Câu chuyện vừa gìn giữ trật tự vừa thu phục nhân tâm của Thượng tá Đoàn hay lực lượng CSGT Đà Nẵng có thể coi là những minh chứng đầy thuyết phục.

Clip quay một thượng sỹ công an “quật” ngã anh bán hàng rong được báo chí đưa mới đây đang là thông tin nhiều người quan tâm.

Hiện Thượng sĩ công an Lương Việt Hà đã bị tạm đình chỉ công tác để chờ điều tra. Theo báo Tuổi trẻ, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết bước đầu cơ quan này xác định thượng sĩ Lương Việt Hà có hai cái sai cơ bản: Thứ nhất là không được chỉ huy phân công nhiệm vụ mà tự động thực hiện. Thứ hai là trong quá trình chỉnh trang đô thị lòng lề đường ở chợ, nếu xét thấy người dân sai phạm phải có hình thức nhắc nhở phù hợp. Tuy nhiên, hành xử của thượng sĩ Hà là không đúng quy tắc ứng xử và điều lệnh của ngành.

Đại tá Quang cũng nói rõ Công an TP.HCM sẽ xử lý nghiêm vụ việc. Hi vọng tinh thần thẳng thẳng, kịp thời và kiên quyết bước đầu này của Công an TP.HCM sẽ tiếp tục được phát huy.

Rõ ràng, trong mối quan hệ với người dân, lực lượng công an luôn phải quan tâm đúng mức đến hành vi ứng xử của mình. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn sự lúng túng trong một số trường hợp, dẫn đến những hành động chưa đúng mực, làm mất đi sự hài lòng của người dân với lực lượng thực thi pháp luật.

{keywords}

Hình ảnh đoạn clip mô tả cán bộ công an “quật” người bán hàng rong trên phố. Ảnh cắt từ clip/ VietNamNet

Đặt mình vào tâm thế của người dân

Việc bán hàng rong tại các lề đường, vỉa hè, bệnh viện là hành vi trái luật, nhưng lại tương đối phổ biến và đặc thù trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Những gánh hàng rong đang là kế sinh nhai của một bộ phận người dân trên khắp đất nước. Hơn nữa, những đối tượng bán hàng rong thường có mặt bằng dân trí và trình độ hiểu biết pháp luật không cao.

Đây là thực trạng không thể phủ nhận và khó khắc phục ngày một ngày hai. Muốn thực thi pháp luật trong vấn đề này cần một lộ trình hợp lý, với công tác tuyên truyền hiệu quả kèm theo những chính sách kinh tế để đảm bảo cuộc sống cho họ khi bỏ bán hàng rong.

Do vậy, khi thực thi công vụ, lực lượng công an cần có hành xử phù hợp, kiên trì giải thích cho người dân về hành vi vi phạm, nội dung của quy định liên quan đến sai phạm. Nếu cần thiết, lực lượng này có thể áp chế nhẹ nhàng và dẫn giải về cơ quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Khi tiếp xúc trực tiếp với người dân và đối tượng vi phạm, cần tuân thủ tuyệt đối điều lệ ngành, triển khai hành động đúng trình tự, thủ tục luật định.

Nếu ứng xử của người thi hành công vụ là hợp lý, tác giả cho rằng sẽ không xảy ra tình trạng chống đối hay phản kháng từ phía người dân. Vụ việc nêu trên đáng lẽ sẽ không gây hậu quả đáng tiếc nếu như thượng sỹ công an bình tĩnh, chừng mực hơn trong hành động.

Được lòng dân có khó?

Người dân Thủ đô hẳn chưa quên hình ảnh của bác Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn, nhân vật đầu tiên trong chuyên mục Trở lại tâm điểm dư luận báo VietNamNet, dù ông đã về hưu.

Mấy mươi năm qua, có lẽ cầu Chương Dương trở nên thông thoáng và dễ chịu hơn một phần là nhờ Thượng tá Lê Đức Đoàn. Nụ cười dân dã và giọng nói bộc trực vang lên mạnh mẽ khi phân luồng giao thông những lúc tan tầm làm dịu đi cảm giác xô bồ, khó chịu của cảnh ùn tắc.  

{keywords}

Hình ảnh của Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn trong ca trực cuối cùng. Ảnh: Zing.vn

Những ngày cuối cùng trước lúc về hưu, ông vẫn chưa hết băn khoăn khi nghĩ về thực trạng trong cách ứng xử của lực lượng công an với người dân. Ông nói: “Người CSGT thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, khi xử phạt vi phạm cũng là động chạm trực tiếp đến quyền lợi của từng người dân. Bởi thế, văn hóa ứng xử cần phải được đề cao. Tôi nghĩ, để xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ trên đường giao thông, có một phần lỗi ứng xử của người CSGT”. 

Một câu chuyện ấn tượng khác là về lực lượng CSGT tại Đà Nẵng, mà chính quyền và người dân nơi đây coi như một “đặc sản” của mảnh đất miền trung xinh đẹp họ đang gầy dựng.

Cách thực thi pháp luật của CSGT Đà Nẵng hiện vẫn còn gây nhiều tranh luận (như chuyện bắt chép phạt thay vì phạt tiền với người vi phạm) dưới góc độ thượng tôn pháp luật. Nhưng không thể phủ nhận, hành xử của CSGT Đà Nẵng đều hướng đến mục đích giáo dục, tuyên truyền, kiến tạo văn hóa giao thông và nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân địa phương lẫn cả nước.

Thực tế, ai từng đến Đà Nẵng cũng đều cảm nhận được tính trật tự trong lưu thông của người dân trên đường phố. Nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương xảy ra ít tai nạn giao thông nhất, trong Tết nguyên đán vừa rồi, chỉ xảy ra đúng 1 tai nạn giao thông và 1 người bị thương.

Hình ảnh của lực lượng công an tác động rất mạnh mẽ đến ý thức của người dân. Câu chuyện vừa gìn giữ trật tự vừa thu phục nhân tâm của Thượng tá Đoàn hay lực lượng CSGT Đà Nẵng có thể coi là những minh chứng đầy thuyết phục.

Lưu Minh Sang

XEM THÊM: