Một “trật tự loại trừ” đang được hình thành, và nó đang là thách thức tự do và an toàn hàng hải, hàng không cho toàn thế giới.
LTS:Quá trình dân sự hóa các đảo đã đánh chiếm, bồi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo, cũng như thiết kế các đảo chìm di động cho nhiều mục đích khác nhau, là một bước đi kế tiếp của TQ trong quá trình thiết lập một “trật tự loại trừ” trên biển Đông.
Dưới đây Tiến Sĩ Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhận định quá trình trật tự của TQ được hình thành, những đặc tính và hệ quả của nó với tình hình an ninh khu vực.
Hàng loạt phép thử
Từ năm 2009 đến nay, TQ đã tiến hành hàng loạt “phép thử”, từ “nhẹ nhàng” như quấy rối tàu cá của các nước tranh chấp; cắt cáp; cấm đánh bắt cá; cấm các công ty nước ngoài thăm dò dầu khí, cho đến nghiêm trọng hơn như lấn chiếm Scarborough hay đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từ 2015, khi các bức ảnh đảo nhân tạo được công khai, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: Điều gì đang diễn ra tại biển Đông thông qua các động thái của Bắc Kinh?
Động thái của TQ có thể tóm gọn trong bảy từ: Xây Dựng Một Trật Tự Loại Trừ. Đặc tính của trật tự này là đóng mở có lựa chọn dựa trên các quy định và nguyên tắc do một cường quốc tự xác lập. Quá trình đó kéo dài từ nhiều năm, nhưng bắt đầu chuyển động nhanh từ 2009.
Trong năm này, sau vụ đụng chạm tàu khảo sát thủy văn Impeccable của Mỹ với tàu tuần tra TQ cách đảo Hải Nam 120 km, những lo ngại đầu tiên xuất hiện về việc trật tự hàng hải do Mỹ thiết lập từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đang bị sự trỗi dậy của TQ thách thức. Trụ cột quan trọng nhất bị đe dọa chính là nguyên tắc tự do hàng hải, với quan điểm “đại dương mở” không phải là độc quyền sở hữu của bất kỳ quốc gia nào.
Những năm kế tiếp, cách tiếp cận “xác quyết, nhưng phi quân sự” mà Bắc Kinh theo đuổi cố gắng hạn chế hay che giấu xu hướng dùng “quân sự hóa” để thiết lập các luật chơi tại các khu vực tranh chấp. Những “lát cắt nhỏ” và rải đều nhiều hướng khác nhau trong một khoảng thời gian đều đặn mỗi năm như tàu cá, giàn khoan, tàu hải giám, v.v… khiến đối phương “xót”, nhưng không bị “sốc” và “đau đớn” kéo dài.
Ngược lại, năm 2015, một thời điểm khác để nói rằng, những gì đang diễn ra tại thực địa trên biển Đông không còn là một thách thức, mà nó đã dần dần trở thành sự thật hiện hữu và ồ ạt. Sự việc bồi đắp đảo nhân tạo, hay “đảo hoá”, có thể được coi như bước đi khẳng định quyền lực và quyền làm chủ biển Đông mới nhất, và cũng là nghiêm trọng nhất của Bắc Kinh.
Một “trật tự loại trừ” đang được hình thành, và nó đang là thách thức tự do và an toàn hàng hải, hàng không cho toàn thế giới. Không phải chỉ vì tầm quan trọng của biển Đông như một đường huyết mạch của hàng hải toàn cầu, mà quan trọng hơn, là cách thức một cường quốc trỗi dậy viết lại luật lệ thế giới một cách đơn phương, đi kèm với các biện pháp cưỡng ép bằng sức mạnh.
Việc TQ đưa giàn khoan 981 vào vùng EEZ của VN đã gây căng thẳng khu vực. Ảnh: Hoàng Sang |
Tại sao gọi “trật tự loại trừ”?
Thứ nhất, trật tự của TQ tại biển Đông hướng tới kiến tạo ra những biên giới ngăn cách ngày càng rõ ràng hơn trên thực địa. Những “Vạn lý trường thành trên biển” nối liền nhau từ các đảo đang được bồi đắp nhanh chóng của TQ hàm ý khả năng mở rộng các vùng biển xung quanh nó, nhưng không thông qua con đường diễn dịch Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS). Cuộc thảo luận đã được đúc kết thành hai vấn đề khác nhau, bao gồm những quyền hàng hải liên quan đến các vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và chủ quyền các đảo liên quan tới các vùng lãnh hải.
Đối với những quyền về hàng hải, chỉ có “các đảo” không phải “bãi đá” mới được sở hữu vùng EEZ rộng 200 hải lý. Đó là tâm điểm của các cuộc tranh luận xoay quanh sự khác biệt giữa “đảo” và “đá” theo điều 121 của UNCLOS. Để có được 12 hải lý vùng lãnh hải, các bãi đá cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định mà theo UNCLOS, chúng phải nằm phía trên mặt nước khi thủy triều lên.
Vấn đề còn phức tạp hơn nữa, vì những quyền phân định lãnh hải đó không dựa trên tình trạng hiện tại của lãnh thổ, mà dựa trên chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, trước khi quyền sở hữu của một vùng đất được xác định rõ, vùng lãnh hải và quyền hàng hải sẽ vẫn còn mơ hồ.
Ảnh vệ tinh cho thấy công trình xây đường băng của Trung Quốc tại bãi Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Thứ hai, trật tự của TQ dựa trên khái niệm nước đôi về quan điểm tự do hàng hải. Một mặt, TQ cho rằng họ tôn trọng và tuân theo các điều khoản trong UNCLOS về việc “đi qua không gây hại” trên. Tuy nhiên các lý giải từ phía TQ cũng nhiều lần lập luận rằng việc đi qua không gây hại trong vùng biển 200 hải lý tính từ đường cơ sở phải được kiểm soát hoặc phải được sự đồng ý của quốc gia ven biển để không gây ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh quốc gia.
Về căn bản, luận điểm cho rằng hoạt động giám sát quân sự có thể được giới hạn trong phạm vi vùng EEZ của một quốc gia ven biển thường dựa trên hai trụ cột. Một là giả định rằng hoạt động quân sự nói trên nhằm “những mục đích hòa bình” – một khái niệm chưa được định nghĩa một cách chi tiết trong UNCLOS. Hai, việc sử dụng một số công nghệ giám sát nhằm mục đích “nghiên cứu khoa học hải dương” – khái niệm mơ hồ khác trong UNCLOS, nhưng là một khái niệm mà các quốc gia bờ biển có quyền quy định trong vùng EEZ của mình. Như vậy, thay vì cần làm rõ hơn những gì chưa rõ trong UNCLOS thì TQ đánh vào sự “mập mờ” này nhằm “loại trừ” sự đi lại tự do của thuyền bè của các quốc gia khác.
Thứ ba, việc theo đuổi một khái niệm tự do hàng hải mang tính hạn chế hay xây dựng những “vạn lý trường thành trên biển”, có phải Bắc Kinh đang muốn tạo nên một tập quán quốc tế mới, mà biển Đông là một thử nghiệm? Thật sự, câu hỏi được đặt ra là TQ có muốn truyền tải và phổ quát một cách hiểu mới, hay đó chỉ là chiêu bài để tăng cường khả năng tiếp cận của mình tại biển Đông.
Quốc An