-Việc định kiến người bị tình nghi là người có tội là hết sức nguy hiểm. Kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tràn lan, thiếu căn cứ.

LTS: Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn và thực trạng "ép cung" đã khiến xã hội bức xúc, và tốn nhiều giấy mực của báo chí.  Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của tác giả Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật) về nguyên tắc "suy đoán vô tội", một quy định trong pháp luật của luật tố tụng hình sự.

Tố tụng hình sự là một quá trình chứng minh tội phạm và người phạm tội. Nhưng hơn cả quá trình chứng minh thông thường, việc chứng minh trong tố tụng hình sự bị ràng buộc bởi nguyên tắc phải bảo vệ được quyền của người bị tình nghi.

Chủ tịch Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế, ông Florent Louvage đã từng nói cách đây 50 năm: Nhất định phải thành công với bất cứ giá nào là một khẩu hiệu cần phải dẹp đi. Lắm khi một cuộc điều tra thất bại còn hơn thu được kết quả bằng những phương pháp đáng ngờ. Một xã hội văn minh thường cảm thấy bị xúc phạm khi phẩm giá con người bị chà đạp hơn là lỡ để một kẻ phạm tội trốn thoát.

Trong tố tụng hình sự không thể dùng mọi biện pháp để chứng minh tội phạm.

Suy đoán vô tội- chống lại sự độc đoán

Lịch sử cho thấy đã có kiểu tố tụng hình sự cho phép quan toà xử theo quan niệm, ý chí chủ quan của mình. Từ đó, việc kết luận có tội hay không có tội tuỳ thuộc vào quan toà với những thủ tục tố tụng phản khoa học, những cách đối xử với người bị tình nghi phi nhân tính.

{keywords}

Ông Nguyễn Thanh Chấn được trở về trong vòng tay người nhà sau gần 4.000 ngày lao tù oan. Ảnh: VietNamNet

Ví dụ: Quan niệm hoà đồng giữa công lý và thượng đế cho rằng nếu người phạm tội chịu được những nhục hình tra tấn như căng nọc, nhúng nước sôi, phơi nắng, đóng dấu bằng lửa…mà vẫn sống thì quan toà cho đó là ý chí của Thượng đế chứng nhận người này không phạm tội nên tha bổng. Với kiểu tố tụng như vậy tất yếu sẽ dẫn đến công lý bị xuyên tạc bởi sự vu cáo và thiên vị.

Nguyên tắc suy đoán vô tội ra đời nhằm chống lại kiểu tố tụng phi nhân tính đó.

Cội nguồn của nguyên tắc suy đoán vô tội có từ thời La-mã cổ đại khi người ta cho rằng trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo và chỉ áp dụng trong tố tụng dân sự.

Tư tưởng này chỉ thực sự trở thành nguyên tắc pháp luật khi cách Cách mạng tư sản Pháp giành thắng lợi, ghi một dấu mốc trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của nhân loại để bảo vệ quyền con người. Cùng với đó là đòi hỏi ngày càng gay gắt của xã hội: Cần phải có biện pháp hạn chế, chống lại sự chuyên quyền, độc đoán trong tố tụng hình sự từ phía nhà nước.

Tuyên ngôn Quyền con người và công dân 1789 long trọng tuyên bố: “Mọi người đều được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội nếu xét thấy cần thiết phải bắt giữ thì mọi sự cưỡng bức vượt quá mức cần thiết cho phép đều bị pháp luật xử lý nghiêm khắc’’.

Suy đoán vô tội được ví như  là nguyên tắc “vàng” trong tố tụng hình sự, một thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại  trong việc bảo vệ quyền con người. Và chứng minh trong tố tụng hình sự đã được thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền 1948, Công ước quốc tế về Quyền chính trị, dân sự năm 1966 của Liên Hợp Quốc. Luật tố tụng hình sự của rất nhiều quốc gia cũng đã ghi nhận suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản trong luật tố tụng hình sự. Nguyên tắc này có những nội dung sau đây:

- Người bị tình nghi luôn vô tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của toà án;

- Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, người bị tình nghi có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình

- Mọi nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ đều phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo;

Không thể dựa vào định kiến

Khi có sự kiện pháp lý đem đến sự suy đoán về dấu hiệu tội phạm các cơ quan tiến hành tố tụng phải đặt giả thiết, có thể có hoặc không có tội phạm và người phạm tội. “Có thể” chứ không phải là “chắc chắn” phạm tội hay vô tội.

Ngay cả khi một nhân viên điều tra hay thẩm phán trực tiếp chứng kiến sự việc phạm tội đi chăng nữa, thì vẫn không thể vì thế mà không bắt đầu quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự bằng sự suy đoán.

Bởi vì, nhận thức của nhân viên điều tra hoặc thẩm phán trên là nhận thức của cá nhân anh ta về vụ án chứ không phải nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng và của người tiến hành tố tụng. Mặt khác, nếu cá nhân điều tra viên, thẩm phán trực tiếp chứng kiến vụ việc thì địa vị pháp lý của anh ta trong vụ án phải là người làm chứng chứ không phải là người tiến hành tố tụng.

Từ phân tích trên, có thể khẳng định nhận thức trong tố tụng hình sự trước hết phải bắt đầu bằng sự suy đoán: Suy đoán có tội và suy đoán vô tội chứ không phải là những định kiến có sẵn là có tội hay vô tội.

Tuy nhiên đòi hỏi trong tố tụng hình sự là phải suy đoán vô tội chứ không phải suy đoán có tội, bởi lẽ sau:

Lý thuyết về chứng minh chỉ ra nhiều phương pháp chứng minh. Bên cạnh phương pháp chứng minh trực tiếp, người ta có thể chứng minh bằng phương pháp phản chứng (reductio ad absurdum) – tiếng La tinh có nghĩa là “thu giảm đến sự vô lý”. Theo đó, người ta sẽ chứng minh nếu một phát biểu nào đó xảy ra, thì dẫn đến mâu thuẫn về lôgic, vì vậy phát biểu đó không được xảy ra.

Ví dụ: Người ta tìm thấy một chiếc áo dính máu nạn nhân bị sát hại trong nhà ông A. Rõ ràng ở đây có dấu hiệu tội phạm và người phạm tội. Câu hỏi ông A có phạm tội hay không là một mệnh đề cần phải chứng minh. Thay vì chứng minh trực tiếp ông A phạm tội, nhân viên cảnh sát đặt ra giả thiết ông A không phạm tội.

Trong quá trình chứng minh chừng nào chưa tìm ra được những chứng cứ loại trừ giả thiết chứng minh ban đầu có nghĩa là ông A luôn không phạm tội. Tuy nhiên, chứng minh trong  tố tụng hình sự khác với chứng minh trong toán học ở chỗ: Một bài toán có thể có một nghiệm, vô số nghiệm hoặc vô nghiệm. Trong tố tụng hình sự chỉ có hai kết quả, hoặc có tội hoặc không có tội, mà không thể có kết quả thứ ba là vừa có tội vừa không có tội.

Bảo vệ con người

Mặt khác, suy đoán vô tội không chỉ đáp ứng yêu cầu chứng minh mà còn bảo vệ được quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Hoạt động tố tụng hình sự bao gồm hai nhiệm vụ. Trước hết, nó là hoạt động bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm. Mặt khác không kém phần quan trọng là bảo vệ cá nhân người bị buộc tội.

Luật tố tụng hình sự trong nhà nước văn minh phải dung hoà được quyền lợi xã hội và tự do cá nhân. Chính vì vậy, có người cho rằng “Luật hình sự là luật dành cho kẻ bất lương, luật tố tụng hình sự dành cho người lương thiện”  

Suy đoán vô tội còn đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền lực nhà nước, với một bên yếu thế hơn là người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Hơn nữa, chứng minh trong tố tụng hình sự là hoạt động cực kỳ phức tạp, mọi sai lầm trong chứng minh nhiều khi có thể phải trả giá bằng sinh mệnh của con người.

Việc định kiến người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội là hết sức nguy hiểm. Nó đồng nhất người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng tràn lan, thiếu căn cứ, chà đạp lên quyền con người mà nhiều trường hợp khi vụ án được xem xét lại thì họ hoàn toàn vô tội. Lúc đó, có bồi thường oan sai đi chăng nữa thì hậu quả đối với họ không thể nói là đã bù đắp được toàn bộ.

Suy đoán vô tội đem đến sự quân bình thế và lực tương đối giữa một bên là cơ quan công tố hùng mạnh với bên kia là kẻ yếu thế hơn- đó là người bị buộc tội

Như vậy, không chỉ là quyền của người bị buộc tội, nghĩa vụ của bên buộc tội, thể hiện giá trị của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người. Một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội

Để kết bài viết này xin nhấn mạnh: Nếu không suy đoán vô tội khi giải quyết vụ án hình sự, thì tố tụng hình sự chỉ là việc giải bài toán có sẵn đáp số, là một người chắc chắn phạm tội và  bắt một người nào đó vào tù !

  • Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)