Sẽ còn rất nhiều điều cần thời gian để thực hiện. Nhưng có lẽ với những người từng bị “hành hạ” bởi hộ khẩu, đó là sự chờ đợi đáng giá.

Hộ khẩu sắp trở thành quá khứ. Tuần  qua, chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112, trong đó có quyết định bãi bỏ quản lý cư trú bằng sổ Hộ khẩu và sổ tạm trú.

Hơn 30 năm kể từ khi chính sách Đổi mới được thực thi, sổ hộ khẩu có thể nói là “di sản” lớn nhất còn lại của thời kỳ bao cấp. Và đó là di sản mà không mấy ai mong muốn giữ lại. Có lẽ không cần những nghiên cứu về hộ khẩu, mà đã được cả cơ quan quản lý nhà nước và khối dân sự thực hiện rất nhiều, thì mỗi người đều có thể đưa ra được những bức xúc riêng của cá nhân với cuốn sổ đầy quyền lực này.

Hộ khẩu, tưởng như chỉ là cách ghi danh địa chỉ cư trú, được gắn liền với các quyền lợi về mọi mặt của người dân – từ tiếp cận bảo hiểm y tế, mua nhà, đăng ký xe, hay làm thủ tục nhập học cho con, hay thậm chí là dịch vụ điện, nước. Từ một tờ giấy quản lý đơn thuần, hộ khẩu trở thành căn cứ để phân biệt đối xử với các công dân khác nhau, là biểu tượng của khoảng cách giữa thành phố - nông thôn, giữa “dân gốc” và dân “nhập cư”, hay xa hơn, giữa giàu và nghèo.   

Hộ khẩu tiện cho quản lý nhà nước, bởi nó cung cấp hệ thống thông tin vô cùng chặt chẽ và chuẩn xác về quá trình cư trú của người dân. Thế nhưng, hệ thống đó chỉ hoạt động hiệu quả trong điều kiện “tĩnh” – khi người dân ít di chuyển nơi sinh sống. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất châu Á, thì hộ khẩu trở thành gánh nặng cho cuộc sống của người dân.  

{keywords}
Ảnh minh họa: TTO

Chính vì vậy, việc xoá bỏ hộ khẩu theo Nghị quyết mới của Chính phủ chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại rằng việc xoá hộ khẩu chỉ là “bình mới rượu cũ”, nếu cách quản lý dựa vào nơi cư trú như hiện tại không thay đổi. Lúc đó, chỉ có tên gọi “hộ khẩu” là thay đổi, còn sự phiền hà cho người dân vẫn giữ nguyên. 

Nỗi lo đó là có cơ sở. Theo nghiên cứu của tôi, từ khi ra đời ở miền Bắc vào năm 1954, tính đến năm 2015 đã có đến gần 700 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hộ khẩu. Tính đến cả các văn bản ở địa phương, con số này có thể lên đến gần 2.000. Bởi vậy, xoá hộ khẩu, giấy tạm trú trong việc quản lý cư trú chỉ là bước đầu tiên trong quá trình rất dài nhằm chỉnh sửa những quy định gắn liền với nó.  

Chính phủ đã có những bước chuẩn bị rất lâu để bắt đầu cho Nghị quyết 112 năm nay. Cách đây hơn 10 năm, việc bỏ hộ khẩu cũng đã được thảo luận hết sức sôi nổi ở các kì họp Quốc hội. Tuy nhiên, Luật Cư trú năm 2006 khi đó đã quyết định không thay đổi, bởi không có “điều kiện thực hiện”. Đến khi Luật này được sửa đổi vào năm 2013, câu chuyện hộ khẩu lại được các đại biểu Quốc hội đề cập, và thêm một lần bị gác lại. 

“Điều kiện thực hiện” chỉ xuất hiện khi Luật Căn cước Công dân và Luật Hộ tịch được thông qua vào năm 2014, khi hai bộ luật trên đặt nền móng để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về dân cư, hộ tịch, và căn cước công dân. Nếu đúng như dự kiến, vào năm 2020 khi Đề án 896 về xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư được hoàn thành, hộ khẩu, cùng với các loại giấy tờ hành chính quen thuộc như giấy khai sinh, chứng minh thư,… sẽ đủ điều kiện được “khai tử”.

Xoá bỏ hộ khẩu sẽ còn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực, ít nhất là trong 3 năm tới khi cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về dân cư được hoàn thiện. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, cùng các cơ quan quản lý địa phương sẽ phải làm việc vất vả để giải quyết các vấn đề về pháp luật và hành chính có liên quan.

Người dân cũng cần phải kiên nhẫn, bởi Nghị quyết 112 không có nghĩa là những phiền toái xung quanh vấn đề hộ khẩu sẽ không còn. Chúng ta phải chấp nhận một khoảng thời gian “quá độ” để các loại giấy tờ thay thế có hiệu lực, cũng như để bộ máy nhà nước làm quen với tư duy quản lý kiểu mới, hướng đến phục vụ người dân thay vì chỉ cần tiện lợi cho mình.

Xoá bỏ tư duy “hộ khẩu” là điều không dễ, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến lợi ích dân sinh của người dân như tiếp cận các dịch vụ công cơ bản (điện, nước, y tế, giáo dục), đặc biệt khi mức chênh lệch về chất lượng dịch vụ ở nhiều địa phương là rất khác nhau. Khi không còn bị hộ khẩu ràng buộc, nguy cơ quá tải dịch vụ ở các thành phố lớn là cao. Áp dụng nguyên tắc thị trường – đồng nghĩa với việc đẩy giá dịch vụ lên theo từng địa phương – có thể giải quyết vấn đề này, nhưng lại tạo ra bất bình đẳng giữa quyền lợi của các công dân.

Vì thế, điều quan trọng là nhà nước phải cải thiện được chất lượng quản trị, dịch vụ công một cách đồng đều, nhằm tránh tình trạng “vượt tuyến” về y tế hay giáo dục. Đồng thời, cần khuyến khích tư nhân tham gia vào cung cấp các dịch vụ công để giảm tải bớt cho bộ máy nhà nước. Đây cũng chính là hàm ý quan trọng nhất của mô hình “tăng trưởng bao trùm” (inclusive growth) mà World Bank gợi ý cho Việt Nam.

Tất cả những điều trên cần thời gian để thực hiện. Nhưng có lẽ với những người từng bị “hành hạ” bởi hộ khẩu, đó là sự chờ đợi đáng giá.

Nguyễn Khắc Giang

Khi ‘xã hội đen’, băng nhóm Facebook đáng sợ không kém đời thực

Khi ‘xã hội đen’, băng nhóm Facebook đáng sợ không kém đời thực

Rồi sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân nữa khi mà Facebook không quan tâm đến việc nội dung status ấy là gì, chỉ quan tâm họ bỏ bao nhiêu tiền để chạy quảng cáo.

"Người Việt Nam đang làm xiếc chứ đâu phải lái xe"

"Người Việt Nam đang làm xiếc chứ đâu phải lái xe"

Mấy chục năm trôi qua, trong cái nhìn của người nước ngoài về giao thông Việt Nam vẫn là "đang làm xiếc trên đường"!

Đại sứ Ted Osius: “Việt Nam luôn đặc biệt trong trái tim tôi"

Đại sứ Ted Osius: “Việt Nam luôn đặc biệt trong trái tim tôi"

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hôm nay (4/11) ông Ted Osius cùng gia đình trở về quê hương. 

Dám ước mơ, nhưng bao nhiêu người Việt dám ‘phượt” như Đăng Khoa?

Dám ước mơ, nhưng bao nhiêu người Việt dám ‘phượt” như Đăng Khoa?

Thử hỏi sau “cơn sốt Trần Đặng Đăng Khoa”, sẽ có bao nhiêu người bắt tay lập kế hoạch của chính mình.