Không ít người sửng sốt trước thông tin bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) được website du lịch uy tín của thế giới TripAdvisor® bình chọn là một trong những "Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012". Bởi đơn giản, với đa số người dân, bảo tàng chưa bao giờ là một điểm tham quan hấp dẫn.
TS Lê Thị Minh Lý, uỷ viên hội đồng Di sản quốc gia, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá kể lại một câu chuyện. Năm ngoái, khi đi ngang qua bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bị thu hút bởi bức tường kính lớn với những hình ảnh sinh động nằm ngay "cổng chào", một đồng nghiệp quốc tế của bà, vốn là giám đốc một bảo tàng về ảnh tại Bỉ, đã đòi ghé thăm, và để lại nhận xét: "Đây là một trong những bảo tàng hấp dẫn nhất của Việt Nam!" Vị khách đặc biệt ấy không biết, trong quá khứ chưa xa, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từng mang một diện mạo cũ kỹ, nội dung buồn tẻ, đơn điệu và nặng tính báo cáo thành tích như hầu hết các bảo tàng khác của Việt Nam.
Nhưng, đã có một cuộc "đại phẫu", đúng hơn, là một cuộc tự "thay máu", diễn ra âm thầm suốt bốn năm (từ năm 2006 đến tháng 10.2010), với sự giúp sức của các chuyên gia trong nước và quốc tế. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc bảo tàng Dân tộc học đề xuất trước tiên cần dẹp bỏ thói quen làm nội dung trước, tìm hiện vật sau; nên uyển chuyển kết hợp hai cách tiếp cận: tiếp cận lịch sử và tiếp cận dân tộc học/nhân học. Trong mỗi trưng bày, nên lấy trọng tâm là những trải nghiệm cuộc đời của những người phụ nữ tiêu biểu và bình thường; đời sống của người dân bình thường trong thời đương đại.
Giáo sư chuyên ngành lịch sử của đại học Harvard (Mỹ) Hồ Huệ Tâm góp ý, bảo tàng nên giới thiệu những người phụ nữ có thật cùng đời sống thật của người phụ nữ qua các thời đại hơn là những hình ảnh, biểu tượng khô cứng, nặng tính tuyên truyền. Chuyên gia nhân học bảo tàng Quai Brandly (Pháp) Christine Hemmet nhấn mạnh: Trưng bày phải thể hiện quan điểm về văn hoá của gia đình người Việt và các dân tộc khác trong sự bình đẳng; giới thiệu các loại hình gia đình mẫu hệ, phụ hệ, song hệ như một sự đa dạng văn hoá, không có thứ bậc nào cao hơn hay thấp hơn, đặc biệt, không đưa ra bình luận, khen chê...
Những góc trưng bày sống động tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Hi Lam/ SGTT |
Trong một sắp đặt khác, cặp áo sơ sinh (có đề chú thích: bệnh viện Phụ sản Trung ương cấp cho mẹ con bà Phùng Thị Tú Anh năm 2005) được đặt cạnh cây dao tre, cật nứa và dây rừng dùng để cắt rốn của người Êđê, tạo nên những so sánh thú vị. Đặc biệt, trong trưng bày "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui", hầu hết hiện vật bao gồm: điện thờ, trang phục, nhạc cụ... đều được đưa ra khỏi tủ kính, trưng bày "trần", đem lại cảm xúc mạnh. Những chia sẻ chân thật của người dân về tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng... cũng được chụp lại, phóng to, đính kèm ảnh người nói, quang cảnh lễ hầu đồng, những làng nghề vàng mã, đúc tượng, thiết kế trang phục dùng trong hầu đồng... Cả một cộng đồng đã tham dự vào trưng bày hấp dẫn này.
Nhìn vào đấy, người ta phần nào trả lời được câu hỏi: "Thay máu" bảo tàng có khó không? Khó chứ, nhưng không phải không làm được!
Tuy vậy, trong hai tiếng đồng hồ ghé thăm bảo tàng vừa được nhận danh hiệu "100 điểm đến hấp dẫn nhất", ngoài khách du lịch quốc tế, người viết không hề thấy một vị khách Việt Nam nào. Dù đã trở thành một bảo tàng về giới hiện đại, chân thực và sống động, nhưng những gian trưng bày đầy ắp tư liệu "sống" của bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vẫn không lôi cuốn được khách tham quan trong nước, thậm chí ngay cả người dân địa phương, hay học sinh tại các trường tiểu học, trung học vốn tập trung dày đặc quanh bảo tàng.
Và, nếu cứ như vậy thì trên thực tế, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ chỉ là "điểm đến hấp dẫn" của những nhóm du khách quốc tế lẻ tẻ và tự phát, của những người dân sống ở xứ xở nào đấy ngoài Việt Nam. Đó đâu phải là mục tiêu của cuộc "đại phẫu" đã diễn ra trong suốt bốn năm trời!
Theo Hương Lan/ Sài Gòn Tiếp thị