- Hôm nay, Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai mạc tại Bắc Kinh; cũng như mọi khi vấn đề sắp xếp nhân sự trở thành tiêu điểm được quan tâm nhất.

Trong khi các cơ quan truyền thông trong, ngoài Trung Quốc và mạng xã hội đưa ra những phán đoán về những nhân sự chủ chốt thì một số nhà bình luận lại quan tâm phân tích cách dùng người khác hẳn những người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền ở Đại hội 18 cho tới nay.

Một bài bình luận đăng trên tờ Đông Phương hôm 14/10 cho rằng: khi lên nắm quyền tại Đại hội 18, ông Tập Cận Bình tuy đã là Tổng Bí thư, nhưng tuyệt đại đa số vị trí hạt nhân đều thoát khỏi tầm tay ông. Ví dụ như quân đội, nhân sự của các Tổng bộ Chính trị, Tham mưu và các đại quân khu đều do Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu sắp đặt từ trước; hệ thống Chính pháp thì là thiên hạ của Chu Vĩnh Khang; các địa phương đều là “cứ điểm” của các “phái đoàn thanh niên” hay “dầu khí”. Nhìn tình thế chung, ông trở nên cô lập…Thế nhưng, (ông) Tập Cận Bình đã áp dụng một loạt biện pháp khác với bình thường để tăng cường tập trung quyền lực và thanh lọc nhân sự.

{keywords}
Ông Tập Cận Bình.

Về quân đội, đầu tiên ông thông qua điều chỉnh cải cách thể chế, cải tổ cơ quan tổng bộ và 5 đại chiến khu (vùng chiến lược) để giảm bớt một số nhân sự không phù hợp.

Sang năm 2017, từ tháng 1, ông Tập Cận Bình đã bãi chức một loạt Thượng tướng; một loạt Phó chủ nhiệm Bộ tham mưu Quân ủy và Phó chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân ủy buộc phải nghỉ hưu, cơ quan tổng bộ vắng vẻ hẳn. Đến tháng 8, ông ra lệnh miễn chức kiêm nhiệm tất cả các ủy viên Quân ủy; 4 ngành tham mưu, chính trị, hậu cần, trang bị cùng 4 quân chủng hải, lục, không quân và tên lửa chiến lược đều bị thay người đứng đầu; Chủ nhiệm Hội đồng Tham mưu Phòng Phong Huy và Chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân ủy Trương Dương đều bị điều tra.

Đối với bố cục nhân sự các địa phương cấp tỉnh, những người xuất thân đoàn thanh niên, ngành dầu khí không còn được trọng dụng,  đồng thời đề bạt nhân tài kiểu “phá cách”. Hiện nay trong số lãnh đạo chủ chốt số 1 và 2 của các tỉnh, thành có tới 19 người không phải là Ủy viên trung ương hoặc Ủy viên dự khuyết trung ương hay Ủy ban kiểm tra kỷ luật. Ngay Bí thư Thái Kỳ và Thị trưởng Trần Cát Ninh của thủ đô Bắc Kinh cũng đều không phải ủy viên “3 ủy ban” như trước đây, tạo nên tiền lệ chưa từng có trong lịch sử chính trị của Bắc Kinh.

{keywords}
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai mạc tại Bắc Kinh ngày 18/10; cũng như mọi khi vấn đề sắp xếp nhân sự trở thành tiêu điểm được quan tâm nhất.

Việc ông Tập Cận Bình mạnh tay điều chỉnh cơ cấu và thanh lọc, sắp xếp lại nhân sự một mặt thể hiện ông đã nắm chắc quyền lực trong tay; mặt khác cho thấy ông không chịu sự gò ép của các khuôn phép trước đây: ai cần trọng dụng thì kiên quyết trọng dụng, một số thuộc diện nghỉ hưu cũng vẫn được sử dụng; một số “hạt giống” có tiềm năng được mạnh dạn sử dụng, đề bạt vượt cấp…Cách sử dụng nhân tài vượt qua khuôn sáo của ông Tập Cận Bình đã phá vỡ nhận thức cố hữu của giới phân tích. Cho nên dự đoán về nhân sự của họ cũng khó mà chính xác.

Theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại hội 19 sẽ bầu ra  cơ cấu quyền lực là Ủy ban trung ương gồm các Ủy viên chính thức, Ủy viên dự khuyết trung ương và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương. Hội nghị Ủy ban trung ương lần thứ nhất sẽ bầu ra Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Quân sự trung ương (Quân ủy).

Ban lãnh đạo mới lần này “đổi khóa không đổi thế hệ”, tức vẫn là “thế hệ lãnh đạo thứ 5”, nhưng sẽ “thay mới loại cũ” với số nhân sự mới trong Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị chiếm hơn một nửa. Trước khi khai mạc Đại hội 19, đã có dư luận về việc cải cách thể chế ban lãnh đạo cấp cao nhất, như thay thế Tổng Bí thư bằng Chủ tịch đảng hay số Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị từ 7 giảm xuống 5. Nhưng những giả thuyết đó đều khó diễn ra vì hiện đã xác định ông Tập Cận Bình là hạt nhân lãnh đạo đảng, nếu thay đổi chế độ lãnh đạo vừa phiền hà lại không có ý nghĩa thực tế, việc thay đổi này sẽ để lại cho đại hội khóa sau.

Dưới tiền đề không thay đổi thể chế lãnh đạo, không thay đổi thế hệ, ông Tập Cận Bình đương nhiên vẫn giữ chức Tổng Bí thư, ông Lý Khắc Cường cả tuổi tác và năng lực đều thích hợp để tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Trừ hai người cũ đó, 5 thành viên mới trong Ban thường vụ đều sẽ do các Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18 thăng nhiệm.

Ngô Tuyết