“Trước việc thay đổi liên tục cách thức thi cử, tôi chỉ thấy thương cho học trò, cho bố mẹ các em và cho cả mình bị xoay như chong chóng: Chưa kịp quen với cái này lại phải vội vàng loay hoay với cái khác.” Đó là tâm sự của một cô giáo khi nói về chuyện thi cử ở Việt Nam, mà tôi cho rằng là tâm sự chung của nhiều giáo viên.
Bất cập của “2 trong 1”
Tuy nhiên, giáo dục là một khoa học nên thí nghiệm, thay đổi là chuyện bình thường. Điều quan trọng là những thử nghiệm trên lưng con trẻ cần hết sức cẩn trọng, cần có ý kiến của nhiều người, đặc biệt những người trong ngành, chứ không chỉ vì một phát biểu của một vị nào đó.
Sáng, nghe vị này chỉ về hướng đông, cả ngành giáo dục nháo nhào về hướng đông, chiều nghe vị khác nói, lại nhao về hướng tây – điều mà người viết bài này cảm nhận là một hiện tượng ở Việt Nam.
Cái “chong chóng” mà cô giáo phàn nàn chính là từ đó.
Ảnh minh họa: dantri |
Từ khi có chủ trương kết hợp hai kỳ thi thành một (2 trong 1), nhiều thầy cô đã chỉ ra sự bất cập của mô hình này, đơn giản vì hai kì thi khác nhau về bản chất.
Nếu bài thi được định nghĩa là “đánh giá năng lực” (được hiểu là năng lực học đại học?) tương tự mô hình SAT của Mĩ, thì nó không phù hợp với đối tượng học sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, tức là đánh giá “kết quả hoàn thành chương trình”. Thực tế kỳ thi THQG 2016 cho thấy gần 70% thí sinh không có nhu cầu học lên đại học - một con số không nhỏ.
Sự bất cập có ngay trong một đề thi. Xin dẫn một ví dụ, để đánh giá năng lực học đại học, bài đọc cần có những câu hỏi đánh giá tư duy phê phán, phân tích, tổng hợp, … - rất cần thiết cho quá trình học đại học. Người chỉ cần tôt nghiệp phổ thông chỉ tìm thông tin đơn giản trực tiếp, ...
Cùng một đề thi phục vụ hai mục đích khác nhau ấy, chắc chắn bất cập sẽ xảy ra như đã xảy ra vừa qua. Ngược lại, nếu gọt chân cho vừa giầy để có tỉ lệ tốt nghiệp cao, thì công cụ đánh giá năng lực học đại học còn rất ít ý nghĩa.
Trước cái mới
Mỗi hình thức đánh giá có những điểm mạnh khác nhau. Không nên tuyệt đối hóa một cách cực đoan. Song, trước cái “mới” ta nên bình tĩnh suy xét, và nhất là đừng nghĩ theo lối mòn. Hoa Kì, nơi thi cử sử dụng trắc nghiệm khách quan (TNKQ) khá phổ biến, là nước giành nhiều giải Nobel nhất. Hẳn TNKQ phải có cái gì để ta suy nghĩ?
Bình luận trên các báo điện tử của giáo viên về Dự thảo thi THQG 2017 cho thấy một số không nhỏ khá mơ hồ và hiểu hời hợt về hình thức câu hỏi gọi là TNKQ. Thật ra, TNKQ chỉ “mới” đối với những ai không quan tâm.
Vì không hiểu cặn kẽ thế nào là TNKQ, có những ý kiến cho rằng “nhắm mắt cũng làm được 25% hoặc hơn thế”, “chỉ chọn ABCD thì cần gì tư duy”. Xin hỏi, nếu thí sinh không giải bài toán, không tư duy thì sao biết đáp án nào đúng mà chọn, v.v... Nếu bài thi nào mà thí sinh “nhắm mắt” cũng làm được, thì trước hết cần loại người soạn câu hỏi và soạn đề thi đó ra khỏi đội ngũ soạn câu hỏi thi.
Thậm chí có ý kiến phàn nàn rằng “lâu nay chúng tôi dạy theo tự luận, nay lại phải dạy theo TNKQ”(!) Thật “ngộ” quá: Phương pháp dạy hoc nào là “phương dạy tự luận” và thế nào là dạy theo TNKQ?
Phát biểu đó thể hiện lâu nay không ít người dạy chủ yếu dạy thủ thuật giải đề thi nhiều hơn là truyền đạt kiến thức và kỹ năng? Nếu đó là sự thật thì nó quả là thảm họa cho học sinh. Tôi có nhiều bạn là giáo viên, họ cho biết không ít đồng nghiệp của họ, mặc dù còn khá trẻ, chỉ biết mỗi cuốn sách giáo khoa. Thật tiếc.
Ai muốn thật sự hiểu đúng về TNKQ và viết câu hỏi nhiều lựa chọn cần bình tĩnh tìm hiểu thêm. Vê vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã nói đúng: Chỉ là “thay đổi hình thức đo lường”. Nói nôm na trước ta cân bằng cân cơ khí, nay ta cân bằng cân điện tử, miễn sao nó không làm thay đổi trọng lượng vật được đong đo.
Tuy nhiên, ngoài những lí do kĩ thuật hoặc chưa hiểu cặn kẽ ra, một số ít người khước từ TNKQ vì những lí do “tế nhị” mà đằng sau đó ai cũng biết.
Nguyễn Phương