-Nếu cha mẹ, cô bảo mẫu thấy đứa trẻ dán mắt vào tivi, không chịu ăn, thì hãy tự tát vào mặt mình trước, trước khi xử lý đứa bé. Khi đó bạo hành sẽ bớt dần đi.

Một bé mới 2 tuổi, mải xem carton network, không chịu ăn. Mẹ bón từng thìa cháo, nhưng mắt nó dán vào tivi vì từ thưở trong bụng mẹ, cháu đã biết chuột Mickey như thế nào đâu. Nào há miệng ra nào, ngoan nào, mẹ yêu nào.

Nhưng thằng cu mải ngắm Mickey đang nhảy nhót, miệng ngậm chặt. Không còn đủ kiên nhẫn, bà mẹ bây giờ thành hổ cái, quát lên “Thằng c..., há mồm ra”. Thằng cu nhìn mẹ như ở hành tinh khác xuống, hoảng hồn và khóc ré lên, chẳng hiểu sao mình đang xem mickey lại bị mắng.

Ông chồng trong nhà chạy ra hầm hầm “Cô dạy con kiểu gì thế, hơi tý là quát như bà La Sát. Còn thằng kia, có nuốt đi không”. Trong tích tắc, cái nhà ấy thành địa ngục cho ông chồng, bà vợ, thằng con, cả khu phố và xa hơn nữa...

Bạo hành trẻ em từ đó mà ra. Từ cách mắng mỏ, dọa nạt, đến đánh đòn, thậm chí gây ra tử vong, lỗi là của người lớn, không thể lý giải, đánh cho chừa vì thằng cu mải xem tivi.

Bạo hành ngày càng nhiều

Việc bạo hành của mấy cô “ác mẫu” mà báo chí đưa lên chỉ là một trong hàng triệu “các đồng chí chưa bị lộ”. Bạo hành xảy ra trên khắp thế giới, từ nước văn minh đến quốc gia lạc hậu, từ gia đình có truyền thống văn hóa đến nhà nghèo, từ người có học thức đến dân anh chị, đầu đường xó chợ.

{keywords}
Vụ bạo hành trẻ đang gây rúng động. Ảnh cắt từ Clip

Có rất nhiều kiểu bạo hành, chăm sóc trẻ cẩu thả, không cho ăn uống đầy đủ, không cho học hành, chẳng quan tâm đến nỗi lo lắng của trẻ. Cao hơn là đánh đập, roi vọt, đấm đá làm hại thân thể đứa bé. Trẻ lớn chút dễ bị lạm dụng tình dục, không đánh được thì đay nghiến, mắng mỏ, chê bai.

Bạo hành dễ để lại dư chấn dài lâu cho đứa bé trong suốt cuộc đời còn lại. Gia đình bị cô lập, đứa bé bị cô lập. Nếu công ăn việc làm có vấn đề, tiền không đủ tiêu, nhà cửa tiêu tán, không đóng cửa bảo nhau, cha mẹ và con cái chẳng trao đổi với nhau, ai biết người nấy, ích kỷ, chuyện bạo hành càng dễ xảy ra.

Đối với cha mẹ và người trông coi, thì chuyện căng thẳng trong cuộc sống, trong công việc, trong tình cảm, hoặc bị thần kinh, không hiểu những nhu cầu của đứa trẻ, hoặc gia đình có truyền thống đánh chửi nhau, thì chuyện bạo hành dễ xảy ra hơn. Gia đình bị ảnh hưởng kéo theo cộng đồng xa lánh, càng làm cho bạo hành thêm phát triển.

Di chứng bạo hành

Đứa trẻ dưới 4 tuổi bị bạo hành dễ bị thương, tử vong so với lứa tuổi lớn hơn, di chứng nguy hiểm cả về trí tuệ lẫn sức khỏe sau này. Để sửa lỗi “tâm thần” của đứa trẻ cái giá không phải là nhỏ.

Ngay tại nước Mỹ với 310 triệu dân, người ta thống kê, cứ 10 giây có một đứa trẻ bị bạo hành, 4 đứa trẻ chết mỗi ngày vì bạo hành hay do cẩu thả của người lớn.

Ước tính, nước Mỹ tốn khoảng 124 tỷ đô la hàng năm do bạo hành trẻ em gây ra, theo báo cáo của Centers for Disease Control and Prevention. Trung bình cả cuộc đời đứa bé bị bạo hành tốn tới 210 ngàn đô la, số liệu năm 2012 cho biết, trong đó 32 ngàn dành cho chữa trị cho bé, 10 ngàn cho người lớn đễ chữa bệnh, mất 144 ngàn vì năng suất lao động bị giảm, 7 ngàn vì tòa án, 7 ngàn cho giáo dục đặc biệt.

Người ta tính rằng, 22%  trẻ bị bạo hành cần chương trình học đặc biệt. Nghiên cứu 17 ngàn người lớn đã đi đến kết luận, những ai hồi bé bị bạo hành, lớn lên dễ tự tử, dễ bị bệnh tim, ung thư, phổi, gấp đôi số người bị béo phì, nghiện rượu, và gấp 3 số người nghiện ngập ma túy.

Năm 2007, một số nhà khoa học của đại học Stanford đã tìm thấy các em nhỏ bị bạo hành hay trải qua những cơn sốc tinh thần sau này lớn lên có bộ não nhỏ hơn, do bố mẹ tự tử, bị hãm hiếp, bắn giết trong trường, hoặc cộng đồng man rợ.

"Không có đứa trẻ hư"

Tránh bạo hành trẻ em cần có luật pháp nghiêm minh, trừng trị và không dung thứ bất kỳ hành vi nào có hại đến trẻ em. Ngay tại nước Mỹ, nếu đứa trẻ bị đánh, hàng xóm hay chính chồng hoặc vợ, ngay cả đứa trẻ có thể gọi cảnh sát đến xích tay người đánh.

Trường học, nơi công cộng, cộng đồng cần có hệ thống trợ giúp gia đình gặp khó khăn và giải quyết bạo hành, hoặc những hành vi bỏ bê con cái.

Gia đình là chìa khóa cho việc nuôi dưỡng đứa trẻ. Nếu được dung dưỡng trong một môi trường hạnh phúc và bình yên thì lớn lên sẽ thành người có ích, ít gây ra tội ác, không bạo hành người khác hay chính con mình.

Không có học sinh dốt mà chỉ có người thầy không biết dậy. Không có đứa trẻ hư chỉ có bố mẹ không biết làm người.

Lỗi của đứa trẻ chính là lỗi của người lớn. Nếu cha mẹ, cô bảo mẫu thấy đứa trẻ dán mắt vào tivi, không chịu ăn, thì hãy tự tát vào mặt mình trước, trước khi xử lý đứa bé. Khi đó bạo hành sẽ bớt dần đi.

  • Hiệu Minh