Cái chúng ta đang đối mặt không phải là niềm tin về một loại vắc xin, mà là niềm tin cho toàn bộ cuộc đời đứa trẻ. Bởi chúng ta phải xếp hàng, phải lùng sục từ hộp sữa "xách tay" đến hồ sơ vào trường tiểu học. Ta đang đối mặt với thứ cao hơn niềm tin, là nỗi sợ hãi cùng cực.

Cháu tôi vừa tròn 2 tuổi, tức là cũng nhận những mũi tiêm vắc xin vào cao trào của cuộc "khủng hoảng Quinvaxem"– tôi tạm gọi như thế về những đợt sóng dư luận sau những trường hợp tử vong khi tiêm Quinvaxem.

Tôi, ông bố không mẫn cán, sau khi đọc về cuộc chen lấn kinh hoàng để tiêm vắc xin Pentaxim, mới hỏi vợ, thằng cu nhà mình đã tiêm gì?

Vợ bảo Pentaxim? Tôi hỏi bao nhiêu? 2 triệu. Lấy đâu ra thuốc? Đặt riêng từ quota thuốc của tỉnh khác mang lên. Tại sao không tiêm Quinvaxem. Vợ ngạc nhiên thốt lên: "Tiêm để mà chết à?".

Thật ra vợ tôi quyết định cho cháu tiêm thuốc gì, ăn món gì, mặc đồ gì, là phân công đặc thù,hai vợ chồng đã thống nhất. Nhưng đến hôm nay tôi mới tự vấn, nếu mình là người quyết định, thì mình sẽ chọn cho con mình điều gì?

{keywords}

Xếp hàng từ đêm khuya chờ tiêm vắc xin dịch vụ ở 182 Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Thúy Hạnh

Bởi vì tôi đặt bút viết những dòng này không thể với tư cách một gia đình có chút điều kiện và quan hệ, có thể tiêm cho con thuốc-gì-mình-muốn, mà là với tư cách một người đại diện cho đại chúng, cho những ông bố bà mẹ phải xếp hàng từ tối đến sáng trong trời giá rét Hà Nội. Họ không quen ai trong ngành, cũng không thể bế con đi Singapore như "phong trào" cách đây chưa lâu, và họ đang bị hành hạ bởi một nỗi sợ kinh hoàng với Quinvaxem–cái tên đã được nhắc đến trong hàng chục ca tử vong.

Tôi đối mặt với một mâu thuẫn. Trong bài viết này, tất nhiên tôi không thể công khai ủng hộ câu "Tiêm để mà chết à?" mà vợ đã ném vào mặt. Tôi không có đủ tư cách về mặt khoa học để phán xét điều đó. Và với tư cách một ông chồng, một ông bố, tôi cũng không thể phán xét hành động của vợ. Mẹ và bà nội của con tôi đã thực hiện một quy trình đầy phức tạp ("đặt thuốc từ tỉnh khác mang lên Hà Nội") để đảm bảo điều họ tin là tốt nhất.

Khi phải cố gắng trả lời câu hỏi giả định Quinvaxem hay Pentaxim, tôi phát hiện, mình, với tất cả quan hệ trong ngành báo chí-truyền thông, thậm chí ngành y tế, cũng thiếu thông tin, cũng hoang mang, cũng chỉ là một đối tượng yếu thế. Tôi cũng sẽ chỉ làm những gì mà đám đông đã làm, thậm chí bế con đi Singapore. Tôi bất lực không khác nào bà mẹ đã ngất trong đám đông mà các báo đưa đầy vào sáng hôm qua.

Thú nhận rằng, nếu phải xếp hàng, tôi cũng sẽ xếp hàng không suy nghĩ. Bởi vì người ta chỉ có thể lựa chọn tỉnh táo khi có đủ thông tin. Quinvaxem là một ma trận thông tin, trong đó ngoài những ca tử vong, còn đầy thông tin đáng sợ kiểu "nước sản xuất ra nó đã không còn sử dụng"; phủ lên những nỗ lực nhạt nhòa của ngành Y tế trong việc khẳng định rằng nó an toàn.

Điều gì đã tạo ra ma trận thông tin này? Hãy nhìn vào một ví dụ khác: lượng tiêu thụ sữa công thức tại các thành phố lớn đã giảm 11% trong vòng 1 năm từ 6/2014-6/2015, theo điều tra thị trường của Nielsen. Điều này rất vô lý. Bởi thu nhập của chúng ta vẫn tăng, giá sữa thì giảm (nhờ vào một quyết định áp giá trần gây tranh cãi của Bộ tài chính).

Nhưng sẽ không vô lý nếu ta nhớ ra một điểm rất chung với Pentaxim: các bà mẹ đã chuyển sang tiêu thụ một thứ không thể thống kê số lượng, "sữa xách tay"- một thứ ám ảnh nhiều bà mẹ. Họ dường như đã đào bới tận cùng thế giới để đi tìm một thứ gì đó an toàn. Thị trường này có lúc cũng vô cùng khan hiếm, y như vaccine, và buộc phải xếp hàng (bằng tiền).

Giữa Pentaxim, sữa xách tay, cổng trường Thực nghiệm bị xô đổ vì xếp hàng nộp hồ sơ, và cả số tiền 3 tỷ USD/năm mà các ông bố bà mẹ đã chi ra cho con tị nạn giáo dục có nhiều điểm chung. Đó là một sự cầu toàn được đẩy lên kịch điểm. Bởi con cái là thiêng liêng.

Nỗi hoang mang đã kéo dài ngaytừ lúc lũ trẻ sinh ra, khi chúng đi tiêm mũi vaccine đầu tiên, ngày đầu tiên đến trường và kéo đến khi chúng bước đại học. Vấn đề không chỉ của vaccine, vấn đề còn là của những ma trận thông tin, trong đó bên khẳng định "tốt lắm không sao đâu" chưa thuyết phục được người ta tin tưởng. Pentaxim, trường thực nghiệm, sữa bột ngoại, được thổi lên thành một thứ gì đó toàn năng, giải quyết nỗi sợ.

Đâu đó, người ta dùng cụm từ "mất niềm tin" để nói về những gì đang diễn ra. Nhưng cảm giác trong tôi lúc này không phải là niềm tin, mà là nỗi sợ hãi. Sợ hãi cùng cực nếu phải đối mặt với ma trận thông tin. Nếu quay ngược thời gian 1 năm trước khi vợ hỏi: "tiêm thuốc gì cho con?"; "cho con uống sữa gì?", tôi sẽ đá trách nhiệm sang vợ, bị nói là hèn, bị chì chiết cũng chịu.

Sợ là thế. Vậy mà chưa thấy ai cố gắng tìm kẻ đã gây nên nỗi sợ này. Bản thân tôi, đôi lúc cũng quá sợ để tự tìm câu trả lời. Tôi cũng sợ không thể tiêm cho con mũi vắc xin giá 2 triệu đồng.

Đức Hoàng