Vận động tiết chế lòng tham trong bối cảnh người dân đang bức xúc trước tham nhũng, lạm phát, bão giá... hoặc ông rất lạc quan, hoặc là rất hài hước.

Kỳ họp Quốc hội đang nóng, và nóng hơn nữa với lời kêu gọi 'tiết chế lòng tham' của đại biểu Đỗ Văn Đương.

Nghe ĐB Võ Thị Dung kêu gọi: "498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng", rồi ông Đương: "Hãy dùng con mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại gì cho dân cho nước".

Tôi tin ông Đương chân thành, nhưng nghe xong chẳng biết nên... làm gì?

Cứ cho là lời kêu gọi của ông Đương thành công, chúng ta sẽ có cuộc vận động 'bớt tham' trong một tuần, một tháng hay trong một thời gian cụ thể nào đó; và (cứ cho là) cuộc vận động thành công, các cán bộ công chức sẽ 'tiết chế tham' trong một tuần một tháng hay trong một thời gian cụ thể nào đó.

Nhưng trên thực tế, lòng tham vẫn còn nguyên đó, nó ở sẵn trong bản chất con người, không thể mất đi. Có thể nó bị hãm lại trong một khoảnh khắc, nhưng qua khoảnh khắc đó nó lại bung ra. Chẳng có gì đảm bảo sau đợt vận động của ông Đương kết thúc, cái con quái vật 'lòng tham' lại không nhảy xổ ra ăn ngấu nghiến như cũ. Chưa nói đến chuyện sau cơn đói, cơn ăn 'trả bữa' của nó có khi còn kinh khủng hơn cả trăm lần.

ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ảnh Lê Anh Dũng/VietNamNet

Lại (cứ cho là) ông Đương suy nghĩ và mong muốn thành thật, nhưng ý kiến của ông cũng lại nằm trong vô số những điều mà chúng ta đã quen nghe.

Bế tắc và tai nạn giao thông: "do ý thức của người dân".

Môi trường và văn hóa bị hủy hoại: "người dân cần có ý thức hơn".

Chấp hành luật lệ và nguyên tắc cộng đồng: "cần vận động người dân nêu cao ý thức".

...

Xin thưa, 'ý thức' là một phản xạ có điều kiện trên cơ sở hình thành của luật lệ và luật pháp, bản thân nó không thể tự sinh ra. Trong luật lệ làng xã xưa, nếu cô gái nào chửa hoang sẽ bị gọt đầu bôi vôi rồi thả trôi sông. Do lo sợ bị điều đó mà các cô phải tự 'ý thức' giữ mình. Còn bây giờ, nếu anh vi phạm pháp luật, anh đi tù. Do đó anh phải tự 'ý thức' tránh làm điều gì gây hại cho cộng đồng và người khác. Ở các nước phát triển, anh vứt rác ra đường, không phân loại rác bị phát hiện: phạt tiền. Đi quá tốc độ bị camera ghi lại: phạt tiền. Họ lo sợ bị phạt nên tự động phải có 'ý thức'. Hiểu đơn giản, 'ý thức'  trước hết là vì quyền lợi của chính họ, bảo vệ bản thân họ khỏi bị rắc rối, chứ đừng nói điều gì xa lạ.

Mong chờ sự ổn định xã hội bằng vận động ý thức là không đủ.

Ở sự kiện 'đổ cổng trường Thực nghiệm' cách đây vài tháng. Trong khoảnh khắc cánh cổng mở hé ra, đám đông ào lên, một người phụ nữ mang thai 7 - 8 tháng kẹt giữa đám đông hét thất thanh: "Thế này chết con tôi mất!" Tiếng hét đó sẽ còn day dứt lòng người rất nhiều. Đám đông đó về, chắc chắn lòng đầy trĩu nặng. Nhiều người không dám đến họp phụ huynh sau này, để cho người nhà họ đi thay.

Tôi tin nhiều người trong đó ngay từ ý nghĩ họ cũng không định xô đẩy dẫm đạp người khác, đặc biệt với một phụ nữ mang thai. Khoảnh khắc đó đã làm lòng tự trọng, lương tri... của họ tụt xuống số 0. Khi họ ở nhà đi xếp hàng từ nửa đêm, là họ có LÒNG TIN vào sự trật tự, rằng người đến sau tôn trọng người đến trước. Khoảnh khắc buồn ấy vỡ ra một điều: chẳng 'ý thức' nào áp dụng được cho một đám đông, mà chỉ có thể là những nguyên tắc, quy định cụ thể và khoa học mới tạo ra quy củ.

Chúng ta có quá nhiều lời trách móc dành cho 'ý thức' của người dân trong nhiều tình huống. Xin thưa: con người là đám đông đầy bản năng, và - như đã nói - bản chất số đông đã là hỗn loạn, lại thêm phần bản năng, trong đó có cả lòng tham. Chính vì vậy họ mới phải bầu ra những người lãnh đạo, họ mới cần những người có quản lý để kiểm soát và hướng dẫn đám đông vào sự ổn định. Việc của người được bầu là tìm phương pháp để mỗi cá thể phải kìm hãm tính bản năng của họ và tôn trọng luật lệ cộng đồng, chứ không chỉ việc kêu gọi họ 'ý thức'.

Đó chỉ là ngụy biện cho sự vô trách nhiệm hoặc năng lực quản lý yếu kém mà thôi.

Trở lại với cuộc vận động tiết chế lòng tham của ông Đương. Ông đưa ra ý tưởng trong bối cảnh người dân đang bức xúc trước tham nhũng, lạm phát, bão giá... hoặc ông rất lạc quan, hoặc là rất hài hước.

Ai cũng tham, ĐBQH Đương ạ. Ai cũng có 24h trong một ngày, có khoảng một tiếng trong ngày để lo đưa con đến trường và đi làm. Trong khoảng thời gian ấy, ai cũng hối hả lo con muộn học, bản thân muộn làm. Sếp trừ lương, đuổi việc. Họ phải bon chen, phải luồn lách, leo vỉa hè... phải dùng mọi cách để đi dù họ biết điều đó là phạm luật, là không văn minh. Nhưng họ buộc phải làm, đằng sau họ là gia đình, là cơm áo gạo tiền, là con cái học hành...

Nếu có thời gian xin các vị vào bệnh viện. Trước cửa phòng khám là muôn hình muôn vẻ cuộc đời: bon chen, giành giật, lừa đảo... Ở nơi đó 'lương tâm' 'ý thức'... này khác là những khái niệm xa xỉ.

Nhiều người buộc phải tham: tham thời gian, tham cơ hội, tham tiền, thậm chí tham dù vài cm đường để nhích bánh xe lên. Đừng đòi hỏi họ 'ý thức' lúc đó, vì họ còn phải sống. Đấy là với những người dân thường, với những lợi ích cũng cực kỳ thường; thì với những món lợi 'không thường' mà họ 'tiết chế' được mới là bất thường.

Trừ khi những người được họ bầu ra tìm được cho họ giải pháp, kiếm soát họ bằng kỷ cương; chứ không hô hào lương tâm suông; hay chống tham nhũng bằng lời hứa.

Tóm lại, điều người dân mong chờ nhất ở những người đại diện tiếng nói người dân là sự tỉnh táo, thẳng thắn 'chỉ mặt đặt tên' những vấn đề cụ thể, những tội danh cụ thể, những người chịu trách nhiệm cụ thể về tiêu cực, trong đó có tham nhũng mới mong thay đổi được điều gì đó.

Nếu không được thì cũng mong các vị bớt đổ lỗi và hứa hẹn, và cũng bớt hài hước đi cho. Nghĩa là trong chuyện này cũng cần... tiết chế vậy!

Hoàng Hường

Hạt lạ trong áo, chuyện lạ giới showbiz
"Chuyện lạ" về tình nghệ sĩ trong một giới vốn lắm thị phi khiến nhiều người mừng, nhưng hẳn ít ai vui vì chuyện những hạt lạ trong áo ngực.
 
Ai mua diễn văn ra mua!
Các loại mẫu diễn văn như cái phao neo giữ các vị khỏi chìm trong các cuộc họp ngày một dâng cao như lũ.
 
'Gãy cổ' vì vàng thật, lận đận vì vàng giả
Một tuần "ngập" tin tức liên quan đến vàng: một cô dâu đeo đến 5 kg vàng,cô dâu khác nhận sính lễ vàng rởm, rồi chuyện vàng nhái SJC...