Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 mới đây, sau khi đánh giá những mặt được của công tác tổ chức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận: "Tuy nhiên, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý; tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập...".
Ảnh minh hoạ: Báo Dân trí. |
Trong Hội nghị Trung ương VI lần này, vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong Đảng là một trong những nội dung được Ban chấp hành thảo luận và cho ý kiến. Đây có thể xem là một cuộc cải cách quan trọng mà Đảng ta buộc phải lựa chọn, một bài toán rất khó đòi hỏi hệ thống chính trị phải có một quyết tâm thật cao.
Chúng ta vừa nhận được tin vui từ phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ. Khả năng năm 2017 này sẽ là năm đầu tiên sau hàng chục năm, GDP nước ta có thể tăng trưởng cao và đạt 6,7%. Song dù có vậy cũng vẫn rất khó nuôi nổi bộ máy có đến gần 6,5 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Trong lịch sử, sau hoà bình lập lại 1954, các cơ quan tham mưu cho Đảng ở Trung ương và địa phương còn có cả Ban Công nghiệp, Ban Nông nghiệp và có đến hàng chục ban như thế. Đến sau 1975, chúng ta dần cải cách và có chút gọn nhẹ hơn nhưng vẫn cồng kềnh. Nhưng rồi cũng có lúc lại thành lập hơi nhiều ban bệ, mà cao điểm nhất là Đại hội Đảng Khoá IX với cả chục Ban tham mưu, để rồi Khóa X lại giải thể... theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khoá X, ngày 9/2/2007, về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Đây cũng chính là nền tảng để sau này Đảng tiếp tục có những kết luận, như Kết luận 64/TW về tiếp tục đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở (28/5/2013), cũng như Nghị quyết 39/NQTW của Bộ chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức (17/4/2015) mà chúng ta đã và đang thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế việc tinh gọn bộ máy không đi đến giảm mà ngược lại, số đầu mối đơn vị hành chính có xu hướng tăng lên do các bộ, ngành bổ sung theo yêu cầu dù đầu mối cấp ban, bộ có giảm. Theo số liệu của Tạp chí Xây dựng Đảng số tháng 9/2017, trong 5 năm 2011-2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, như Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Y tế tăng 3 cục...
Số lượng lãnh đạo cấp bộ cũng tăng, số lượng cán bộ quản lý cấp cục cũng vượt quá quy định, số lượng cấp phòng tăng rất nhanh. Nếu chỉ tính cán bộ cấp phòng của các cơ quan ban, bộ thì số công chức cấp phòng trở lên (gồm cả người có chức vụ "hàm") cũng đã tăng từ 12.216 người lên 13.556 người, cấp vụ tăng từ 3.871 người lên 4.619 người...
Như vậy, Nghị quyết 39 của Bộ chính trị dù đã ban hành nhưng số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người. Chính vì thế, bộ máy của chúng ta, nếu tính riêng số người hưởng lương từ ngân sách, theo số liệu của Bộ Nội vụ ngày 21/11/2016, thì có đến hơn 6,5 triệu (chưa tính khối quân đội, công an) với tổng quỹ lương lên đến khoảng 295.000 tỷ đồng [1].
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, chúng ta đều có những lý lẽ để thuyết phục rằng việc tái lập ban này bộ nọ là cần thiết hoặc ngược lại. Nhưng thực ra tổ chức các cục, vụ của ban, bộ lại phình ra rất ghê gớm, khó kiểm soát.
Câu chuyện từ Quảng Ninh
Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế. Sau gần bốn năm, tỉnh đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp; 107 phòng, ban; 686 biên chế công chức, viên chức. Trong đó, hai giải pháp được quan tâm nhất là nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý và sáp nhập các cơ quan đảng, chính quyền có chung chức năng, nhiệm vụ. Đây là một sáng kiến chính trị, hành chính có tính đột phá.
Chẳng hạn, ở cấp xã, Quảng Ninh đã tiến hành nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 76/186 địa phương. Đối với cấp huyện là hai huyện… Việc hợp nhất các cơ quan đảng và chính quyền có chung chức năng, nhiệm vụ cũng đang được thực hiện ở cấp huyện và cơ sở. Chẳng hạn, 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh đã sáp nhập MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội vào một cơ quan với tên gọi ở cấp huyện là “Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị”[2].
Mô hình nhất thể hoá bộ máy đảng, chính quyền các cấp mà Quảng Ninh đang tiến hành có thể xem là một trong những giải pháp khả thi, hiệu quả để thực hiện tinh giản cán bộ và bộ máy. Nên chăng, trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai rộng hơn (có thể cũng vẫn là thí điểm), sau đó chúng ta sẽ tổng kết, bổ sung, chỉnh sửa hệ thống luật pháp, điều lệ - quy định của Đảng cho phù hợp rồi tiến hành trên diện rộng?
Một cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai hiệu quả sẽ trở thành lực đẩy mạnh mẽ cho sự đồng bộ của đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Đương nhiên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi có những điểm chưa hoàn hảo, cần chỉnh sửa dần, nhưng đó vẫn là điều tất yếu phải làm, vì chậm tinh giản bộ máy chính là chúng ta tự gây khó chính mình.
Bộ máy và biên chế là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự vận hành của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có thể tin rằng, trong hội nghị Trung ương 6, vấn đề này sẽ được bàn thảo rốt ráo để thực hiện có hiệu quả. Đó chính là mong mỏi của cả xã hội chứ không của riêng ai...
Quốc Phong
--------
Khi những ‘hạt giống Đỏ’ không… đỏ
Một khi chúng ta định gieo "hạt giống Đỏ" thì cần phải "Đỏ" thật, chỉ có vậy thì cây mới bền, rễ mới chắc và mới có thể trường tồn cùng năm tháng.
Lồng nhốt quyền lực, lồng nhốt tham vọng
Có thể nói, “cái lồng” đã được xây và từng bước sẽ “nhốt quyền lực” vào trong đó để kiểm tra, giám sát.
Cán bộ cấp phường và quyền lực bé mọn
Bạn có nghĩ mình sẽ là một cán bộ phường không? Nếu hỏi thí sinh thi tốt nghiệp phổ thông, việc trở thành cán bộ phường sẽ là lựa chọn cuối cùng.
“Lò đã nóng” và quyết tâm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thông điệp của Tổng Bí thư gửi tới chúng ta: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy…Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là một hình tượng rất sống, rất hay và rất thực tế.