Nếu chủ đầu tư sai phạm như vậy, tại sao cơ quan chức năng vẫn cho các tòa nhà vận hành và dân dọn vào ở? Vậy đâu là luật để xử phạt hay chế tài những sai phạm thế này?

Liên tiếp 4 vụ hỏa hoạn xảy ra vài tháng nay tại các khu chung cư của chủ đầu tư doanh nghiệp tư nhân (DNTN) số 1 Lai Châu đã làm cho người dân nơi đây cay đắng nhận ra độ rủi ro cao của những căn nhà đã mua. Nhất là khi nhiều người phải đổ bao tâm lực, thậm chí bù chênh lệch vài trăm triệu đồng để mua được một căn hộ… chất lượng thấp, dễ cháy, thang máy xếp hàng, tinh thần hoang mang mỗi khi có sự cố.

“Cháy nhà ra… mặt chuột”

Nguy cơ cháy nổ tại các chung cư dành cho người thu nhập thấp của doanh nghiệp này đang được báo động. Bởi nhược điểm của các chung cư này là sử dụng vật liệu xây dựng rẻ tiền, dân cư quá đông khiến hạ tầng, trong đó có thang máy quá tải, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa hoàn thiện và mật độ xây dựng dày đặc.

Bởi vậy nên các vụ hỏa hoạn có liên tiếp xảy ra ở đây không phải là điều bất thường.  Ví như  ngày 16/ 9 tòa nhà HH 4 A Khu đô thị Linh Đàm đã xảy ra cháy tại khiến cho cảnh sát chữa cháy phải dùng rìu để phá cửa một số phòng giải cứu người mặt kẹt bên trong.  Ngày 20/9 đã xảy ra cháy vì chập điện tại nhà CT 5 Khu đô thị Xa La. Hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động nên dân chúng ở đây tự phát hiện và chữa cháy bằng bình cứu hỏa gia đình.

Và mới đây nhất là vụ cháy ngày 11/10 đã khiến cho 200 người mắc kệt trong các tòa nhà, trong đó có 10 người ngạt khói phải cấp cứu. 200 xe máy và ô tô bị cháy, toàn bộ kết cấu của tầng hầm tòa nhà bị thiệt hại nghiêm trọng.

{keywords}

Vụ cháy tại nhà CT4 tối 11/10

Thêm vào đó còn xảy ra nghịch cảnh là nhà cháy thì hệ thống báo cháy không hoạt động. Còn nhà không cháy thì chuông báo cháy réo ầm ầm. Bởi vậy nên ngày 20/9/2014 đã xảy ra chuyện chuông báo cháy của chung cư HH4B, khu đô thị Linh Đàm cùng ngày 20/9 réo vang khiến cho hàng trăm cư dân ở đây bỏ chạy thục mạng. Cuối cùng hóa ra nhà… không cháy.

Nhưng điều đáng nói là đến khi có vụ cháy thứ 4 ở các chung cư do DNTN số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư thì Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội mới công bố cho bàn dân thiên hạ những số liệu nghiêm trọng, mà có tờ báo miêu tả là “kẽ hở chết người”.

Đó là tính đến quý II/2015, toàn thành phố Hà Nội có 891 công trình nhà cao tầng. Trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó có 68 công trình không đảm bảo về kỹ thuật, thiết kế thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy, 21 công trình không đảm bảo về giao thông tiếp cận phòng cháy chữa cháy và an toàn về phòng cháy chữa cháy, 58 công trình không đảm bảo lối thoát nạn an toàn và 51 công trình không đảm bảo cháy lan.

Tình cảnh này không chỉ HN mới có. Chẳng hạn, tại TPHCM hiện vẫn tồn tại chung cư 785/1 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú mà 7 năm nay hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hỏng. Theo đó hệ thống hồ chứa nước, bơm tay, đèn chiếu sáng tê liệt hoàn toàn. Sảnh chung cư này thì chật kín xe máy nên nếu hỏa hoạn xảy ra 1.300 cư dân ở đây không biết làm sao?

Dân lo tự cứu mình

Sau vụ cháy tại nhà CT 5, khu đô thị Xa La, cảnh sát phòng cháy chữa cháy HN lên tiếng về trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư đã có những sai phạm nghiêm trọng , thậm chí có những hành động “chống đối” lại những yêu cầu và đề nghị của lực lượng chức năng. Và nhà CT 5 đã được vận hành trong khi chưa hoàn thiện mọi thủ tục, yêu cầu của cảnh sát phòng cháy chữa cháy .

Tương tự tại TPHCM, chủ đầu tư của chung cư 785/1 Lũy Bán Bích bất hợp tác với cư dân nên không bàn giao quỹ bảo trì chung cư, bởi vậy nên hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hỏng nhưng không có tiền sửa…

Nhưng vấn đề đặt ra là nếu chủ đầu tư sai phạm như vậy, tại sao cơ quan chức năng vẫn cho các tòa nhà vận hành và dân dọn vào ở? Vậy đâu là luật để xử phạt hay chế tài những sai phạm thế này?

Cũng không thể trông chờ vào bảo hiểm. Bởi với tình trạng các tòa nhà xây dựng cẩu thả, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội và ít nhiều xuất hiện tại TPHCM hiện nay, liệu có nhà bảo hiểm nào dám “liều mạng”. Bởi nguyên tắc hàng đầu của bảo hiểm là dùng cho các rủi ro bất ngờ, chưa biết rõ, trong khi với các tòa nhà này lại là rủi ro nhãn tiền.

Và giờ đây, do chưa thấy có sự lên tiếng của những nhà quản lý cấp cao, hay phán quyết từ cơ quan luật pháp quy trách nhiệm, dân chúng đã trót mua nhà trong các chung cư thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy đang phải tự cứu mình. Mà phương cách dễ nhất là tự đổ xô đi mua sắm các phương tiện phòng cháy chữa cháy (không khéo rồi các dụng cụ này cũng… cháy hàng), học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra…

Kinh nghiệm tại Hàn Quốc trong giai đoạn đầu phát triển chung cư ồ ạt vào những năm 1990 với chất lượng tồi đã làm cho nhiều tòa nhà sụp đổ, thương vong hàng loạt cho thấy nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ dẫm vào vết xe đổ này.

Nguyễn Anh Thi