Một số trường đại học, trưởng khoa, trường bộ môn chỉ là thạc sĩ, thậm chí có giảng viên, cán bộ trong bộ môn chỉ có bằng đại học tại chức... nhưng lại ngồi xét bổ nhiệm GS/ PGS là điều bất hợp lý.

Sau khi Bộ GD- ĐT công bố Thông tư 30/2012/TT-BGDĐT, trong các trường đại học, cũng như trên các phương tiện đại chúng đã có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung bổ nhiệm Giáo sư/ Phó Giáo sư (GS/ PGS).

Trong bài viết này, người viết xin trình bày một số bất cập của thông tư đang ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của đội ngũ các nhà giáo hiện nay. Với mong muốn những người có trách nhiệm của ngành GD- ĐT lưu tâm hơn.

Càng thay đổi, càng luẩn quẩn rối rắm

Theo Nghị định 20/2001/NĐ- CP ngày 17/5/2001, sau khi được Nhà nước công nhận chức danh GS/ PGS, các tân GS/ PGS được vinh danh suốt đời.

Theo Quyết định 174/2008/QĐ-TTg, xét chức danh GS/ PGS bao gồm hai bước: Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh do Hội đồng chức danh GS Nhà nước quyết định. Bổ nhiệm chức danh GS do Bộ GD- ĐT quyết định.

Sau hai năm thực hiện, theo công văn số 89/CV-HĐCDGSNN 21/7/2011 của Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho biết: Số GS, PGS được bổ nhiệm trên tổng số GS, PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS 2 năm 2009 - 2010 là 94,86%. Còn lại 18 GS và 48 PGS chưa được bổ nhiệm....

Nội dung văn bản này trái ngược với tuyên bố gần đây của ông Nguyễn Hải Thập - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục: Những ai đủ điều kiện được công nhận GS/ PGS sau đó đều được bổ nhiệm chức danh GS/ PGS".

Trước thực trạng đó, ngày 23/12/2010 Thủ tướng CP đã ra Nghị quyết 66/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó nhấn mạnh: Nhập thủ tục "bổ nhiệm chức danh GS/ PGS" vào thủ tục thẩm định, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS và giao cho Bộ GD- ĐT và Hội đồng chức danh GS Nhà nước nghiên cứu, bàn bạc việc tổ chức triển khai.

Theo Thông tư 30/2012/TT-BGDĐT ký ngày 11/9/2012 mới đây: Hội đồng chức danh GS Nhà nước vẫn giữ quyền công nhận chức danh GS/ PGS, còn quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm được giao cho hiệu trưởng các trường. Như vậy Nghị quyết 66/NQ-CP đã không được Bộ GD- ĐT thực hiện.

Và từ đây, cái điệp khúc luẩn quẩn rối rắm xung quanh chức danh GS/PGS lại càng trở nên phức tạp đến không hiểu nổi.

Do văn bản không rõ ràng nên nhiều người lầm tưởng Hiệu trưởng có quyền bổ nhiệm GS/ PGS đồng nghĩa với xét công nhận, nên sẽ "lạm phát" GS. Thậm chí  nhiều phương tiện thông tin lại còn hiểu sai Thông tư 30/2012/TT-BGDĐT, cho rằng GS không cần thông thạo ngoại ngữ!

Lễ công bố chức danh giáo sư, phó giáo sư được tổ chức tại Văn Miếu

Đánh đồng GS với... sinh viên đỗ đại học

Tại buổi tập huấn xét chức danh GS tháng 6/2010, có một ứng viên đã hỏi: Đề nghị phân biệt công nhận chức danh GS và bổ nhiệm chức danh GS?

Ông Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước đã trả lời: Được công nhận chức danh GS giống như thí sinh thi đủ điểm sàn đại học do Bộ GD- ĐT qui định. Còn bổ nhiệm chức danh GS giống như thí sinh không những đủ điểm sàn mà còn đủ điểm chuẩn vào trường mà thí sinh đăng ký.

Như vậy ứng viên được công nhận chức danh GS/ P GS nhưng chưa được bổ nhiệm thì vẫn không được gọi là GS!

Cách hiểu chức danh GS như trên của ông Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước là hoàn toàn sai.

Thứ nhất, điểm sàn vào đại học hàng năm chỉ dao động 13-14 điểm (Khối A), nhưng điểm chuẩn vào các trường lớn có thể lên đến 25 (ví dụ, Đại học Ngoại thương HN). Trong khi đó xét chức danh GS/PGS ở các hội đồng chức danh, không hề có sự phân biệt ứng viên đó thuộc cơ sở đại học nào. Tất cả đều phải đủ điểm công trình khoa học theo chuẩn (tiêu chí chung).

Thứ hai, hiện nay Bộ GD- ĐT vẫn chưa có hướng dẫn về các nhà giáo ở trường đại học này xin bổ nhiệm GS/PGS ở trường đại học khác. Do đó, sau khi đạt chức danh GS/PGS, ứng viên ở trường đại học nào sẽ được bổ nhiệm ở chính trường đại học đó.

Các nhà giáo dạy ở các trường đại học dân lập, đại học mới thành lập ở địa phương, dù đạt chức danh GS/PGS với số công trình khoa học ngang hàng với các GS quốc tế, nhưng không có điều kiện thuyên chuyển công tác đến các trường đại học lớn ở Hà Nội, mà chấp nhận xin bổ nhiệm tại trường đại học địa phương nơi công tác, sẽ mãi mãi mang tiếng cả đời là GS/PGS tỉnh lẻ.

Bởi vì các đại học tồn tại theo hệ phân tầng. Bất cứ nước nào cũng phân biệt giai tầng đại học. Chẳng hạn như ở Mĩ, bên cạnh những đại học tinh hoa như Harvard, Yale, Princeton...v.v., thì cũng có những đại học có thể hiểu theo nghĩa là "địa phương".

Ở Việt Nam, các đại học cũng có phân tầng, và công chúng sẽ nhìn một GS do Đại học Quốc gia TPHCM hoặc Hà Nội bổ nhiệm "cao" hơn một GS do đại học địa phương hay dân lập bổ nhiệm. Trong khi đó các GS/ PGS khi được công nhận ở Hội đồng chức danh GS Nhà nước đều có đẳng cấp như nhau.

Thành phần bổ nhiệm là ai?

Thông tư 30/2012/TT-BGDĐT ngày 11/9/2012 nêu rõ: "Việc tổ chức xét bổ nhiệm GS/ PGS ở bộ môn, khoa, ở hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở giáo dục đại học phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên tán thành".

Lâu nay, những người được bổ nhiệm chức vụ cao cấp do Trung ương quản lý như bộ trưởng, thứ trưởng... thậm chí cả Thủ tướng khi nhận chức cũng không ra Văn Miếu để vinh danh. Trước đây GS/ PGS là phẩm hàm để tôn vinh các nhà khoa học có nhiều cống hiến trong giáo dục đại học nên Nhà nước mới tổ chức vinh danh ở Văn Miếu.

...Nhưng khi xem GS/ PGS là chức vụ để đảm nhiệm công việc ở đại học thì việc tiếp tục vinh danh ở Văn Miếu là không hiểu  đúng bản chất của GS/ PGS hiện nay.

Bộ GD- ĐT không qui định tiêu chuẩn thành viên hội đồng bổ nhiệm chức danh GS/ PGS. Một số trường đại học, trưởng khoa, trường bộ môn chỉ là thạc sĩ, thậm chí có giảng viên, cán bộ trong bộ môn chỉ có bằng đại học tại chức..., nhưng lại ngồi xét bổ nhiệm GS/ PGS là điều bất hợp lý.

Ở các nước tiên tiến, các trường tự bổ nhiệm GS/PGS nhưng họ đã có một nền khoa học nghiêm chỉnh và các cơ chế kiểm soát của cộng đồng nên khó có chuyện bổ nhiệm bậy bạ. Còn ở Việt Nam, với cách làm trên sẽ không tránh khỏi tiêu cực và rối rắm.

Nếu một GS/PGS nào không biết lấy lòng cán bộ trong khoa, bộ môn..., không được 2/3 số phiếu tán thành sẽ không được bổ nhiệm GS/ PGS. Và khi đó hội đồng bổ nhiệm cơ sở sẽ phủ định toàn bộ kết quả xét chức danh của Hội đồng chức danh GS Nhà nước.

Tất yếu xảy ra tình trạng "chạy" bổ nhiệm, chạy xin việc, xin nhu cầu bổ nhiệm, xin phiếu bầu... rất phản cảm.

Chức vụ không phải để vinh danh

Nếu thực hiện bổ nhiệm GS/PGS như Thông tư 30/2012/TT-BGDĐT, ngành GD- ĐT đã xem GS/PGS là chức vụ trong trường đại học giống như chức chủ tịch công đoàn, chủ tịch hội cựu chiến binh, tổ trưởng bộ môn...

Lâu nay, những người được bổ nhiệm chức vụ cao cấp do Trung ương quản lý như bộ trưởng, thứ trưởng... thậm chí cả Thủ tướng khi nhận chức cũng không ra Văn Miếu để vinh danh. Trước đây GS/ PGS là phẩm hàm để tôn vinh các nhà khoa học có nhiều cống hiến trong giáo dục đại học nên Nhà nước mới tổ chức vinh danh ở Văn Miếu.

Đây là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Nhưng khi xem GS/ PGS là chức vụ để đảm nhiệm công việc ở đại học thì việc tiếp tục vinh danh ở Văn Miếu là không hiểu đúng bản chất của GS/ PGS hiện nay.

Hơn thế nữa sau khi được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận chức danh GS/PGS, các ứng viên còn phải qua công đoạn bổ nhiệm ở cơ sở và phải qua bầu bán đạt 2/3 số thành viên tán thành mới chính thức mang danh GS/PGS.

Việc bầu bán đều có xác suất may rủi, nên không thể khẳng định 100% những nhà giáo được công nhận GS/PGS sẽ đủ phiếu tín nhiệm ở cơ sở. Do đó việc vinh danh GS/PGS ở Văn Miếu (sau khi được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận) là cách làm không phù hợp nữa.

  • Lê Nhiệm