thuốc "giải cứu" doanh nghiệp sẽ hữu hiệu hơn không? Có vẻ như cho đến thời điểm này, nhà băng vẫn đang còn lấn bấn, loay hoay lo cho "cái bát" của mình hơn là nghĩ đến"cái mâm"- nền kinh tế cả nước- nếu không thì người đứng đầu NHNN đã chẳng quả quyết: Trần lãi suất cho vay 15%/năm sẽ giữ ổn định trong vòng 1 năm nữa! Nếu đúng như vậy thì việc "giải cứu doanh nghiệp" đã và đang được Chính phủ, nhiều bộ, ngành và cả dư luận xã hội quan tâm coi như giẫm chân tại chỗ?

Kỳ II: Cần lo nhiều hơn cho... "cái mâm"

Bùi Đức Khiêm