Người nông dân hiện vẫn đang “mang” “bốn cái nhất” (nghèo nhất, lạc hậu nhất, trình độ thấp nhất, hưởng thụ ít nhất). Nguyên nhân do người nông dân vẫn thiếu thông tin. Nuôi con gì, trồng cây gì, lâu nay họ quyết định theo cảm tính.

Mới đây, sau một thời gian đổ xô đi trồng chuối, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc giảm mua trong khi nhiều diện tích trồng chuối ở Đồng Nai đã đến kỳ thu hoạch.  Nông dân không bán được nên để trái chín rụng hoặc cho gia súc, gia cầm ăn. 

Năm ngoái, nông dân cũng đổ xô đi trồng bí đỏ khắp nơi ở Khánh Hòa, thị trường tiêu thụ không hết, giá cả vận chuyển tăng… thương lái lật kèo, không thu mua nữa.

Hồi đầu năm 2014, thương lái Trung Quốc tung tin thu mua mầm thảo quả với giá gần 50.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao nhất vào dịp giáp Tết chỉ từ 16.000 - 18.000 đồng/kg. Ở Hà Giang và nhiều địa phương biên giới phía bắc, thảo quả là cây xóa đói giảm nghèo vì có giá trị kinh tế cao. Khi người dân chặt mầm cây ồ ạt, thiệt hại không chỉ dừng ở chuyện kinh tế.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Mấy năm trước có hiện tượng người dân kéo về cánh đồng ngoại thành Hà Nội để bắt đỉa. Người ta rỉ tai nhau, giá mỗi kg đỉa do thương lái Trung Quốc thu mua lên tới 500.000 - 600.000 đồng, thậm chí có thời điểm lên tới cả triệu đồng/kg. Việc săn đỉa hàng ngày đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với làm ruộng, khiến nông dân các vùng miền ráo riết săn đỉa đem bán, bỏ cả làng để lên phố tìm bắt đỉa. Có những gia đình thậm chí còn nuôi loài sinh vật này, nhưng chỉ sau đó một thời gian, đầu nậu thu mua đã bỏ đi, để lại hàng tạ đỉa do người dân nuôi. Đến khi không bán được cho ai, họ vứt đỉa xuống ruộng khiến cho hệ sinh thái tại khu vực quanh Hà Nội bị ảnh hưởng.

Hơn 10 năm trước còn có phong trào “giết trâu lấy móng” diễn ra rầm rộ ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Thương lái trả cao tới mức cho dù thịt trâu có phải bán đổ bán tháo vẫn có lãi. Chính sách thu mua này khiến lực lượng cày kéo chính đã bị triệt phá. Chỉ một thời gian rất ngắn, số lượng trâu giảm mạnh, sức kéo của nông dân bị triệt phá nghiêm trọng. Người nông dân phải bỏ tiền sang biên giới “tậu” trâu, bò với giá cao ngất ngưởng.

Khoảng năm 1997, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam ráo riết thu mua mèo với giá cao khiến lượng mèo của Việt Nam giảm đáng kể. Người dân thậm chí bắt trộm mèo của hàng xóm để bán. Cùng năm đó, đại dịch chuột hoành hành dữ dội.

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), cho rằng thực chất ở đây thương lái Trung Quốc đã tạo ra nguồn cung ảo, cầu ảo và loại cung ở đây là không có giá trị. Khi đã thổi được giá, thao túng được thị trường thì họ… biến luôn.

Sở dĩ có tình trạng trên vì phần lớn nông dân tin tưởng vào các thương lái hơn là các thông tin từ tivi, đài, báo… Mặc dù mỗi năm, nhà nước vẫn đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho hoạt động khuyến nông, song chỉ có 3% trong số đó được dùng vào thông tin khuyến nông. Bởi vậy, nông dân đang rất thiếu thông tin nghiêm trọng thành ra họ cố thoát nghèo nhưng lại bị “sập bẫy” và quay lại cảnh túng bấn.

Không ai có thể phủ nhận, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã thổi vào Việt Nam trong hơn 20 năm qua và nhiều người đã bắt kịp luồng gió này để đổi đời. Tuy nhiên, trong số 70% nông dân Việt Nam hiện nay, có bao nhiêu phần trăm người biết sử dụng Internet để vươn lên thịnh vượng?

Chưa có con số thống kế chính xác, nhưng theo quan sát của giới chuyện gia thì thành phần này vẫn còn ít lắm! Và như vậy, đa số người nông dân vẫn chưa được hưởng thành quả của công nghệ thông tin.

Nói cách khác, hiện nay người nông dân ở ta vẫn chưa nắm bắt được chứ nói chi đến việc cập nhật thông tin nông nghiệp trong, ngoài nước để điều chỉnh bao nhiêu diện tích, trồng giống cây nào trên miếng vườn, mảnh ruộng của mình để sản phẩm có đầu ra? Tình trạng “thấy người ăn khoai vác mai đi đào” dẫn đến quá nhiều hệ lụy mà kết quả cuối cùng bao giờ phần thiệt vẫn là nông dân: Không có đầu ra cho nông sản. Người nông dân thì cứ loay hoay với cái điệp khúc “chặt trồng, trồng chặt” hay “được mùa mất giá”.

 Một khi bản thân người nông dân vẫn không tự thay đổi quan niệm, chuyển từ “lão nông tri điền” sang “thanh nông tri điền”, lấy ứng dụng công nghệ thông tin làm điểm tựa để chuyển mình thì cho đù các cơ quan quản lý bộ, ngành có nỗ lực đến mấy thì cũng không hết được chuyện đổ xô đi giết trâu lấy móng, gom rễ cây hay nuôi đỉa rồi ôm về một cục nợ.

Gia Hưng  - Diệu Thúy