GS, PGS là một chức danh kèm chức vụ (không còn là học hàm). GS của trường đại học X, nhưng không thể là GS của trường đại học Y, càng không thể là GS của "tất cả".
Bài Tù mù bổ nhiệm Giáo sư của tác giả Lê Nhiệm trên Tuần Việt Nam ngày 26/11 đã làm không ít người đọc...giật mình. Giật mình ngay khi đọc cái chapeau (lời dẫn) của bài báo "Một số trường đại học, trưởng khoa, trưởng bộ môn chỉ là thạc sĩ, thậm chí có giảng viên, cán bộ trong bộ môn chỉ có bằng đại học tại chức...nhưng lại ngồi xét bổ nhiệm GS, PGS".
Liệu có cử nhân tại chức làm giảng viên?
Người viết bài chưa/ không có may mắn là GS cho nên cũng chưa rõ lắm cái qui trình xét, cộng nhận, bổ nhiệm GS, PGS ra sao. Nhưng đọc bài viết của tác giả Lê Nhiệm thì thấy phải suy nghĩ nhiều và mệt cái đầu quá.
Thực ra chủ đề GS, PGS lâu nay, dễ có đến cả "nghìn lẻ một" bài viết. Được là GS, PGS thì nhiều nỗi truân chuyên lắm. Không ít thầy "oải", đứt gánh giữa đường...đành chào thua. Và tự an ủi- nghỉ cho khỏe.
Thế mà nay, theo tác giả Lê Nhiệm, ngồi xét bổ nhiệm các bậc trên cả nguyên khí quốc gia lại có cả thành viên chỉ có cử nhân tại chức. Nghe thấy lạ quá.. Chuyện này người viết bài không thể tin là có thật. Còn nếu thật thì còn gì để nói nữa?
Trường đại học đào tạo chủ yếu hệ chính qui (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ). Hàng năm, nếu có nhu cầu, trường giữ lại một số sinh viên giỏi nhất (có những tiêu chí rất cụ thể) ở lại trường làm giảng viên tập sự, sau một kỳ thi tuyển không hề dễ.
Vì vậy, người viết bài nghĩ rằng chưa bao giờ, không bao giờ có cử nhân tại chức làm giảng viên.
Còn chuyện trưởng khoa, trưởng bộ môn chỉ có bằng thạc sĩ thì chẳng có gì lạ. Vì sao? Xin thưa, trong nhiều trường đại học, kể cả một số trường được coi là tốp trên cũng vẫn có thạc sĩ làm trưởng bộ môn, trưởng khoa, thậm chí làm hiệu trưởng. Trong khi nhiều GS, PGS, TS chỉ là giảng viên.
Bằng cấp chỉ là bằng cấp, chưa thể nói được điều gì. Ảnh minh họa |
Họ chưa là TS nhưng chuyên môn rất vững, năng lực quản lí tốt. Chưa là TS vì đang làm TS, vì chưa có điều kiện để làm (nhiều người không muốn làm TS trong nước).
Cũng cần nói thêm (có thể hơi thừa) rằng TS hay gì gì trên nữa, chỉ để chỉ cái sự học của người đó chứ không đồng nghĩa với trình độ. Ở đây, người viết bài chỉ đề cập tới những TS thật (vì có không ít TS rởm nhưng bằng thật).
Viết đến đây, tôi nhớ đến một hội thảo có đề cập đến chuyện bằng giả, bằng thật. Một đối tác nước ngoài đề xuất giúp chúng ta công nghệ in văn bằng các loại mà bọn làm giả không thể làm được, thì một đại biểu đứng dậy nói: Chúng tôi có công nghệ in văn bằng rất hiện đại. Cái chúng tôi cần là làm sao để không có cử nhân giả, thạc sĩ giả, tiến sĩ giả mà lại có trong tay bằng thật.
Vì thế đừng quá say sưa về ba cái chuyện tiến sĩ. Có bằng cấp cao là cần thiết. Nhưng cái cần hơn là trình độ, hiệu quả công việc. Các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao..., hay các nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách... và nhiều người nữa đến lúc chết cũng không có bằng TS, nhưng họ đã là những người thực tài, và tên tuổi họ còn sống mãi.
Ngược thời gian, vào Văn Miếu- Quốc Tử Giám, chúng ta được chiêm ngưỡng hơn một nghìn bia TS, nhưng số TS thực sự có đóng góp vào thịnh vượng của đất nước là bao nhiêu?
Bằng cấp nhiều, bằng cấp cao nhưng không có công trình gì hữu ích thì có sánh được với mấy anh Hai Lúa chân đất đã sáng chế ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất, giúp bà con nông dân đỡ vất vả như chúng ta đã biết? Bằng cấp chỉ là bằng cấp, chưa thể nói được điều gì.
Cái cần hơn là chất lượng
Trở lại chuyện GS, PGS. Chúng ta đã có 9000 GS, PGS. Số lương này nhiều hay ít? Mạnh hay chưa mạnh? Điều này xã hội đã được biết. Và hơn ai hết, GS, PGS rất biết. Nhưng dù thế nào, cũng không ai có thể phủ nhận những đóng góp không hề nhỏ trong giáo dục đào tào, trong khoa học công nghệ của không ít người trong số 9000 GS, PGS vừa dẫn.
Làm sao số lượng TS, GS, PG đừng tỉ lệ nghịch với chất lượng đào tạo. Làm sao để không có quá nhiều cử nhân ra trường nhưng không làm được gì, thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Để làm sao không còn nhiều thạc sĩ, TS viết còn mắc nhiều lỗi chính tả, nói tiếng tây, tây không hiểu, nói tiếng ta cũng ngọng líu lô. Một thực tế chẳng thể vui. |
Việc phong GS, PGS có thể Việt Nam không giống quốc gia nào. Bây giờ, ngành GD đang có chủ trương việc bổ nhiệm những chức danh này được giao cho các cơ sở đào tạo (các trường đại học) là một bước đi đúng hướng.
GS, PGS là một chức danh kèm chức vụ (không còn là học hàm). GS của trường đại học X, nhưng không thể là GS của trường đại học Y, càng không thể là GS của "tất cả".
Thế mới có chuyện thầy A ở trường X không được bổ nhiệm làm GS (vì trường này GS đã đủ), trường Y thiếu một vị trí GS, thầy A đáp ứng được yêu cầu, chuyển sang, thầy được bổ nhiệm ngay. Và vì thế không có chuyện GS suốt đời.
Càng không có chuyện đã không còn đứng trên bục giảng đại học, vì làm quan chức quản lý mà vẫn còn là GS.
Lại càng không bao giờ có chuyện chưa bao giờ là giảng viên đại học, lại được phong GS như ở Việt Nam ta. Các bạn nước ngoài không sao hiểu nổi khi ta giới thiệu: Ông Bùi Như L, Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Z...Càng không hiểu nổi: Ngài Lều Văn T, GS, Bí thư tỉnh ủy tỉnh H. Đây là những chuyện thường gặp của mấy phiên dịch viên, nhiều khi giải thích đến đau hết...cả răng.
GS, PGS rất cần trong mục tiêu đi tắt đón đầu, trong mục tiêu đến 2020 VN là nước công nghiệp, và càng quá cần với tầm nhìn 2050. Nhưng cái còn hơn bây giờ là chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học.
Làm sao số lượng TS, GS, PG đừng tỉ lệ nghịch với chất lượng đào tạo. Làm sao để không có quá nhiều cử nhân ra trường nhưng không làm được gì, thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Để làm sao không còn nhiều thạc sĩ, TS viết còn mắc nhiều lỗi chính tả, nói tiếng tây, tây không hiểu, nói tiếng ta cũng ngọng líu lô. Một thực tế chẳng thể vui.
Để làm được mấy điều tưởng dễ ấy, chắc còn dài lắm.